Làng “đặc sản” Tết

VOV.VN -Vụ xe khách đâm xe cứu hỏa đi ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đang khiến giới luật sư lệch quan điểm về trách nhiệm các bên liên quan.

15.6704

Bánh chưng, bánh tét, giò thủ, giò lụa, chả quế… là những loại thực phẩm không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc. Những Việt kiều dù ở xa xứ nhưng mỗi khi Tết đến xuân về vẫn không sao quên được những hương vị quen thuộc của quê nhà. Tại TP Hồ Chí Minh có một làng nghề nổi tiếng với những loại đặc sản như vậy. Trong những ngày giáp Tết, những đơn đặt hàng tại những cơ sở này dù không nhiều nhưng cũng đủ làm ấm lòng những người dân xa xứ trọn hưởng một cái Tết mang đặc trưng hương vị quê nhà…

Đó là khu vực Xóm Mới, quận Gò Vấp (tập trung chủ yếu phường 13, 15, 16, 17) nổi tiếng với gần 70 cơ sở sản xuất giò chả và gói bánh chưng, không chỉ tiêu thụ cho thị trường nội địa mà sản phẩm từ các “lò” này đã trở thành thương hiệu được nhiều địa phương tìm đến đặt hàng để xuất ngoại (chủ yếu ở Nga, Hàn Quốc) theo dạng quà biếu, xách tay… Ông Trần Văn Song xuất thân từ làng Ước Lễ (Hà Tây cũ), có nhiều năm trong nghề sản xuất giò chả tại khu vực Xóm Mới cho biết: Bánh chưng, giò chả là những thứ đặc sản rất nổi tiếng của người làng Ước Lễ. Năm 1927, người dân miền Bắc vào Nam làm phu ở đồn điền cao su cho Pháp, trong đó có người dân Ước Lễ. Vào những ngày Tết, nhớ về những món đặc sản của quê nhà, người dân Ước Lễ lại làm món bánh chưng, giò chả. Và làng nghề được nhiều người biết đến từ đó. Đến năm 1954, nhiều người Bắc (trong đó có người Ước Lễ) vào Nam, nghề “truyền thống” này ngày càng được phát triển và lan rộng để rồi trở thành thương hiệu nổi tiếng…

Xôi ăn với giò, chả rất ngon

Đến cơ sở Thái Hồng (phường 15, Gò Vấp) chuyên sản xuất các loại chả lụa, chả chiên, chả quế, giò thủ, chúng tôi nhận thấy những công nhân của cơ sở này đang làm việc miệt mài để đáp ứng kịp thời những đơn đặt hàng. Anh Nguyễn Văn Thái chủ cơ sở cho biết, gia đình anh làm nghề này từ năm 1982, lúc đó chủ yếu là bán lẻ. Nhưng sau đó, nhờ giữ được thương hiệu nên đợt đặt hàng ngày càng nhiều, không chỉ các tiểu thương ở chợ lớn nhỏ trong địa bàn TP Hồ Chí Minh như: Chợ Vườn Xoài (quận 3), chợ Lò Đúc (đường Nguyễn Trọng Tuyển), chợ Cây Quéo (Bình Thạnh), chợ Tân Bình… mà cả khách hàng ở tận Lái Thiêu (Bình Dương), Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai cũng đến đặt hàng. Sản phẩm của cơ sở anh cũng đến với kiều bào chủ yếu ở Hàn Quốc, Nga…

Khu vực để sản xuất, chế biến đều được ốp gạch men cao hơn 1,5 m và những kệ, bàn đều là inox có độ cao hơn 1m. Anh Thái giải thích, đó là các yêu cầu bắt buộc theo tiêu chuẩn An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVST). Các loại nguyên liệu như: Lá chuối để gói phải được lau sạch, thịt nguyên liệu để chế biến và thành phẩm đều phải đặt ở trên bàn, kệ bằng inox. Còn vấn đề ATVSTP, thú y của quận Gò Vấp mỗi ngày đều tiến hành kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào và mỗi tuần 1 lần tiến hành tiêu độc sát trùng cơ sở. Đối với người lao động thì kiểm tra giấy khám sức khỏe, đồng phục, vệ sinh, giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về VSATTP… cơ sở phải thực hiện đầy đủ. Đặc biệt, gia vị sử dụng trong giò chả (không sử dụng hàn the) mà thay thế bằng bột tổng hợp phosphate (phosphate – Mix) là loại phụ gia thực phẩm đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) chứng nhận, phù hợp về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Trung Trực, chuyên nghề chả lụa ở phường 15 cho biết: Làm chả lụa mang đặc trưng riêng không dễ. Muốn chả lụa trắng, ngon thì phải gói bằng lá chuối hột hoặc lá chuối tây đã được nhúng tái. Giò chả khi cắt đôi không bị dính dao, có màu phớt hồng, trên mặt nhiều lỗ là giò ngon. Bí quyết này đã được người dân làng nghề truyền giữ và đó cũng là lý do để giữ được khách hàng.

Ngoài giò chả, một loại thực phẩm mang “đặc trưng” Tết của làng nghề này cũng có thương hiệu không kém, đó là bánh chưng. Bà Trần Thị Lý (phố Lê  Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp) có thâm niên nhiều năm trong nghề cho biết: Làm bánh chưng cao điểm mùa Tết là từ ngày 25-29 tháng Chạp. Cứ mỗi mùa Tết, riêng lò sản xuất của bà Lý đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 1,3 tấn đến 1,5 tấn. Theo bà Lý, làm được bánh chưng ngon cũng lắm công phu. Để bánh chắc, giữ được thời gian lâu (từ 7 – 8 ngày) thì nguyên liệu chọn làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng hoặc gạo nếp ngỗng. Nhân (đậu xanh) sau khi nấu chín phải dùng quạt thổi cho thật nguội, thịt ba rọi ướp kỹ với gia vị trong vòng 2 giờ, xào kỹ. Bánh sau khi nấu chín phải được ép cho rút nước trong khoảng 6 giờ để bánh săn chắc. Bí quyết để bánh có màu xanh mướt, người làng nghề tìm mua lá dong gói bánh phải đúng “xuất xứ” tại Bà Điểm, Hóc Môn và bánh được nấu trong nồi làm bằng tôn sắt…

Trong những ngày này, về “làng nghề” Xóm Mới, đâu đâu cũng thấy người dân tất bật với công việc thường nhật của mình: Làm giò chả, gói bánh chưng. Càng cận kề thời điểm Tết, đơn đặt hàng càng nhiều, những tiếng chày quết chả ngày xưa nay đã thay bằng tiếng máy xay chạy ro ro để “theo kịp tiến độ”. Và cũng từ chính cái làng nghề Xóm Mới này, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về nơi đây là địa chỉ để cho khách thập phương có dịp gặp gỡ, mua hàng. Trong mỗi vật phẩm thơm ngon ấy, làng nghề Xóm Mới như gửi cả niềm tin và tấm lòng mình tới bạn bè gần xa…./.

Theo Công an nhân dân
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]