Lạnh hai bàn chân, bệnh gì?

Tôi bị hẹp hở van tim đã mổ thay van tim được bốn tháng, 4 năm nay tôi thường bị lạnh hai bàn chân dù đã dùng nhiều thuốc Đông y.

15.5976

Xin hỏi bệnh này phải chữa trị như thế nào?

Đinh Thị Mai Hương

Trả lời:
 
Đông y từ ngàn xưa cho rằng bàn chân có sáu đường kinh chính, nhiều huyệt vị phản ảnh tình trạng của toàn thân.
 
Hai bàn chân ở xa tim nhất nên khả năng tưới máu khó khăn hơn tất cả vùng khác. Nếu bạn làm việc thường xuyên ở tư thế đứng, do ảnh hưởng của trọng lực, máu tĩnh mạch vùng chân trở về tim kém nên dần dần sẽ bị giãn tĩnh mạch chi dưới.
 
Phụ nữ dễ mắc bệnh này vì các chị mang thai, sinh nở, hệ mạch vùng chi dưới chịu tải cả. Những người bệnh đái tháo đường, do rối loạn chuyển hóa đường và mỡ song hành nhau nên mỡ bám vào mạch máu, thần kinh nuôi chi, chi dưới bị suy dinh dưỡng trước nên lạnh chân, đau nhức, da khô, màu sắc tím, nếu không điều trị kịp thời có người bị đoạn chi.

Phụ nữ trên 40 tuổi không béo phì, không bị đái tháo đường mà lạnh hai chân thì thường có liên quan đến hormon tuyến giáp tham gia điều nhiệt nên cần siêu âm, rồi định lượng T3, T4. Phụ nữ tiền mãn kinh hay mãn kinh do hormon buồng trứng không còn, hệ thống nội tiết mất cân bằng trong một thời gian cũng gây lạnh chân.

Riêng chị bị hẹp van hai lá là van điều chỉnh máu từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Vì hẹp van nên máu xuống tâm thất trái ít, lượng máu tim bơm ra toàn cơ thể cũng ít nên chia phần cho “vùng sâu, vùng xa” như đôi bàn chân càng ít. Bàn chân thiếu dinh dưỡng, thiếu oxy trở nên lạnh. Nay chị mới thay van tim bốn tháng, hai nơi này chưa thể “xóa đói giảm nghèo” tức thì được. Theo tôi, chị nên làm một số biện pháp dưới đây hai bàn chân sẽ bớt lạnh dần:

- Kích thích hai bàn chân: dùng hai tay xoa bóp dầu nóng hai bàn chân, ngày hai lần vào buổi sáng và tối. Cũng có thể dùng bàn lăn bằng gỗ, hoặc máy matxa bàn chân nhằm kích thích những huyệt vị ở lòng bàn chân.

- Dùng muối hột cho vào nước ấm (35-37 độ) ngâm ngập hai bàn chân (nếu bị lạnh nhiều có thể ngâm ngập đến đầu gối). Muối như chất dẫn, nước ấm sẽ “kéo” máu đến nuôi chân nhiều hơn. Ngâm xong lau khô chân, mang vớ, nằm ngủ gác chân cao tương đương gối. Các chị bị giãn tĩnh mạch chi khi ngủ cũng nên gác chân cao để máu về tim dễ dàng hơn.

Nếu các biện pháp trên không mang lại kết quả bạn hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa mạch máu. Có thể mạch máu ở sâu đã bị xơ vữa hay viêm tắc, chỉ nhờ chụp mới nhìn thấy được.

Theo TS.BS Lê Thúy Tươi - Tuổi Trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]