Làm sao thắng nỗi sợ hãi?

Mỗi khi nhìn thấy con thằn lằn bò trên vách là con tôi bủn rủn tay chân, thở không ra hơi, mặt tái xanh không còn giọt máu, muốn ngất xỉu.

0

Con gái tôi 14 tuổi, đang phụ mẹ làm bếp, thình lình có vật gì rơi bám vào cổ nhột nhột khiến cháu rùng mình. Cháu vội lấy tay hất xuống thì đụng phải một vật gì mềm nhũn, lạnh và ngọ nguậy dưới tay khiến giật bắn người.

\Một cảm giác lạnh toát chạy dọc theo xương sống. Từ đó về sau, mỗi khi nhìn thấy con thằn lằn bò trên vách là con tôi bủn rủn tay chân, thở không ra hơi, mặt tái xanh không còn giọt máu, muốn ngất xỉu. Xin bác sĩ cho biết cách điều trị nỗi ám ảnh này ra sao?

N.T.HẠNH (Phú Nhuận)

Làm việc nhà nhiều, phụ nữ phải đối diện với nỗi sợ gián, thằn lằn...
Ảnh: Thuận Thắng

Cháu đã bị chứng ám ảnh sợ hãi với một con vật bình thường là thằn lằn, từ chuyên môn gọi là scoliodentosaurophobia. Chứng này khá phổ biến chứ không cá biệt.

Lắm nỗi sợ

Ám ảnh sợ hãi là một trạng thái rối loạn tâm lý khá cá biệt ở một số người trước một sự vật, hiện tượng hay tình huống mà nhiều người khác không thấy đáng phải khiếp sợ. Khi hỏi về điều làm họ sợ, có thể người ấy không thể giải thích được lý do vì sao, nhưng chỉ cần nghĩ đến điều đó thôi là đã cảm thấy khiếp đảm. Tùy theo từng cá nhân mà ám ảnh sợ hãi có thể biểu hiện những triệu chứng với những mức độ khác nhau: từ trạng thái không thích, ghét... hay cảm thấy khó chịu, bất an, lo lắng..., mạnh hơn nữa là kinh hoàng, khủng khiếp; kèm theo các rối loạn thể chất như hơi thở ngắn, nhanh, tim đập loạn nhịp, toát mồ hôi, nôn ói, khô miệng, nói không ra tiếng hoặc nói lắp bắp, lảo đảo, tím tái, ngất xỉu…

Để tránh bị những nỗi ám ảnh sợ hãi, người lớn không nên cho trẻ em nghe, đọc, xem những truyện hay phim ảnh có thể gieo vào trí óc trẻ những cảnh ma quái, rùng rợn, khủng khiếp... Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, kể cả các chất gây nghiện, để thắng nỗi ám ảnh sợ hãi vì lợi bất cập hại.

Nguyên nhân các ám ảnh sợ hãi được cho là do sự kết hợp những yếu tố bên ngoài (ví dụ do sang chấn, do ảnh hưởng của tập thể, xã hội...) hoặc bên trong (gen hay di truyền). Trong nỗi ám ảnh sợ hãi, cơ thể tiết ra nhiều chất nội tiết kích hoạt quá mức phản ứng chống - và - chạy, khiến nạn nhân dễ bị bấn loạn. Nhiều nỗi ám ảnh đặc thù có thể truy nguyên để tìm ra nguyên nhân khởi phát nào đó trong quá khứ, có thể từ thời thơ ấu, thường là bị trải qua một sang chấn tâm lý, gây ấn tượng rất mạnh trong tiềm thức, khó phai mờ theo thời gian.

Có hàng trăm điều có thể gây ra nỗi ám ảnh sợ hãi đã được xác định, nhưng theo các nhà chuyên khoa tâm lý thì có thể phân loại sự rối loạn âu lo này thành ba nhóm: ám ảnh nơi công cộng, ám ảnh xã hội và các loại ám ảnh đặc thù khác.

Điều trị ra sao?

Có nhiều phương pháp điều trị chứng ám ảnh sợ hãi, từ tư vấn, tâm lý liệu pháp, thôi miên... cho đến phương pháp lập trình ngôn ngữ - tư duy, nhiều khi khá phức tạp, phải cần đến các nhà chuyên khoa tâm lý giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong đa số nỗi ám ảnh sợ hãi đơn giản với những tình huống hoặc sự vật cụ thể, thì có thể cải thiện dần dần bằng liệu pháp nhận thức - hành vi, nhằm giúp người bệnh tập thích nghi và nâng cao nhận thức với sự hỗ trợ của gia đình hoặc cộng đồng.

Trường hợp cụ thể như con chị, các nhà chuyên khoa tâm lý khuyên nên tập cho cháu quen dần với hình ảnh con thằn lằn qua tranh vẽ, đặc biệt là những tranh vẽ có tính khôi hài, ngộ nghĩnh. Rồi dần đến hình hay phim ảnh thật. Khi đã dạn dần thì có thể cho cháu nhìn ngắm, thậm chí tiếp xúc với con thằn lằn sống, lúc đầu được nhốt trong lồng hoặc hộp nhựa không màu, đóng kín, để cháu có thể quan sát gần mà không sợ phải đụng chạm trực tiếp đến con vật.

Đối với những nỗi ám ảnh sợ hãi có nguyên nhân phức tạp như ám ảnh sợ hãi trong giao tiếp xã hội thì việc khắc phục cần có nhiều thời gian để rèn luyện ý chí và lòng tự tin. Chẳng hạn, một học sinh muốn khắc phục tâm trạng quá lo âu, bối rối khi trả bài trước lớp thì điều cần trước hết là học sinh ấy phải củng cố lòng tự tin bằng cách chuẩn bị bài kỹ ở nhà để nắm vững nội dung. Đồng thời cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp trước đám đông. Việc tích cực tham gia công tác xã hội hay hoạt động Đoàn, Đội, làm quen với các sinh hoạt cộng đồng cũng giúp ích rất nhiều cho những bạn thanh thiếu niên khắc phục các nhược điểm bị ám ảnh sợ hãi trong giao tiếp xã hội.

Một điều không kém quan trọng đối với người dễ bị ám ảnh sợ hãi là cần thường xuyên rèn luyện thể lực với các hoạt động thể dục thể thao hằng ngày. Các phương pháp luyện tập như: thư giãn, hít thở sâu, khí công, yoga, thiền... có tác dụng giúp điều hòa hệ nội tiết và thần kinh, nên cũng rất có ích để khắc phục tình trạng bị ám ảnh sợ hãi.

Một số dược phẩm như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm đôi khi cũng được sử dụng nhưng không trị được căn nguyên, lại có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn
Theo DS Huỳnh Văn Nhiệm - Tuổi trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]