Làng nghề Nhật Tân cần hướng đi mới

Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế kéo dài, nên các làng nghề truyền thống cũng nằm trong vòng xoáy khó khăn đó, và chưa biết tìm hướng đi cho sản phẩm làng nghề của mình, do đó các làng nghề truyền thống đang cần có hướng đi mới.

15.5995

Sản phẩm truyền thống cần được sự chung tay mở đường cho hướng đi mới.

CôngThương - Làng đa nghề Nhật Tân

Được biết, xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, Hà Nam, được tách ra từ tổng Nhật Tựu vào năm 1952 với tên gọi xưa là làng Lưu Xá, nhưng do đặc điểm vị trí địa lý là nhất xã, nhất thôn cùng với thời gian nên tên gọi làng Lưu Xá nay không còn được nhắc đến, thay vào đó là làng đa nghề Nhật Tân hay còn gọi là xã Nhật Tân (gọi theo đơn vị hành chính cấp xã).

Theo quy hoạch, xã Nhật Tân (Hà Nam) có diện tích tự nhiên 458,28 ha, nhân khẩu là 10.330 người. Với vị trí địa lý nằm ở phía Đông bắc của huyện Kim Bảng, đây là nơi đầu mối giao thông quan trọng từ thủ đô Hà Nội đi vào huyện Kim Bảng, khu du lịch Tam Trúc Ba Sao nên đã giúp cho Nhật Tân trở thành nơi giao lưu buôn bán phát triển sầm uất, tạo điều kiện cho xúc tiến thương mại làng nghề phát triển.

Cùng với sự phát triển của việc giao thương buôn bán, ngoài sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi là chính, người dân Nhật Tân còn biết làm nghề thủ công truyền thống như: nghề dệt đã hình thành từ cách đây 500 năm, song song đó là nghề mộc cùng hình thành theo đó để đóng ra những máy dệt thủ công và sửa chữa máy dệt phục vụ cho nghề dệt của làng.

Đến những năm 90 của thập kỷ XX, nghề mây giang đan xã xuất hiện và đã thu hút được gần 2.000 lao động tham gia, ngoài ra còn một số ngành nghề khác như khảm trai, sơn mài khảm vỏ trứng… Để phát triển và tránh mai một lạng nghề truyền thống, năm 2003 làng nghề Nhật Tân đã đệ đơn trình UBND tỉnh Hà Nam công nhận là làng nghề Nhật Tân, với số lao động nghề dệt là 1.115 người, sản phẩm 1.924 triệu mét vải; lao động nghề mây giang đan là 1.990 người, sản phẩm làm ra đạt 959.100 sản phẩm; nghề mộc là 397 người, sản phẩm làm ra 6.508 sản phẩm. Năm 2004, Nhật Tân đã được UBND tỉnh Hà Nam công nhận là Làng đa nghề Nhật Tân.

Nghề truyền thống mất dần chỗ đứng

Trải qua thăng trầm của thời gian, đặc biệt là trải qua hai cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế năm 2008 và năm 2011, làng nghề Nhật Tân cũng rơi vào vòng xoáy của thời khủng hoảng kinh tế, đang loay hoay tìm hướng đi để khẳng định thương hiệu làng nghề…

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, hiện nay các nghề thủ công ở Nhật Tân không phát triển không phải vì thiếu nhân lực, thiếu nguyên vật liệu để sản xuất mà chính là thiếu việc tổ chức và tìm ra một hướng đi phù hợp.

