Làng nghề Tràng An thời hội nhập

SKĐS - Hà Nội xưa có 36 phố chuyên bán một chủng loại hàng nào đó của các làng nghề nằm rải rác ở ngoại thành.

15.5958

Hà Nội xưa có 36 phố chuyên bán một chủng loại hàng nào đó của các làng nghề nằm rải rác ở ngoại thành. Do vậy, tên phố bao giờ cũng được bắt đầu từ chữ “Hàng”: Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai/Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay... Nhưng giờ đây có đi khắp Long Thành cũng không còn được thấy hình ảnh tấp nập phố “Hàng” như ngày nào nữa. Tuy vậy, những làng nghề thì vẫn còn đó. Dù có lúc phôi phai theo thời gian, nhưng nghề thì không bỏ được, vẫn âm thầm bền bỉ phát triển...

Mỗi làng nghề một nét đẹp Tràng An

Làng nghề là một phần văn hóa của đất, của người, của một vùng miền, tạo nên ánh sáng màu lung linh của sự sống. Tính đến nay, Hà Nội có khoảng 300 làng nghề được thành phố công nhận và được gắn biển Làng nghề... Mỗi làng đều có mặt hàng riêng của mình, tồn tại hàng trăm năm qua. Thậm chí, có làng nghề hình thành và phát triển cả hàng ngàn năm. Nếu ai đã từng qua làng gốm Bát Tràng đều thấy sự phồn thịnh của làng nghề gần ngàn năm này. Ngoài chợ gốm hoạt động nhộn nhịp hàng ngày thì dọc đường hai làng gốm của xã Giang Cao và Bát Tràng đã trở thành những con phố sầm uất đến khó ngờ. Hơn nữa, Bát Tràng còn trở thành một địa chỉ du lịch của hàng triệu người trong và ngoài nước tìm đến.

Cổng làng lụa Vạn Phúc.

Nhiều chủng loại hàng của Bát Tràng có sức thu hút khách hàng đến từ khắp nơi. Nhiều nghệ nhân nổi tiếng của làng như Trần Độ, Nguyễn Lợi, Vương Tuấn, Quang Chiến...đều có những sản phẩm độc đáo, thể hiện tay nghề điêu luyện và một tư duy thẩm mỹ cao. Nhiều bình, ang, chóe, lọ, ấm... được chế tác với bí quyết riêng về men và công nghệ của mỗi lò gốm đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật.

Nếu tính xa hơn một chút, Làng nghề giày da Phú Yên, ở huyện Phú Xuyên cũng là nơi cung cấp hàng da cho gần chục tỉnh lân cận Hà Nội. Ít ai ngờ dọc đường làng Phú Yên có hàng trăm cửa hàng bán giày, dép, túi, ví... bằng da bò rất rẻ. Theo như các nghệ nhân kể, trước đây giày của làng được đưa đi khắp nơi, nhiều nhất là vào nội thành Hà Nội, bày bán ở khắp các cửa hàng trên phố. Tuy nay nhiều mặt hàng da ngoại xâm chiếm thị trường, nhưng giày của Phú Yên vẫn được nhiều địa phương đặt mua, bởi có chất lượng bền đẹp phù hợp với sức tiêu dùng của khách hàng. Hội nghề giày da của làng có nhiều hoạt động đào tạo thợ trẻ và phát huy truyền thống của làng nghề. Hiện có thợ trẻ Lê Văn Hải ở làng đi thi thiết kế giày quốc tế đã đoạt giải nhì trong cuộc thi “Thiết kế thời trang giày châu Á - Thái Bình Dương” năm 2009. Năm 2010, nghệ nhân trẻ Lê Văn Hải còn cùng với ông nội là nghệ nhân Lê Văn Thịnh đóng một chiếc giày kỷ lục có chiều dài 2,72m, cao 1,3m để chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hoặc có thể kể thêm về những nghệ nhân trẻ của làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, huyện Phú Xuyên. Ngoài những mặt hàng khảm như tranh, chữ, hoành phi, câu đối, đồ thờ, một số nghệ nhân trẻ ở đây còn có biệt tài khảm chân dung theo ảnh hoặc theo đơn đặt hàng. Đặc biệt, ba nghệ nhân trẻ như Nguyễn Văn Lãng, Nguyễn Đình Vinh, Nguyễn Duy Hải có tài khảm chân dung Bác Hồ. Riêng anh Nguyễn Văn Lãng còn được trao Chứng nhận đạt kỷ lục tranh khảm chân dung Bác Hồ lớn nhất năm 2010. Nhiều tranh khảm theo tích xưa ở làng đều được du khách ưa chuộng với vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng với nhiều chất liệu khảm như trai, ốc, xác. Ở đây, mỗi nhà để có những sự thể hiện tay nghề riêng rất phong phú, phát huy được truyền thống làng nghề ngàn năm ông cha để lại...

Còn đó là những tấm lụa Vạn Phúc, tranh sơn mài Hạ Thái, hay những tượng Phật của làng Du Dự và điêu khắc gỗ Thiết Úng, Vân Hà hoặc các mặt hàng mây tre đan ở Chương Mỹ, dát vàng bạc ở Kiêu Kỵ... đã có sức vươn xa. Nhiều sản phẩm của các làng nghề này có tiếng vang ở cả nước ngoài. Mỗi làng nghề đều thể hiện được nét đẹp truyền thống của riêng mình để tồn tại và phát triển trong tương lai.

