Laser trong điều trị da liễu

Laser phát ra chùm ánh sáng đơn sắc và có nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào nguồn nuôi (nguồn cung cấp năng lượng ánh sáng) mà có các tên gọi khác nhau như laser CO2, laser YAG… Mỗi loại laser sẽ được ứng dụng cho mục đích điều trị khác nhau.

0

(SKDS) - Laser phát ra chùm ánh sáng đơn sắc và có nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào  nguồn nuôi (nguồn cung cấp năng lượng ánh sáng) mà có các tên gọi khác nhau như laser CO2, laser YAG… Mỗi loại laser sẽ được ứng dụng cho mục đích điều trị khác nhau.

Laser trong y học:

Vào năm 1959, giáo sư Maiman ứng dụng laser đầu tiên vào y học với việc sử dụng laser Rubi có bước sóng 694nm để điều trị bớt máu. Sau khoảng hơn 2 thập kỷ, sự ứng dụng của laser argon trong điều trị thương tổn mạch máu và laser CO2 trong điều trị các thương tổn lành tính ở da đã trở thành kỹ thuật đi đầu trong lĩnh vực y học.

Da liễu là chuyên khoa đầu tiên được ứng dụng laser do khả năng đáp ứng tốt của da và có thể theo dõi được các đáp ứng đó một cách dễ dàng so với các cơ quan khác.

Ứng dụng laser trong điều trị da liễu:

Các loại laser công suất thấp:

Laser He-Ne có mầu đỏ, bước sóng 632,8nm, công suất 20-30mw. Laser hé-ne có tác dụng kích thích thực bào, giảm độc tính tụ cầu, tăng sinh tổ chức biểu mô, giảm phù nề, tăng hoạt tính các men tại chỗ. Nó được dùng chiếu ngoài để điều trị thương tổn viêm, loét mạn tính và quá trình liến sẹo như nhiễm trùng da có mủ, loét mạn tính, loét aphte, giảm đau sau zona, viêm thần kinh hay có thể được đưa vào trong lòng mạch nhằm làm biến đổi các tính chất nội môi trong lòng mạch để điều trị các bệnh vảy nến, xơ cứng bì, viêm mao mạch, viêm da cơ địa…

Laser bán dẫn (Laser diode Gali – arsenide): có bước sóng 820/890 nm với  công suất 4-15 mw cũng có tác dụng tương tự như laser He-ne, được dùng điều trị các thương tổn viêm loét, dùng trong châm cứu.

Laser công suất cao: Được chia làm 3 loại chính là laser điều trị thương tổn mạch máu, laser điều trị điều trị bớt sắc tố và laser bào mòn:

 Điều trị Laser CO2 cho bệnh nhân

Laser bào mòn: thường được sử dụng nhất là Laser CO2. Đây là loại laser được sử dụng rộng rãi nhất trong chuyên ngành Da liễu hiện nay. Laser này sử dụng hỗn hợp khí carbon dioxide (hoạt chất chính), N2 (làm tăng hiệu quả của laser) helium (chất trung hòa) làm môi trường hoạt chất phát ra chùm ánh sáng với bước sóng 10600nm, được hấp thu mạnh bởi nước. Nó làm bốc bay tất cả các tổ chức có nước mà không liên quan đến bản chất của thương tổn với công suất được dùng trong y học là 15 đến 100W.

Hiện nay, laser CO2 có 2 loại là:

Laser siêu xung và laser quét được dùng trong lĩnh vực thẩm mỹ như trẻ hóa da, giảm nếp nhăn, điều trị sẹo... Loại laser này làm giảm tối đa tác dụng phụ do thương tổn nhiệt.
Laser sóng liên tục dùng điều trị các bệnh lý ở da như hạt cơm, sùi mào gà, u tuyến mồ hôi (hay còn gọi là mụn thịt), dày sừng da dầu, dày sừng ánh sáng..., ngoài ra còn được dùng trong phẫu thuật. Loại laser này có nhiều tác dụng do thương tổn nhiệt gây nên.

Laser siêu xung và laser quét được dùng trong lĩnh vực thẩm mỹ như trẻ hóa da, giảm nếp nhăn, điều trị sẹo... Loại laser này làm giảm tối đa tác dụng phụ do thương tổn nhiệt.

Ngoài ra còn có laser Erbium:yttriumaluminum-garnet (Er:YAG): laser này phát ra chùm tia có bước sóng 2900 nm với xung ngắn nó giảm tác dụng không mong muốn của laser CO2 sóng liên tục nên có thể được dùng trong bào mòn sẹo trứng cá, lão hóa da... Để tăng hiệu quả cầm máu của laser này một hệ thống laser kết hợp giữa CO2 và Er:YAG được tạo ra. Tuy nhiên 2 loại laser ít được sử dụng hơn ở Việt Nam.

