Lấy nẹp inox cố định xương có gây tai biến?

Hôm nay (26/3), BS Lan Hương đã tư vấn qua email, bạn đọc có thắc mắc xin gửi câu hỏi qua mail: [email protected].

0
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Nhân dân 115

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Binh Le - [email protected]

Chào BS Lan Hương,

Em là nam, 25 tuổi. Cách đây 3 tháng em có phẫu thuật tay trái bị gãy do tai nạn. Hiện tại tay đã ổn và chờ thêm thời gian để phẫu thuật lấy inox ra. Nhưng móng chân cái của em thì hơi lạ, nó có 1 cái rãnh ngang, xuất hiện cả 2 bên trái phải. Mấy hôm nay em có uống thêm Kẽm gluconat cách mỗi 2 ngày, móng có vẻ cứng, chắc và bóng hơn, nhưng cái rãnh vẫn vậy.

Trước đây em không thấy có rãnh, sau khi phẫu thuật lại có. Thêm nữa là chổ ghim kiêm truyền dịch bây giờ hơi cứng, nó tròn tròn cứng cứng, sờ vào không đau. Không biết có sao không? Và có cách nào trị hết không? 3 tháng sau em sẽ phẫu thuật lấy inox ra có ổn không? Rất mong được BS giải đáp. Em cảm ơn.           

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Những biểu hiện ở móng chân em không phải là bệnh lý, vì móng tay móng chân được mọc dài ra liên tục, do đó, trong quá trình em nằm viện điều trị có thể ăn uống chưa đủ chất nên móng có phần thiếu sức sống, xuất hiện rãnh.

Em bồi bổ cơ thể lại, bổ sung thêm Kẽm, sắt, canxi là rất tốt, và đợi đợt móng mới dài ra mới đẩy đi phần móng kia. Vị trí truyền dịch nơi cổ tay của em có tình trạng viêm xơ tĩnh mạch, em có thể dùng nước ấm xoa nhẹ nhiều lần, kết hợp ăn uống bổ sung nhiều vitamin C, E có trong cam, bưởi, táo, viên sủi...và hạn chế tiêm truyền tiếp tục tại vị trí này, từ từ thành mạch sẽ mềm mại trở lại.

Vấn đề lấy nẹp inox cố định xương thường không có tai biến, tuy nhiên đây là việc của 3 tháng tới, em chỉ cần tuân theo điều trị của BS và hạn chế lo âu, vì lo âu sẽ góp phần làm cho không bệnh thành bệnh, em nhé.

- [email protected]

Thưa BS Lan Hương,

Cháu 24 tuổi, đang làm việc tại Đài loan. Không biết sao 3 ngày nay ở dưới giữa ngực cháu nó cứ thắt đau, cảm giác khó thở...khi ăn cũng thấy thắt đau. Cháu thấy lo lắm. BS có thể giải thích và cho cháu lời khuyên được không ạ? Cháu thành thật cảm ơn.        

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Đau ngực vùng giữa xương ức có thể do nhiều nguyên nhân, từ tim mạch, hô hấp, trung thất, thần kinh, cơ, tiêu hóa...trong mỗi hệ cơ quan lại gặp đau ngực trong nhiều bệnh lý khác nhau.

Do đó, chỉ dựa vào thông tin đau giữa ngực kèm khó thở, vì hai triệu chứng có thể song song cũng có thể đau ngực nhiều dẫn đến hạn chế hô hấp, BS không thể chẩn đoán ra bệnh được.

Dù biết làm việc tại môi trường ngoài nước có nhiều khó khăn trong việc tiếp cận y tế, nhưng với tình trạng hiện nay, tôi khuyên em nên đến bv khám và kiểm tra, để tìm ra nguyên nhân và có hướng xử trí thích hợp sớm, em nhé.

- Đinh thị chuyện - [email protected]

Thân chào bác sĩ,

Em bị đứt tay do rửa cốc thủy tinh, dạo này vết thương bị sưng và mọc rất nhiều mụn nước, rất ngứa. BS cho em hỏi liệu em có bị nhiễm trùng không? Mong BS tư vấn giúp ạ. Cảm ơn BS.      

