Làng tiêm chích, vệ sinh cho rắn độc nuôi mộng làm giàu

"Bài học nhãn tiền cho những người nuôi rắn ở làng vẫn còn. Đó là một người đàn ông trong một lần sơ ý cho rắn ăn bị cắn đã phải tháo khớp tay để bảo toàn tính mạng".

15.6079

Rắn hổ mang là một loài động vật hoang dã quý, một loại thức ăn bổ, dược liệu quý. Tuy nhiên, nọc của rắn hổ mang là một loại kịch độc. Điều đó khiến cho nghề nuôi rắn hổ mang được đánh giá là một trong những nghề mới, nhanh giàu nhưng không hề ít mạo hiểm đối với người nông dân.

Trong những ngày cuối của năm Nhâm Thìn, năm rắn sắp sang, phóng viên tìm về một làng quê nghèo ở ven sông Cầu để tìm hiểu về nghề được coi là cứu tinh của những người nông dân nghèo nơi đây. Làng Sổ (Mai Đình, Hiệp Hòa, Bắc Giang) từ xưa tới nay là một ngôi làng thuần nông nghèo. Những khi nông nhàn, đa phần những người nông dân nơi đây phải đi xa hơn chục km đến làng gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) để làm thuê, làm mướn. Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ có một gia đình học được nghề nuôi rắn hổ mang từ Vĩnh Phúc về “chuyển giao công nghệ”, hàng chục hộ nông dân ở đây đã thoát cảnh làm thuê, đi lên làm giàu từ loài động vật hoang dã vừa quý, vừa độc địa này.
Ông Nguyễn Văn Lân (55 tuổi) là một trong những người tiên phong nuôi rắn hổ mang bành ở địa phương này. Ông nói, rắn là động vật hoang dã, nhưng không vì thế mà dễ nuôi. Nếu người nuôi không được học hành về đặc tính, tính cách, sở thích,…và những bệnh tật rắn hổ mang hay mắc phải, thì nguy cơ thua lỗ rất cao. Bởi vì chi phí cho 1 con rắn từ khi là giống đến lúc xuất chuồng là khá cao.
Trung bình cứ nửa năm, gia đình ông xuất chuồng một lứa rắn. Theo lời ông, cứ 100 con rắn, nếu được giá, rắn lớn nhanh, ít bệnh tật thì người nuôi có thể lãi 50 triệu đồng. Rắn hổ mang ăn được nhiều loài từ cóc, nhái, chuột, hay gà con, vịt con,…
Nhưng món khoái khẩu của chúng là cóc. Cóc vốn là loài vật có bộ da rất độc, nhưng bù lại, thịt cóc thơm, nhiều đạm nên rắn hổ mang nếu được chăn bằng cóc thì chất lượng thịt rất đảm bảo và bổ dưỡng.
Mùa hè, khoảng 3 ngày, 1 chú rắn hổ mang lại chén một chú cóc. Nhưng vào mùa này, khi gió heo may chớm thổi, cóc ngủ đông cũng là lúc rắn hết nhu cầu ăn uống. Cả 3 tháng đông, chúng không tiêu tốn 1 đồng tiền nào của gia chủ.
Nhưng bù lại, nhiều con sau thời gian này sẽ bị hao cân, ảnh hưởng tới giá bán.
Ông Tân bảo, một chú rắn hổ mang trưởng thành có giá vài triệu đồng. Nên hầu như chỉ có những đại gia thành phố mới dám bỏ tiền mua về thịt hoặc ngâm rượu.
Đa số rắn hổ mang ở làng Sổ đều được bán cho thương lái đánh hàng sang Trung Quốc, thế nên giá cả đôi khi không được ổn định, phụ thuộc nhiều vào đầu mối ở nước bạn.
Theo lời một ông chủ của hơn 200 con rắn hổ mang, có kinh nghiệm 5 năm trong nghề thì việc chăm sóc rắn khá cầu kỳ, công phu. Mặc dù là động vật hoang dã, nhưng do được chăn nuôi từ nhỏ tới lớn trong những chuồng nhỏ, nên việc vệ sinh chuồng trại vô cùng quan trọng. Thông thường mỗi ngày, chuồng rắn phải được hót phân rắn 1 lần để đảm bảo khô ráo, sạch sẽ.
Khi nào, chủ trang trại bận, hoặc quên thì rất có khả năng vài ngày sau rắn sẽ bị ghẻ. Mà rắn đã ghẻ thì bị coi là xấu, giá bán sẽ thấp gấp 3 lần so với rắn đẹp. Tai hại hơn là khi rắn chán ăn, bỏ ăn nếu không được phát hiện sớm sẽ dễ bị chết. Trong những trường hợp này, nó chết do bệnh tim, hoặc bệnh phổi.
Cộng thêm việc, không có thuốc đặc trị cho rắn, nên hầu hết những ông chủ ở đây chữa bệnh cho rắn bằng thuốc dành cho người, liều lượng theo kinh nghiệm…
Nói về tai nạn nghề nghiệp đáng sợ nhất của việc nuôi dưỡng “tử thần”, ông Tân bảo, nuôi rắn lãi cao thì cao thật, nhưng sợ nhất là không chốt cửa chuồng trại cẩn thận để nó đi ra ngoài. Nhẹ thì nó chỉ ăn gà, ăn vịt con, nhưng chẳng may có ai gặp phải, vô tình giẫm lên người nó thì chắc chắn bị cắn. Nọc rắn hổ mang rất độc, nếu được xử lý ngay, thì có thể cứu mạng. Nhưng xử lý chậm thì phải cưa khớp tay chân, thậm chí trả giá bằng mạng sống. Bài học nhãn tiền cho những người nuôi rắn ở làng ông vẫn còn. Đó là một người đàn ông trong một lần sơ ý cho rắn ăn bị cắn đã phải tháo khớp tay để bảo toàn tính mạng.
Nuôi rắn độc vì thế dù được coi là nghề nhiều hiểm họa nhưng với những người nông dân thuần nông ở làng quê nghèo này lại là một vị cứu tinh trước sự khắc nghiệt của đói nghèo.
Hình ảnh của một con rắn hổ mang nặng 4 kg.

Theo Giáo Dục Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]