Làng nghề không du khách

Làng nghề gắn kết với du lịch vừa tạo thêm nguồn thu cho các hộ, vừa có điều kiện giới thiệu thường xuyên những sản phẩm của làng nghề. Nhiều làng nghề phía Bắc đã trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách. Còn ở phía Nam, trong một số tour du lịch, làng gốm ở Vĩnh Long, làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), làng kiểng ở Cái Mơn (Bến Tre), làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), làng cá sấu Sài Gòn… có được giới thiệu đến du khách, nhưng khách chỉ nghe mà không thấy sinh hoạt của làng nghề. Cũng có làng nghề đã làm du lịch nhưng không giữ được khách.

15.6084

Du khách cùng làm gốm với thợ gốm làng Bàu Trúc (Ninh Thuận)

Đến với làng nghề, du khách được thâm nhập vào cuộc sống làng quê, tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc trực tiếp với những thợ thủ công khéo léo. Thậm chí, họ còn tự làm sản phẩm cho riêng mình. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn của du lịch làng nghề và góp phần giúp làng nghề không chỉ sống được mà còn có khả năng giới thiệu sản phẩm đi đến các nước.

Làng gốm Bàu Trúc một thời tưởng chừng không thể tồn tại, khi được họa sĩ Sỹ Hoàng “đánh thức” bằng việc định hướng sản xuất gốm nghệ thuật thì sôi động trở lại. Các công ty du lịch cũng khai thác điểm du lịch mới, đưa khách vào tham quan làng nghề dân tộc Chăm và cùng làm gốm.

Nhưng do thiếu sự hướng dẫn, tổ chức của địa phương, cộng thêm sự thiếu đoàn kết của người làng nghề, giành giật khách, nói xấu nhau gây cho khách mất thiện cảm nên dần dà Bàu Trúc vắng khách. Trong khi đó, các công ty thương mại biết cách quảng bá đã hình thành điểm giới thiệu gốm Bàu Trúc, du khách đến cửa hàng mua thay vì vào làng nghề, nên rốt cuộc người làng nghề vẫn hùng hục làm công.

Làng gốm ở Vĩnh Long là niềm tự hào của tỉnh khi giới thiệu về những thế mạnh xuất khẩu. Nhiều khách du lịch rất mê gốm đỏ ở đây, nhưng hầu như làng nghề chưa có dự tính tham gia vào du lịch. Thế nên, du lịch Vĩnh Long vẫn không tạo sự khác biệt với các tỉnh khác của ĐBSCL. Đã có một công ty du lịch thiết kế tour du lịch gắn với làng nghề gốm Vĩnh Long nhưng mãi đã 3-4 năm không triển khai được vì các cơ sở sản xuất không “mở cửa”.

Ở Chợ Lách, làng nghề hoa kiểng và sản xuất cây giống Cái Mơn rất nổi tiếng vì là nơi cung cấp hoa kiểng lớn nhất vào dịp Tết và các nhà vườn cả nước về đây mua giống cây ăn trái. Có được thế mạnh này, UBND huyện đã quảng bá làng hoa kiểng - cây giống với các công ty du lịch từ năm 2000.

Huyện tự tổ chức đưa nhiều đoàn khách đến các hộ gia đình sản xuất tốt, cho khách xem làm cây giống, nghệ nhân uốn hoa kiểng. Tuy nhiên, đến giờ Cái Mơn vẫn chỉ có những khách lẻ biết cái hay của vùng này mà đến, còn khách đoàn chưa mặn mà vì cơ sở lưu trú ở đây chưa tốt, giao thông không thuận tiện.

Ngay ở TP.HCM, chương trình du lịch gắn với làng nghề khi sau khi lên đề án, khảo sát xong, đã mấy năm rồi làng mây tre lá Thái Mỹ, làng mai Thủ Đức, làng cá sấu Sài Gòn... cũng vẫn là những làng nghề nông nghiệp thuần túy. Ban chủ nhiệm HTX Xuân Lộc và Công ty cá sấu Hoa Cà đã cố gắng tổ chức lại khâu sản xuất hàng mỹ nghệ từ da cá sấu bài bản hơn, có một phòng trưng bày sản phẩm, bên cạnh là nhà hàng đặc sản thịt cá sấu.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, phó chủ nhiệm HTX Xuân Lộc cho biết HTX tự mày mò làm du lịch, cũng nhờ các công ty dẫn khách đến nhưng nhân viên HTX kém ngoại ngữ nên không tự giới thiệu được cho khách về làng nghề, sản phẩm của mình làm ra, cả chuyện về ông thần cá sấu cũng không biết giải thích thế nào để khách hiểu.

HTX đã cho nhân viên đi học ngoại ngữ và đang tính cho bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch; song song tổ chức nuôi cá sấu nuôi theo tiêu chuẩn GAP của châu Âu; thịt cá sấu chế biến phải đúng theo tiêu chuẩn HACCP. Tất cả mọi thứ đều cần vốn, HTX loay hoay nhiều việc nên vốn hụt chỗ này, thiếu chỗ kia. Vì vậy, chuyện du lịch vẫn từ từ làm, chú tâm vào làm hàng mỹ nghệ xuất khẩu để nuôi làng nghề trước.

Sự phát triển của các làng nghề giúp cho ngành du lịch có thể sản phẩm nhưng làng nghề luôn bị động, phụ thuộc vào các công ty du lịch. Quảng bá cho làng nghề gắn với du lịch, bản thân người dân làng nghề khó thực hiện, cần có định hướng từ chính quyền địa phương phối hợp với ngành du lịch.

Nếu du lịch làng nghề được tổ chức tốt, đáp ứng các nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, tự làm ra sản phẩm theo ý mình, các làng nghề chắc chắn sẽ là điểm dừng chân thú vị và hấp dẫn, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm truyền thống.

KHÁNH VÂN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]