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Biểu hiện sưng nề kèm nổi nhiều mụn nước nhỏ ngứa nơi vết thương thường do phản ứng viêm da dị ứng, trong khi biểu hiện sưng nóng đỏ đau, tiết dịch mủ lại phản ánh tình trạng nhiễm trùng nhiều hơn. Rất thường gặp vết thương chảy máu trong giai đoạn lành sẹo thì có biểu hiện viêm da dị ứng.

Tuy nhiên, BS cần phải khám trực tiếp vết thương mới chắc chắn được vì điều trị dựa theo miêu tả đơn thuần chủ quan của người bệnh có thể dẫn tới nhiều sai sót, vì thế tôi khuyên em nên đến khám BS để được xử trí thích hợp, tránh để sẹo xấu.

- Huỳnh Thy - [email protected]

Thưa BS Lan Hương,

Hôm nay em tiêm vắc-xin chống ung thư cổ tử cung HPV. Một tuần sau, em muốn đi hiến máu, không biết có được không thưa BS? Cảm ơn BS.        

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Theo quy định của bộ y tế về an toàn truyền máu, em không được hiến máu trong vòng 03 tháng sau khi tiêm vắc-xin phòng các bệnh, đối với tiêm phòng vắc-xin ngừa dại là 12 tháng.

Thân ái.

- Đạt Nguyễn - [email protected]

Chào bác sĩ,

Mình thường đau ở vùng dưới lồng ngực, có lúc đau nhói. Và mình cũng thường hay đâu đầu, kèm theo choáng. Ngồi 1 lúc lâu thì mỏi lưng, đứng dậy ưỡn ngực ra trước là bị choáng rồi ngã. BS cho mình hỏi nguyên nhân và cách điều trị? Cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Dựa vào thông tin bạn cung cấp, BS chưa thể chẩn đoán ra bệnh. Bởi vì chỉ riêng đau ngực, thì đau dưới lồng ngực không rõ là vị trí nào vì lồng ngực khá rộng.

Đau ngực lại có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, từ tim mạch, hô hấp, trung thất, thần kinh, cơ, tiêu hóa...trong mỗi hệ cơ quan lại gặp đau ngực trong nhiều bệnh lý khác nhau, BS cần dựa vào tuổi, giới tính, bệnh lý đi kèm, thói quen, tính chất cơn đau ngực mới định hướng ra bệnh và đưa ra chỉ định xét nghiệm để đánh giá kỹ hơn.

Đau đầu cũng như vậy. Vì thế, tốt nhất và an toàn nhất cho bạn, tôi khuyên bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra kỹ lưỡng và có hướng xử trí thích hợp, bạn nhé.

- Nguyên Thảo - [email protected]

Thân chào bác sĩ,

Dạo này tôi bị táo bón, bụng có hơi to ra hơn mọi khi, tôi còn hay cảm thấy nóng nực, tăng thân nhiệt vào buổi tối nữa. Như vậy là tôi bị gì ạ? Xin cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Đa phần các trường hợp có triệu chứng tương tự như vậy gặp trong bệnh cảnh lành tính là nóng trong người, thiếu nước cũng là nguyên nhân gây táo bón, khi đó em tăng cường bổ sung thêm nước, tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày và nhiều hơn vào ngày nóng, ra mồ hôi nhiều, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, tăng cường vận động là tình trạng này sẽ hết.

Tuy nhiên, có một số trường hợp đây là biểu hiện của bệnh lý thực thể vùng đại trực tràng, như u, lao...thường gặp ở bệnh nhân có kèm sụt cân, tiêu phân có lẫn nhày máu, tiền căn gia đình có bệnh đa polyp đại trực tràng, thiếu máu...

Vì thế BS cần khai thác nhiều hơn thông tin bệnh sử của em cũng như tiến hành thăm khám để loại trừ những bệnh lý kể trên. Vậy, an toàn và tốt nhất cho em là em nên đến cở sở y tế có chuyên khoa Tiêu hóa để kiểm tra, song song với việc thay đổi chế độ sống như tôi kể trên.