Gian hàng sơn mài Hạ Thái.

Gian nan chuyện thương hiệu

Làng nghề mỗi nơi một vẻ, có tính thực tiễn cao, phù hợp với mặt bằng kinh tế của Thủ đô hiện nay. Nhưng nếu khảo sát cụ thể và rộng khắp mới hay, việc phát huy để phát triển nhằm nâng cao mức sống người thợ không hề dễ dàng. Nhiều làng nghề phải cầm cự theo đúng nghĩa của nó. Có thể ví dụ làng nghề làm tranh Hàng Trống hoặc làng nghề làm quạt giấy ở Chàng Sơn (Thạch Thất) và Canh Hoạch (Thanh Oai); Kể cả làng Cốm (Cầu Giấy), hay làng Giò chả Ước Lễ (Thanh Oai)... Tất cả đều ở tình trạng cố giữ lấy nghề với số lượng người làm còn ít, rất khó phát triển rộng khắp và có chiều sâu. Vậy nguyên nhân do đâu?

Đầu tiên phải nói trách nhiệm của lãnh đạo địa phương chưa quan tâm và đầu tư đúng mức, chưa tổ chức sản xuất có chiều sâu trước thực tiễn biến động theo thị trường hiện nay. Thứ hai, đó là sự xâm nhập của các mặt hàng thủ công từ nước ngoài làm khủng hoảng nền sản xuất của không ít làng nghề hiện nay. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là các hiệp hội làng nghề chưa tìm được cách truyền thông và khẳng định được thương hiệu của làng nghề, qua chất lượng hàng được làm ra. Bởi trên thực tế, nếu hàng có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp phù hợp với nhu cầu khách hàng, ắt sẽ bán chạy và gây ấn tượng mạnh đối với khách hàng. Tất nhiên, giá cả cũng là một vấn đề quan trọng. Với tiêu chí của khách hàng là tốt, đẹp, rẻ, các làng nghề hiện nay không phải là nơi nào cũng đáp ứng được. Khách nhớ nhà hàng là ở “cái tên”. Cái tên đó là thương hiệu. Không dễ gì tạo được thương hiệu nếu không có một chiến lược bắt đầu từ những người làm nghề. Có thể ví dụ như, làng nghề giày da ở Phú Yên có tuổi nghề trăm năm nhưng vẫn chưa mấy ai nhớ đến. Hàng ở đây được mang đi nhiều nơi nhưng lại được đóng dấu với những với cái nhãn mác khác để dễ bán hơn. Nhiều chủng loại giày ở làng làm xong từ trước đến nay đều bỏ trống, không nhãn hiệu, không ký hiệu. Đó là loại giày “đơ” hay “câm”, cho dù được đóng với loại da tốt và công nghệ hiện đại. Các chủ hàng khác đã từng có thương hiệu đến mua giày ở làng về đóng cái mác của mình vào. Thế là giày Phú Yên bị đổi tên, không có tiếng nói riêng và tất nhiên không hề có thương hiệu, dù ở cấp độ nào.

Ta có thể lấy thêm chuyện thương hiệu ở làng nghề chế biến thuốc người Dao ở xã Ba Vì. Cả làng Yên Sơn có tới 90% người Dao làm nghề thuốc Nam. Được phong là làng nghề nhưng hầu hết nhiều nghệ nhân phải mang thuốc đi khắp nơi rao bán. Mạnh ai đấy làm, chứ Hội Đông y ở địa phương cũng không tổ chức sản xuất theo một quy mô nhất định. Trên thực tế không phải ai cũng biết, đây là nơi có hàng chục bài thuốc cổ truyền rất có giá trị thực tiễn. Họ không dám mua là vì thế. Các nghệ nhân đều biết đây là tình trạng nan giải. Họ đành đi bán dạo như cách đây 200 năm, ông cha họ đã từng làm để mưu sinh và chịu cảnh sống vất vả...

Chân trời hội nhập

Đây là cơ hội cho bất kể làng nghề nào ở Hà Nội. Gìn giữ và phát triển đã khó nhưng việc tạo nên thị trường cho nó càng khó hơn. Để có sự bứt phá, các làng nghề ngoài sự nâng cao chất lượng mặt hàng theo yêu cầu người tiêu dùng, cần phải có kế hoạch tiếp thị và các phương án truyền thông, quảng bá đa dạng khác nhau. Tìm cho ra được mô hình kinh doanh thích hợp nhất để thu hút khách hàng nhằm gieo được cái tên nhà sản xuất vào lòng người. Kèm theo đó những hoạt động dịch vụ du lịch văn hóa làng nghề cần được các nhà chiến lược đưa vào chương trình hoạt động mang tính lâu dài.

Mỗi mặt hàng cần khách hàng nhớ đến ông chủ làm ra nó. Khi có thương hiệu, chân trời hội nhập hết sức rộng mở. Các làng nghề cũng cần phải có chiến lược tiếp cận và hội nhập về các chủng loại hàng của mình. Đó là sự tự hào của một nền văn hóa ngàn năm cần gìn giữ phát triển và có chỗ đứng vững vàng trước một cơ chế thị trường đầy biến động hiện nay.

Bài, ảnh: Duy Anh

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]