Nghề dệt truyền thống hiện đã được thay thế bằng máy móc công nghiệp, dây truyền hiện đại được nhập từ Trung Quốc, Đức để dệt, để se sợi… Nhờ có máy móc công nghệ hiện đại mà mỗi lao động có thể vận hành 3 - 4 máy dệt, sản phẩm làm ra chủ yếu là gia công cho các nhà máy công nghiệp, các sản phẩm nghề thủ công truyền thống không còn chỗ đứng; nghề mây giang đan dần mất hẳn do thị trường tiêu thụ giảm mạnh, giá ngày công rẻ, khiến nhiều lao động bỏ đi làm công nhân cho các công ty ở khu công nghiệp Đồng Văn, cụm công nghiệp Nhật Tân… Do đó, những công việc đan lát, se sợi, dệt vải thủ công tại nhà mà trước kia họ có thể tận dụng thời gian lúc nông nhàn rỗi, thời gian buổi tối, thời gian nghỉ học của học sinh để làm thêm nay không còn nữa.

Cần "bà đỡ" cho làng nghề

Mặc dù được gọi là làng đa nghề,nhưng thực tế, một số nghề tại Nhật Tân đang có xu hướng bị thu hẹp và lụi tàn, chỉ riêng nghề mộc đang có khả năng phát triển mạnh và được xã tập trung phát triển. Theo thống kê của UBND xã Nhật Tân, toàn xã có khoảng 428 cơ sở, với số lao động tham gia trên 500 lao động, thu nhập từ nghề mộc chỉ tính riêng năm 2012 đã đạt khoảng 12 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Trường, Chủ cơ sở sản xuất gỗ Xuân Trường- cho biết: “Trung bình một lao động làm thợ đạt khoảng 4,5 đến 5 triệu đồng/ tháng, các sản phẩm nghề mộc chủ yếu là đồ gia dụng, nội thất như: bàn ghế cao cấp Minh Đào, Minh Chuông, ghế móc, tủ chè, sập gụ, tủ đứng các loại, và các loại sản phẩm để phục vụ xây dựng nhà cửa….

Tuy nhiên, tay nghề lao động để làm ra các sản phẩm đồ gỗ cao cấp này hiện nay tại địa bàn có rất ít, rất khó thuê, đa số phải thuê lao động từ các địa phương khác nên chưa giải quyết được số lao động nhàn rỗi tại địa phương. Mặt khác, các cơ sở sản xuất mộc hoạt động theo hướng tự phát, mang tính gia đình, sản xuất nhỏ lẻ nên không ổn định, manh mún, thiếu kế hoạch. Điều quan trọng là liên doanh, liên kết thiếu tiếng nói chung, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh làm giảm giá thành nên dần đánh mất thị trường tiêu thụ.

Trong những năm qua, các cấp các ngành của tỉnh Hà Nam, và huyện Kim Bảng cũng đã có nhiều biện pháp giúp đỡ người dân gìn giữ, tham gia sản xuất, phát triển nghề mộc truyền thống vốn có của xã như đầu tư hỗ trợ xây dựng cụm tiểu thủ công nghiệp- làng nghề Nhật Tân, hỗ trợ cho vay vốn sản xuất, hỗ trợ máy móc, hỗ trợ tham gia triển lãm tại một số hội chợ… để nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho làng nghề Nhật Tân. Song, điều đó mới đủ để kích thích nhân dân giữ nghề, còn thật sự để phát triển nghề thì chưa ổn định và chưa bền vững chưa có thương hiệu làng nghề.

Để nghề mộc truyền thống ở Nhật Tân mãi trường tồn, người làm nghề truyền thống có thu nhập ổn định, giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho nhiều gia đình, điều đầu tiên người làm nghề truyền thống của Nhật Tân cần đến là hỗ trợ mở lớp đào tạo chuyên sâu về nghề mộc cho những lao động tại địa phương, nhằm nâng cao tay nghề; giúp thành lập Hiệp hội nghề mộc. Đồng thời, hàng năm ngân sách địa phương hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động để Hiệp hội xây dựng kế hoạch sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tránh tình trạng mạnh ai lấy làm.

Đặc biệt, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ lãi suất… Nếu có được những bước đi như vậy thì nghề mộc Nhật Tân sẽ có chỗ đứng trên thị trường, phát triển bền vững, xây dựng được thương hiệu mới “Mộc Nhật Tân”.

Kim Tuyến

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]