- Ngyen thi mai lan - [email protected]

Thân chào bác sĩ,

Em khâu vết thương ở mặt bằng chỉ không tiêu, nhưng cắt chỉ thì bị lặn không thấy chỉ. Nếu không lấy chỉ để vậy có bị sao không? Có bị đau không và làm cách nào lấy chỉ ra mà chỉ cần ăn uống không? Cảm ơn BS rất nhiều.     

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Với chỉ không tiêu, nếu không cắt chỉ khi vết mổ đã lành, thì sẽ tạo sẹo xơ xấu, mất thẩm mỹ, có trường hợp cơ thể hoạt hóa phản ứng viêm tiêu hủy vật lạ dẫn đến hóa mủ, áp-xe. Nếu để lâu khi muốn cắt chỉ sẽ gặp khó khăn, gây đau và chảy máu.

Trong trường hợp mô sưng nề nhiều, mối chỉ buộc chặt có thể sẽ hơi khó để tìm nhưng vẫn cần được lấy ra.

Một số thuốc uống có thể giúp ích tùy trường hợp như thuốc giảm viêm, giảm sưng, về thực phẩm thì hiện nay theo Tây y tôi chưa biết có thực phẩm nào có tác dụng tiêu chỉ hay đẩy chỉ ra, em nhé. 

- đặng thị linh - [email protected]

Chào BS Lan Hương,

Hai ngày nay em đứng đi lại nhiều và chiều tối nay em bắt đầu thấy hai chân phù nhẹ lên, không đau buốt gì cả, mấy ngày nay em thấy đi tiểu nhiều hơn, nước tiểu vàng trong,với cả em bị táo bón 1 tháng nay. Những triệu chứng này gợi ý bệnh gì và em phải đi khám thế nào ạ? Cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Những nguyên nhân lành tính thường gặp có thể lý giải được cho việc phù chân khi đứng lâu là do máu hồi lưu không được tốt do tư thế, nên thường xuất hiện vào cuối ngày, khi đứng lâu hay ngồi lâu, phù chân sẽ giảm khi bạn kê cao chân và xoa bóp; việc tiểu nhiều hơn đơn độc chưa nói lên được điều gì vì có thể liên quan đến lượng nước nhập vào tăng; vấn đề táo bón cũng thường liên quan đến chế độ ăn uống và vận động.

Tuy nhiên, đây chỉ là những nguyên nhân “thường gặp”, và vì không trực tiếp khám cho em nên tôi không thể kết luận chắc chắn vấn đề có chỉ đơn giản như vậy hay không, nếu muốn kiểm tra chắc chắn vấn đề sức khỏe của mình, em hãy đến cơ sở y tế để khám sức khỏe, em nhé.

- Lê Đức Hòa - [email protected]

Thưa bác sĩ,

Cách đây 3 ngày trên người tôi có vài vết tròn, tôi nghĩ đây là bệnh nấm da. Nhưng tôi chưa chắc chắn lắm nên cần BS tư vấn. Vì đi làm cả ngày nên tôi chưa có thời gian đi ra BV để khám. Cảm ơn BS.


BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Trước hết tôi xin lỗi vì chất lượng hình ảnh bạn gửi có độ phân giải không cao nên tôi không thể nhìn rõ sang thương da, do đó không đưa ra kết luận được. Hai bệnh nấm da thường gặp ở thân mình là hắc lào và lang ben.

Hắc lào có đặc điểm là ngứa, màu hơi đỏ, có viền, bờ rõ, trên viền có các mụn nước lấm tấm, viền ngày càng lan rộng tạo hình vòng cung. Lang ben có đặc điểm chấm nhỏ, sau lớn dần, lan rộng và liên kết với nhau tạo thành mảng, bờ nham nhở, vòng vèo, bề mặt có vảy nhỏ cạo bong ra dễ, thường không ngứa hoặc ít ngứa, hay gặp ở ngực, lưng, cổ.

