Làm sao khi con hay quên chào hỏi?

Con tôi 3 tuổi. Tôi vẫn hay dạy con phải biết chào hỏi người lớn, nói có chủ ngữ, không được nói trống không, nhưng cháu thường xuyên không làm theo.

15.6088

Nhiều lần, tôi cảm thấy khó xử khi gặp ông bà, cô bác hay bạn bè bố mẹ, cháu cứ ngậm tăm. Thỉnh thoảng, cháu còn nói trống không với người lớn trong nhà như "uống nước", "đi chơi cơ"... Mặc dù tôi đã nhắc nhở nhiều lần, cả giải thích nhẹ nhàng, lẫn mắng nặng lời, nhưng hầu như đều không hiệu quả. Tôi nên làm thế nào với con?

(Bích Đào)

Ảnh minh họa: MT

Chào bạn,

Việc trẻ không chào hỏi người lớn, đôi khi nói trống không là bình thường, rất hay gặp. Bạn nên xem lý do vì sao cháu hay "quên" như vậy, thay vì mắng hay nói cháu "hư". Thường trẻ nhỏ, những gì thích thì bé làm, bé nhớ, không thích trẻ bỏ qua. Trẻ thường thích được khen. Bạn nhớ lại xem, sau khi con có hành vi tốt - chào hỏi, nói lễ phép - thì bố mẹ có khen ngợi, động viên không?

Ngoài ra, bạn có thể giải thích với trẻ ý nghĩa của việc chào hỏi, kể với con về mối quan hệ của bạn với những người bé hay gặp, những câu chuyện liên quan tới họ, để trẻ có cảm giác gần gũi hơn. Nếu bạn đã làm mọi việc trên mà bé vẫn không thay đổi hành vi thì bố mẹ cần xem lại bản thân và những người lớn khác. Nhiều bố mẹ bắt trẻ chào hỏi người khác nhưng chính mình không làm gương. Một số người lớn luôn mặc định "bé hơn phải chào" mà không nghĩ mình cũng có thể chào trẻ trước hay tạo cảm giác thân thiện, cởi mở với bé.

Mỗi đứa trẻ là một chủ thể, và có những hành vi cụ thể trong những tình huống khác nhau. Cha mẹ đừng quá nặng nề việc con chào hay không chào. Người lớn phải tỏ thái độ làm sao để trẻ biết khi bé làm điều gì đó không đúng, con sẽ không nhận được phản hồi tích cực. Chẳng hạn, nếu hôm nay đến nhà ông bà chơi, con không chào hỏi, thì khi về nhà mẹ hãytỏ ra buồn hơn, không nói chuyện với con như mọi khi. Trẻ thường rất nhạy cảm và sẽ hỏi "Vì sao mẹ buồn". Khi đó, hãy nói với con lý do mẹ buồn.

Tương tự, khi bố mẹ răn dạy "trẻ con không được nói trống không", trẻ thường sẽ quên ngay. Và thực tế, đứa trẻ nào cũng nói trống không. Với trẻ, nói một câu ngắn tất nhiên đơn giản hơn một câu dài. Thay vì mắng con, hãy tỏ thái độ. Chẳng hạn con nói "uống nước", đừngmắng "con nói thế là hư, không được nói trống không" nhưng vẫn lấy nước cho bé. Thay vì thế, hãy làm lơ như bạn không nghe thấy gì, cho tới khi trẻ phải nói câu đầy đủ "Mẹ lấy nước hộ con" hoặc giải thích lý do khi trẻ hỏi "Sao con nói mẹ không bảo gì"...

Hãy kiên trì thực hiện những điều trên, trẻ sẽ dần nhận ra hành vi nào của mẹ được hoan nghênh, điều gì không được chấp nhận.

AloBacsi.vn
Theo TS Nguyễn Công Khanh - Kiến thức

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]