Con đường nhỏ chỉ dài khoảng 1km từ quốc lộ 6 vào đến đầu thôn Lũng Vị (xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ TP. Hà Nội) thật đẹp với những ruộng lúa xanh mướt đang vào thì con gái. Nhưng cảm giác thư thả, êm đềm đó bỗng tan biến bởi đập vào mắt chúng tôi là những ao tù nước đọng đen ngòm, mùi của đủ thứ rác thải hiện hữu gần như mọi nơi quanh con đường bêtông chạy bao quanh làng ra tận… nghĩa địa.

Và những thứ vật chất đó chưa hẳn đáng sợ bằng danh hiệu không xưng mà có - “Làng ung thư” - một danh hiệu mà không một người dân làng Lũng Vị mong muốn được nhận nhưng thực tế không thể phủ nhận với những thống kê đầy tang thương.

Chỉ trong năm 2014, cả thôn Lũng Vị với hơn 400 hộ gia đình với 1.800 nhân khẩu có 12 người chết, 8 người trong số đó “ra đi” vì căn bệnh ung thư. Nếu dựa vào thống kê số người chết vì ung thư chiếm 0,35% trên tổng số dân của làng trong những năm qua, con số này cao gấp 4 lần so với tỉ lệ trung bình của Việt Nam.

Đăng tải phóng sự này, chúng tôi mong mỏi chính quyền địa phương sớm vào cuộc để cuộc sống người dân Lũng Vị sớm được bình an.

Chiếc giếng làng nằm trên một khoảng đất rộng nơi có địa thế trũng nhất là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chủ yếu cho hàng chục hộ dân. Giếng sâu độ 6-7m với vài gang tay nước vàng vàng, luôn có lớp váng phủ trên mặt nước
 Ông Phan Ngọc Kiên mới lên chức trưởng thôn từ tháng 5.2014 nhưng “đã” vào sổ tang của làng 8 người chết khi tuổi đời còn rất trẻ vì mắc bệnh hiểm nghèo.
Ông Đỗ Huy Ứng cho biết, nước trong giếng chủ yếu là nguồn nước mặt, thẩm thấu từ các ao hồ tù đọng xung quanh nên mặt nước luôn có lớp váng phủ với mùi rất khó chịu. 
Để minh chứng cho sự ô nhiễm kinh khủng từ nguồn nước sinh hoạt, ông Đỗ Huy Ứng đã dùng nước lấy từ giếng để đun nước nấu chè tươi. Cốc nước chè bên phải đã biến thành màu tím đen và hoàn toàn không còn mùi vị khi sử dụng nước chưa qua xử lý. 
 “Làng ung thư, nhà ung thư” đối với cụ Nguyễn Thị Tuất dường như vượt quá sức chịu đựng của người đã đi gần hết quãng đường đời khi lần lượt 4 người con trai của cụ đã mất vì căn bệnh quái ác chỉ trong vòng 4 năm qua; người con thứ 5 cũng đang nằm viện với căn bệnh gan không thể chữa trị. Ở tuổi 72, cụ kiếm sống qua ngày với công việc chẻ nan tre để kiếm 10-20.000 đồng/ngày.
 Căn nhà xây dựng dang dở của một trong các người con của cụ Tuất không biết bao giờ mới hoàn thành?
 Chỉ cách giếng làng chưa đầy 4m là một kênh nước đen ngòm với đủ các loại rác thải sinh hoạt.
 Con kênh thủy lợi quanh làng chứa nước thải của một số nhà máy đóng gần đó luôn có màu đỏ quạch. 
“Mỗi lần xuống ruộng cấy về bị ngứa gãi chảy máu chân” - một phụ nữ cho biết.