Làm sếp: Những điều cần tránh và nên làm

Theo kết quả một nghiên cứu mới đây của TowersWatson - một tổ chức tư vấn nhân lực quốc tế - thì năm 2010 vừa qua chỉ có chưa đến 21% nhân viên được khảo sát nhìn nhận bản thân họ là những cá nhân có độ “gắn kết cao”, giảm đi khoảng 10% so với năm 2009.

15.599

CôngThương -  Trong khi đó, có 8% cho rằng họ hoàn toàn không hết mình trong công việc. Một nghiên cứu khác cho thấy sự gắn kết giữa nhân viên với doanh nghiệp có được nhờ ở sự nhất quán giữa ý thức của đội ngũ nhân viên với mục tiêu của doanh nghiệp và niềm tin của đội ngũ nhân viên đối với các nhà quản trị.

Do đó, các nhà quản trị cần quan tâm đến những lời khuyên dưới đây để cải thiện lòng trung thành của đội ngũ nhân viên tại doanh nghiệp mình.

Sếp cần tránh gì? 

1. Tránh giận dữ. Nhà văn Mark Twain từng viết: “Nổi giận thì dễ. Mọi người đều có thể làm được. Nhưng nổi giận đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời điểm thì rất khó”. Giận dữ không tồn tại trong cung cách quản lý của một người sếp có bản lĩnh.

2. Tránh lạnh nhạt, xa cách, thô lỗ và kém thân thiện. Vào những thời điểm khó khăn nhất, các nhân viên thường có khuynh hướng muốn lắng nghe và làm theo những gì người sếp chỉ bảo. Vì thế, cấp dưới chỉ biết đánh giá một người sếp qua hành động, cảm xúc và cử chỉ, chứ không đoái hoài đến mục đích mà sếp hướng tới.

3. Tránh gửi đi những thông điệp lẫn lộn đến nhân viên để họ không thể phân biệt đâu là quan điểm của sếp. Thông điệp của cấp trên phải thật đơn giản, có tính nhất quán và tập trung cao. Quá nhiều thông điệp và hướng dẫn, chỉ thị được phát ra cùng một lúc sẽ khiến đội ngũ nhân viên đánh mất độ tập trung, rối trí và phớt lờ mọi chuyện.

4. Tránh che giấu thông tin hay nói dối. Hãy hiểu rằng dù các nhân viên còn rất trẻ nhưng họ đã đủ thông minh để biết đâu là những lời nói không chân thật của cấp trên.

5. Tránh quan tâm quá mức đến lợi ích của chính mình. Thành công của nhà quản trị nhờ ở công sức đóng góp của cả đội ngũ. Khi được tưởng thưởng thì ai cũng có phần tương xứng, vậy thì cớ gì sếp còn đòi hỏi thêm nữa?

6. Tránh đổ trách nhiệm cho nhân viên. Sếp phải làm việc nhiều hơn, có trách nhiệm cao hơn cấp dưới là tất nhiên. Khi có trục trặc hay tổn thất nào đó, sếp chính là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Đừng đổ lỗi cho người khác vì cách làm đó chỉ dẫn đến những hậu quả xấu mà sếp sẽ phải hối tiếc.

Sếp nên làm gì?

1. Làm những gì mình nói sẽ làm. Nhà quản trị tuyệt vời là người luôn có trách nhiệm với lời hứa của mình, luôn cố gắng thực hiện chúng bằng được. Khi ấy, cấp dưới sẽ tôn trọng và biết học hỏi thái độ đầy trách nhiệm ấy.

2. Nhanh chóng trả lời những cú điện thoại, email, tin nhắn… Nhà quản trị cấp cao nên xem đội ngũ nhân viên chính là các khách hàng nội bộ. Nếu muốn mọi người nhanh chóng hồi âm những gì khách hàng yêu cầu, trước hết sếp hãy làm điều đó với khách hàng nội bộ của mình.

3. Công khai ủng hộ và khuyến khích nhân viên. Đánh giá cao nỗ lực và sáng kiến của nhân viên là cách khuyến khích mọi người hăng hái đạt đến mục tiêu của doanh nghiệp. Vì vậy, người sếp thông minh không bao giờ bỏ qua công cụ ấy và còn thường xuyên thực hiện công khai trước tập thể.

4. Thừa nhận sai lầm. Ai chẳng mắc sai lầm và sếp không là ngoại lệ. Nhận ra sai lầm của mình là quan trọng, nhưng có hướng khắc phục sai lầm đó còn quan trọng hơn.

5. Luôn lắng nghe. Người sếp thông minh thường biết hỏi chuyện hơn là kể chuyện. Hỏi để người khác nói ra và lắng nghe. Lắng nghe để biết cách điều hòa mọi việc cho hợp lý. Đó là nghệ thuật rất đơn giản nhưng nhiều khi các sếp lại hay quên.

6. Luôn cười tươi và cười sảng khoái. Sếp đã tươi cười thì có nhân viên nào không đáp lại bằng nụ cười tương tự? Thêm một chút hài  hước trong chuyện trò với nhân viên sẽ giúp họ trút bỏ được sự buồn rầu hoặc stress. Chỉ có điều là một khi đã không vui, sếp đừng cố gắng ban tặng cho nhân viên nụ cười giả tạo!
 

Theo DNSG

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]