Từ ông bà già cho đến trẻ em đều được huy động tham gia vào các công đoạn làm bánh chưng.

365 ngày gói bánh chưng

Không ai biết, nghề làm bánh chưng có từ khi nào ở thôn Tranh Khúc, bởi theo những người cao tuổi nhất thì “từ khi sinh ra đã thấy ông bà, bố mẹ của mình làm rồi”. Ông Nguyễn Duy Tịnh - một người cả đời làm bánh chưng - cho biết: “Ngày trước, làng làm cả bánh gai, bánh giầy, bánh giò..., nhưng thời buổi bao cấp khiến chuyện buôn bán rất khó khăn. Chỉ đến khi bỏ cơ chế “ngăn sông, cấm chợ” nghề này mới phát triển trở lại. Đặc biệt, hơn 10 năm trở lại đây, khi mức sống chung ngày càng nâng cao, nhiều gia đình cũng không còn tự làm bánh thì người dân Tranh Khúc đã có một nghề để sống”.

Dân làng nghề Tranh Khúc làm bánh chưng quanh năm.

Giờ thì Tranh Khúc có hơn 200 hộ làm bánh chưng bán (chiếm 70% số hộ toàn thôn), trung bình mỗi ngày một hộ cũng bán ra thị trường vài trăm chiếc. Với số lượng như vậy, số lượng bánh chưng của làng chiếm hơn một nửa trên thị trường của Hà Nội. Hằng ngày, lá dong từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình được chở về làng. Gạo làm bánh là gạo nếp cái hoa vàng mua từ Hải Hậu (Nam Định) trộn thêm tấm của gạo nếp Thái để bánh thơm hơn, rền hơn. Theo đó, cách làm bánh cũng khác trước rất nhiều: Bánh to hơn, nhiều nhân hơn, việc luộc bánh cũng dễ dàng hơn khi sử dụng than, bếp điện, thậm chí đầu tư công nghệ lò hơi thay thế cho việc đun củi như trước kia. Nhu cầu dùng bánh chưng trong ma chay, cưới hỏi hoặc trong các nhà hàng... ngày càng tăng, nên gia đình nào cũng đầu tư mua 4-5 cái nồi nấu bánh, mỗi nồi chứa 300-500 chiếc.

Nếu như với hầu hết người dân Việt thì miếng bánh chưng chỉ có trong ngày tết, thì đối với người dân Tranh Khúc, việc “phải ăn” bánh chưng mỗi ngày là chuyện thường. Chị Thủy cho biết: “Nhà tôi mỗi ngày làm 400 chiếc, phần nhiều mang nhập tại các nhà hàng, phần còn lại mang ra chợ bán, ế chục chiếc là bình thường. Bỏ đi thì tiếc, nên ngày nào cũng ăn bánh chưng!”.

Ăn tết muộn nhất

Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng thôn Tranh Khúc - chia sẻ: “Đến 23 tháng chạp -tết ông Táo, thì cả làng, trừ người già và trẻ con, còn ai cũng không có thời gian mà ngủ”. Hiện các gia đình đều tăng số lượng bánh lên gấp 2-3 lần, nhưng đến dịp tết thì lên đến cả 10 lần bình thường.

Chúng tôi có mặt tại cơ sở bánh chưng Trang Thắng – cơ sở lớn nhất của thôn Tranh Khúc - vào thời điểm này có tới gần chục người đang bận rộn với các khâu làm bánh. Anh Nguyễn Duy Thắng – chủ cơ sở - cho biết: “Ngày thường, nhà tôi làm hơn 500 chiếc, nhưng từ 23 tháng chạp sẽ làm đến 4.000 chiếc. Vài hôm nữa tôi phải thuê thêm 20 người nữa thì mới làm kịp”. Theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Thanh thì vào những ngày tết, xe chở lá dong xếp tắc cả một đoạn đê sông Hồng, làm náo động cả làng. Nhất là vào 3 ngày cuối năm, từ 2h sáng, xe lớn xe nhỏ đã chạy tấp nập vận chuyển bánh đến nơi tiêu thụ, cả làng nức mùi thơm của bánh.

Áp lực công việc khiến người dân Tranh Khúc tháo vát một cách kỳ lạ. Không phải dùng khuôn như ở nhiều nơi, những gia đình ở đây đều gói tay. Tuy nhiên, từ trẻ em cho đến người già, ai cũng gói nhanh và đẹp đến ngỡ ngàng. Chỉ với 5 người cho các công đoạn và trong vòng 10 phút, nhưng hơn 40 chiếc bánh vuông vắn, đều chằn chặn đã ra đời.

Đến ngày 30 tết, lúc các nơi đã sắm tết đầy đủ thì lúc này người dân Tranh Khúc mới vội vàng mua sắm vài thứ cho ngày tết.

Ngày tết đối với làng nấu bánh chưng Tranh Khúc vì thế cũng thật đặc biệt. Trong khi khắp nơi mọi người đều đi chúc tết thì ngõ xóm Tranh Khúc lác đác vài bóng người. Bởi lúc này họ mới được chìm trong giấc ngủ sau một năm làm lụng vất vả.

Chí Công