Sáng 1.10, tại Khoa Hồi sức Ngoại – Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, bé N.N.T.P đã có sức khỏe ổn. Cha cháu bé vô cùng vui mừng vì “tôi tưởng thời gian của con bé chỉ còn được tính bằng ngày bằng tháng. Giờ không gì vui hơn khi biết cháu được sống như những đứa trẻ bình thường khác”. 

BS Đào Trung Hiếu cho biết, cách đây 2 tháng, gia đình nhận ra sự khác thường: Bụng bé bỗng nhiên to ra, bé ăn uống rất kém. Bé 2 tuổi nhưng cân nặng chỉ được 9,5kg. So với lứa tuổi, bé chậm phát triển về trọng lượng. Gia đình đã đưa thẳng cháu đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM để điều trị.

Qua kết quả siêu âm, xét nghiệm máu, chụp CT, các bác sĩ phát hiện cháu mang một khối bướu máu rất to chiếm trọn vùng gan phải. Tuy nhiên, đây là khối bướu máu lành tính, nên các bác sĩ đã đặt vấn đề phẫu thuật lấy khỏi cơ thể cho cháu: “Nếu không được mổ, khối bướu sẽ lớn dần, lấn át phần mô gan còn lại khiến gan không thể thực hiện chức năng. Bên cạnh đó, khối bướu máu chứa một lượng máu rất lớn. Nếu không được loại bỏ, cháu có thể bị suy tim” – BS Hiếu nhận định. 

Trước phẫu thuật, một câu hỏi lớn đặt ra cho các bác sĩ là làm thế nào để lấy khối bướu ra khỏi cơ thể cháu nhưng vẫn phải giữ an toàn tính mạng cho cháu. Vì là khối bướu máu “khổng lồ” nên chỉ cần sơ xuất nhỏ trong phẫu thuật có thể gây mất máu cấp, cháu bé có thể tử vong. 

Giải thích những rủi ro có thể xảy ra cho người nhà, bà nội cháu đã có lúc bi quan: “Cháu quá nặng rồi. Hay là cho cháu về, nếu có chết thì được chết trọn vẹn”. Tuy nhiên, các bác sĩ đã cố gắng thuyết phục người nhà, xin để em bé được can thiệp phẫu thuật. Sáng 29.9, cháu được đưa vào phòng phẫu thuật. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ. Kiểm soát những nguy cơ, khối bướu máu được lấy an toàn, có trọng lượng 1,35kg. Cả bác sĩ lẫn người nhà thở phào nhẹ nhõm.

 

 Cận cảnh khối bướu máu khổng lồ được lấy ra khỏi gan bé Ph (ảnh K.Q)

BS Đào Trung Hiếu cho rằng, ca phẫu thuật thành công không thể không kể đến vai trò của các bác sĩ gây mê hồi sức. Việc gây mê hồi sức ở ca mổ đặc biệt phức tạp, đòi hỏi một sự tính toán kỹ lưỡng. 

Là bác sĩ trực tiếp gây mê cho em bé, BS Hà Văn Lượng, Phó khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức chia sẻ, các bác sĩ gây mê phải tính toán, lường trước các tình huống xảy ra trong cuộc mổ như cháu có thể chảy máu dữ dội để chuẩn bị các phương án dự phòng. Đồng thời, phải dựa vào chức năng gan đang suy tổn của cháu để lựa chọn một loại thuốc mê phù hợp. Cháu được đặt các động mạch xâm lấn, hạ huyết áp chỉ huy để giảm lượng máu chảy, dự trù phương án bơm máu. Do kiểm soát tốt nên ca mổ diễn ra khá thuận lợi. 

Hiện tại, cháu Ph được chăm sóc tại Khoa Hồi sức Ngoại, cháu có sức khỏe tốt. BS Hiếu cho biết, phần gan của cháu sẽ phục hồi sau khi khối bướu được loại bỏ. Cháu sẽ phát triển bình thường như các em bé khác.

Video clip: Bác sĩ Đào Trung Hiếu thăm cháu bé