Hai bệnh này có thể dùng thuốc bôi đơn giản mua tại nhà thuốc tây. Tuy nhiên, nếu biểu hiện bệnh của bạn không điển hình, tốt nhất bạn vẫn nên đến khám BS Da liễu để kiểm tra.

- Nguyễn Tùng - [email protected]

Xin chào bác sĩ,

Ở phần đùi trong của cháu xuất hiện các nốt đỏ như muỗi đốt, có cảm giác ngứa vào khoảng 1-2h sáng, nhưng vào ban ngày thì lại không ngứa mà nốt đỏ cũng giảm bớt. Cháu là sinh viên, ở nhà chứ không ở trọ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày. Xin BS tư vấn giúp cháu. Cháu xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Những nốt sẩn nhỏ đỏ ngứa xuất hiện cấp tính và tự lặn thường gặp trong dị ứng da, có thể do côn trùng đốt, và đôi khi cũng khó xác định tác nhân.

Tuy nhiên, tình trạng của em tương đối nhẹ, không cần uống thuốc nếu không ngứa nhiều, nên hạn chế gãi, có thể xoa dầu khuynh diệp hay các loại kem bôi ngoài da giảm ngứa do côn trùng cắn bán tại nhà thuốc tây, và cần xem lại không gian ngủ của mình.

Vì dù em vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày cũng khó tránh khỏi bị các côn trùng mới xuất hiện trong giường chiếu chăn ga gối nệm như kiến rận, thường xuất hiện những lúc giao mùa như thế này.          

- Mai Xuân Đạt - [email protected]

Thưa BS Lan Hương,

Cháu năm nay 14 tuổi, vài hôm trước cháu có bị va chạm ở sau lưng và giờ khi thở cháu lại thấy đau nhói ở phía lưng trái (chính xác là phổi trái), khi thở mạnh thì càng đau. Cháu muốn hỏi sau khi va chạm có ảnh hưởng gì đến lá phổi trái không? Các bệnh có nguy cơ nhất là bệnh gì? Cháu cảm ơn.         

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Tùy vào lực va đập mà có thể dẫn đến mức độ chấn thương, tổn thương cơ quan khác nhau, từ chấn thương mô mềm thành ngực (thường gặp nhất) đến gãy xương sườn, tràn máu màng phổi, dập phổi...đều gây đau, khó thở khi hít sâu nhưng tổn thương càng nặng thì mức độ đau và khó thở càng nhiều, và cũng tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của người bệnh, trẻ khỏe sẽ cảm nhận khác với người lớn tuổi, trường hợp nặng có thể thay đổi sốc do đau, sốc mất máu...

Do đó, em nên đến BS khám và chụp phim X-quang phổi để biết chính xác tình trạng của mình và có hướng xử trí tương ứng, em nhé. 

- Mai.dang - [email protected]

Chào bác sĩ,

Em năm nay 25 tuổi, bị thuỷ đậu đến nay đã tròn 1 tuần kể từ khi xuất hiện những bóng nước đầu tiên. Bóng nước lên nhiều ở mặt, thưa ở chân tay và người. Ngày hôm qua các vảy ở mặt đã bong hết nhưng ở vị trí các nốt vẫn còn hơi đỏ. Chân tay gần như đã bay hết nốt đỏ. Ở người còn vài nốt chưa bong.

Như vậy bệnh còn có khả năng lây nữa hay không? Và 2 ngày nữa em đã có thể đi làm bình thường chưa (vì chỗ làm có mấy bà bầu)? Xin chân thành cảm ơn BS.          

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Bệnh thuỷ đậu có thể lây từ 2 ngày trước khi nổi ban ngứa cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy và lây truyền chủ yếu qua giọt khí dung bắn ra từ mũi họng.

Do đó nếu còn vài nốt chưa bong hẳn tức em còn khả năng lây nhiễm, nếu em cần phải đi làm thì em nên đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với các đối tượng dễ bị lây như thai phụ, người chưa từng mắc thủy đậu và chưa tiêm ngừa vắc-xin.

Thân ái.

