Làm sao để "tiền trao" thì phải "cháo múc"

Trong góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Hiệp hội BĐS TP.HCM có kiến nghị cho phép chủ đầu tư được huy động vốn của khách hàng tại thời điểm đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 (hoặc quy hoạch tổng mặt bằng).

15.5902

Đọc E-paper

Vì đây là lúc doanh nghiệp (DN) đã đầu tư một khoản tiền rất lớn để giải phóng mặt bằng nên rất cần bổ sung vốn tại thời điểm này.

Đồng thời, luật cần có cơ chế cụ thể, bao gồm các chế tài cần thiết để bắt buộc chủ đầu tư phải sử dụng vốn huy động của khách hàng đúng mục đích để hoàn thành BĐS bàn giao.

Các biện pháp có thể là chuyển tiền huy động vào "tài khoản đóng" của ngân hàng và chỉ được giải ngân theo tiến độ thi công công trình theo giai đoạn có sự giám sát của ngân hàng và đại diện khách hàng. Kiến nghị này liệu có mang tính khả thi?

Về cơ bản, đây là góp ý tích cực cho thị trường BĐS nhưng ở góc độ nào đó vẫn chưa đứng trên lập trường của người mua. Vấn đề cốt lõi hiện nay trong giao dịch nhà ở là niềm tin và sự chọn lựa của khách hàng.

Trong thời gian qua, thị trường đã chứng kiến không ít xung đột giữa chủ đầu tư và khách hàng về tiến độ bàn giao nhà, chất lượng công trình sau khi nhận bàn giao, quyền quản lý phí bảo trì 2%...

Thực tế cho thấy, nhiều cam kết đã được thể hiện bằng văn bản, ngay như hợp đồng mua bán nhà giữa hai bên, dù đã quy định rõ ràng thời hạn bàn giao nhà nhưng đến hẹn, chủ đầu tư chỉ giải thích bằng miệng với các lý do tại, bởi, cho nên... với khách hàng rồi sau đó cho một cái hẹn mới...

Cứ thế, chỉ có người mua nhà là chịu thiệt. Điều này đã từng xảy ra ở một dự án chung cư ở quận 2, quận 7 và gần đây nhất là dự án khá "nổi tiếng" ở Gò Vấp.

Thậm chí, dự án chung cư ở quận 7, do một tập đoàn có tên tuổi đang niêm yết trên HoSE và hiện đang gánh khoản nợ khá lớn, đã từng phạt lãi suất đối với khách hàng vì thanh toán trễ 2 tháng; trong khi đó, với việc bàn giao trễ hai năm so với cam kết ban đầu, chủ đầu tư đã... im lặng cho qua.

Lý do là vì trong hợp đồng mua - bán, chủ đầu tư chỉ đưa ra "thời gian dự kiến hoàn thành"; trong khi, chế tài dành cho bên mua thì "trắng đen rõ như ban ngày". Tất cả cũng chỉ vì hàm ý quá rộng của chữ nghĩa tiếng Việt mà ra!

Giả sử, với kiến nghị mới, chủ đầu tư được phép huy động vốn từ khách hàng ngay sau khi hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để tiếp tục phát triển dự án. Song, trong cơ cấu vốn để đầu tư một dự án thường từ vốn tự có của DN, vốn vay và một phần huy động từ khách hàng.

Do đó, nếu bản thân doanh nghiệp không có tiềm lực về tài chính thì lấy gì để đảm bảo dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ? Khách hàng liệu có lấy lại được số tiền đã đóng hay là thông cảm cho chủ đầu tư để... dần dần công trình có thời gian hoàn chỉnh vì dù sao tiền cũng đã trao tay?

Đã có những trường hợp nhãn tiền xảy ra nên khách hàng hiện có tâm lý chọn mua những dự án đã xây xong để dọn ngay vào ở hoặc chọn chủ đầu tư dám nói phải dám làm, đúng với quy tắc "tiền đâu, của đó”, hơn là trông chờ vào những ràng buộc trên văn bản.

ĐỖ HẢI
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]