Laser không bào mòn: Laser điều trị các thương tổn mạch máu: có bước sóng từ 300 - 600nm được hấp thu chọn lọc bởi Oxyhémoglobin. Oxyhemoglobine và hemoglobin hấp thu chủ yếu ở bước sóng 320 - 1200 nm tập trung vào khoảng 477-600nm với 3 đỉnh hấp thu 418, 542, 577nm, 1 đỉnh nhỏ là 900 nm. Các laser này được chỉ định trong các trường hợp bớt rượu vang,  giãn mạch, u máu, đốm da do tổn hại ánh sáng, u hạt nhiễm khuẩn,  sẹo lồi/sẹo quá phát, trứng cá đỏ… Tác dụng của laser phụ thuộc vào bước sóng và xung: Laser sóng liên tục tốt với các thương tổn mạch máu nhỏ và nông. Laser xung ngắn tác dụng tốt với thương tổn mạch máu dưới 100μm. Laser xung dài tác dụng tốt với thương tổn mạch máu trên  100μm. Các loại laser thường được dùng là:

Laser màu xung (laser candela Flashlamps Pumped Dye/FLPD – Pulsed Dye Laser/PDL) có bước sóng 585nm và 595nm là loại laser đáp ứng tốt với bớt đỏ rượu vang, u mạch máu, sẹo quá phát, giãn mạch, trẻ hóa da đặc biệt có tác dụng tốt với các nếp nhăn quanh miệng và mắt. Laser này có tác dụng tốt với bớt rượu vang với giảm 50% trong lần điều trị đầu tiên.

Laser Nd: YAG (Neodymiom Ytlrium Alumium Garbet) có bước sóng 1064 có thể được chỉ định cho bớt rượu vang nhưng nguy cơ sẹo, laser  Nd: YAG – KTP (Potassium Titanyl Phosphate) có bước sóng 532 tác dụng tốt trên bớt đỏ rượu vang ít tác dụng trên tổ chức lành. Có 2 loại là laser sóng liên tục và Qswiched (xung). Trong đó thì  Qswiched giảm nguy biến chứng và tăng hiệu quả điều trị

Laser Argon có bước sóng 488-514 sóng liên tục. Laser màu Argon có bước sóng 577- 585 nm. Độ đâm xuyên là 1mm được dùng trong các thương tổn nông, các thương tổn mạch máu có đường kính 30-300 μm. Laser này không làm cho những thương tổn vùng môi trên và hàm vì thương tổn thường sâu. Laser màu.

Laser hơi đồng có bước sóng 578nm,  sóng liên tục được chỉ định trong các trường hợp tổn thương mạch nổi như bớt đỏ rượu vang dạng nốt, u hạt sinh mủ, dị dạng tĩnh mạch… Laser Bromua đồng có bước sóng 511nm (màu vàng), 578nm (màu xanh), sóng liên tục được dùng trong các giãn mao mạch hình nhện và nơ vi mạch.

Laser Krypton có bước sóng 521, 530, 565 nm có màu vàng sóng liên tục cũng được chỉ định trong giãn mao mạch…

Hiện nay, người ta sử dụng chủ yếu là các laser xung để điều trị các thương tổn mạch máu làm tăng tác dụng điều trị và giảm các biến chứng, loại ưu thế là PDL/FLPD, laser  Nd: YAG – KTP Qswiched. Đây cũng là hai loại laser đang được Bệnh viện Da liễu Trung ương sử dụng để điều trị các thương tổn mạch máu cho bệnh nhân.

Laser điều trị các thương tổn sắc tố: tác động vào đích điều trị là Melanin. Melanin hấp thu ở bước sóng 320-1500nm cao nhất là khoảng 600-1200nm. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào từng loại laser và loại thương tổn.

Thương tổn tăng sắc tố gồm 3 loại:

Tổn thương ở thượng bì: Nốt ruồi, dát cà phê sữa, tàn nhang, hạt cơm da dầu, dày sừng ánh nắng…

Tổn thương ở trung bì: Bớt Ota, Ito, xăm mình, tăng sắc tố sau gây xơ

Tổn thương tăng sắc tố hỗn hợp: bớt Becker, rám má, tăng sắc tố sau viêm…

Hiện nay, rám má vẫn là vấn đề khó khăn cho điều trị laser tăng sắc tố, cần phải kết hợp với các thuốc bôi. Bớt OTA (bớt xanh đen thường ở một bên mặt) được điều trị tốt bằng laser Q-switched ruby, YAG, Alexandrite.

Xăm mình cũng là vấn đề nhiều người quan tâm, vấn đề loại bỏ vết xăm không để lại sẹo cũng rất phức tạp đặc biệt đối với các loại hình xăm có nhiều màu sắc. Để đạt được kết quả tốt cần kết hợp nhiều loại laser với nhau như các loại Q-swiched tác dụng tốt với màu xanh đen, xanh đậm, laser Alexandrite, laser Ruby tác dụng tốt với màu xanh lá cây, FDPL đáp ứng tốt với màu đỏ, da cam.

Ngoài 3 loại laser công suất cao, hiện nay 2 công nghệ nữa cũng đang được sử dụng và ngày càng phát triển trong lĩnh vực chăm sóc da thẩm mỹ đó là:

IPL (Intense Pulsed Light) có phổ bước sóng từ 420-1200 nm được ứng dụng chủ yếu trong công nghệ triệt lông, điều trị trứng cá, trẻ hóa da…

RF (radiofrequence): không giống như laser hoặc công nghệ ánh sáng, RF tạo sóng siêu cao tần để tạo ra dòng nhiệt trong trung bì mà không gây hại cho thượng bì. RF có loại đơn cực thâm nhập sâu hơn và RF lưỡng cực hoặc đa cực tác dụng theo từng lớp nông. RF hiện nay được ứng dụng trong điều trị trẻ hóa, săn chắc da, săn chắc da sau hút mỡ, tạo dáng, làm nhẵn bề mặt da. Người ta còn kết hợp công nghệ này với IPL làm tăng hiệu quả làm đẹp.

ThS.Vũ Thái Hà - TS. Nguyễn Sĩ Hóa

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]