- Tran Van Nam - [email protected]

Cháu chào bác sĩ,

Cháu là nam, năm nay 20 tuổi. Mấy hôm nay tự nhiên cháu bị giật cơ ở ống đồng gần mắt cá chân, cháu có mát xoa trước khi ngủ cả chân thì không bị giật ở đó nữa, nhưng lại xuất bị giật ngón chân giữa bàn chân phải.

Lúc giật nhìn rõ cơ ở ngón chân giật lên giống như kiểu nhịp tim. Cháu rất lo lắng. BS có thể chẩn đoán cháu bị làm sao không ạ? Cảm ơn BS.       

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Hiện tượng giật cơ gặp ở người trẻ tuổi với tính chất như trên thường do thiếu các vi khoáng chất như Magne, Sắt, Canxi, Kali, Vitamin B...

Em có thể bổ sung các loại vi chất này qua các loại thực phẩm chức năng bán tại tiệm thuốc Tây, ngoài ra cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng qua thực phẩm hàng ngày và tập thể dục đều đặn. Nếu sau 5-7 ngày hiện tượng này vẫn còn, em cần đến BS để kiểm tra, em nhé.        

- nguyen huong - [email protected]

Thân chào bác sĩ,

Vợ em hay bị đau đầu, chóng mặt, ngồi một lúc là bị ngất lịm đi. BS cho em hỏi đấy là triệu chứng của bệnh gì ạ? Chân thành cảm ơn BS.      

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Ngất là một triệu chứng nguy hiểm, vì báo động tình trạng sức khỏe có vấn đề, và có thể dẫn đến tai nạn lúc bệnh nhân mất tri giác.

Choáng váng rồi ngất gặp trong rất nhiều bệnh cảnh khác nhau, như tụt huyết áp, hạ đường huyết, thiếu máu, bệnh tim mạch, tác dụng phụ của thuốc...tùy tuổi, tiền căn bệnh lý, hoàn cảnh khởi phát, thời gian ngất, cách xử trí khi ngất, các triệu chứng đi kèm...mà BS mới định hướng được bệnh.

Do đó em cần đưa vợ em đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe, sớm tìm ra nguyên nhân và điều trị bệnh, em nhé.

- võ hoàng trung - [email protected]

Thưa bác sĩ,

Lúc trước tôi lắc cổ có kêu, nhưng khoảng 2 năm nay tôi lắc cổ không kêu nữa. Vậy tôi có bị xương khớp gì không BS? Chân thành cảm ơn BS.      

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Những thao tác vặn khớp tay, vai, lưng, cổ...tạo ra âm thanh nơi các khớp, cơ chế tại sao hiện nay cũng chưa được rõ, chỉ có giả thuyết là do kéo dãn dây chằng, khí trong khớp...và có khớp thì kêu, có khớp lại không, tùy vào lực vặn chứ không phải là khớp có bệnh thì sẽ không kêu nữa.

Nhìn chung âm thanh phát ra khi vặn khớp không phải là triệu chứng bệnh. Tuy nhiên vặn khớp nhiều lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ như khớp phì đại, giảm sức cầm nắm (bàn tay), tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe. Do đó nếu bạn đã bỏ được thói quen này thì rất tốt.

Thân ái.

                                                                    
Đây là chương trình tư vấn sức khỏe phục vụ cộng đồng - hoàn toàn miễn phí.

Bác sĩ của chúng tôi làm việc trên tinh thần hết lòng vì Sức khỏe cộng đồng, theo lời thề Hippocrates - Lời thề Đạo đức Y khoa.

Chúng tôi sẵn sàng sẻ chia những lo âu, giải đáp các thắc mắc của bạn - vô điều kiện.

Mời bạn gửi câu hỏi bằng 1 trong 3 hình thức sau:

+ Gửi câu hỏi thông qua hệ thống đặt câu hỏi của chuyên mục Khám bệnh online

+ Gửi đến email: [email protected]

+ Gọi điện thoại trực tiếp đến số 0976 328 725 hoặc 08 66 800 367 (từ 18 - 20h từ thứ 2 đến thứ 7).

Trân trọng,

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]