Lây truyền hàng trăm mầm bệnh cho trẻ qua nụ hôn

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cảnh báo, rất nhiều các bệnh nguy hiểm có thể lây cho trẻ qua cử chỉ hôn.

15.6121

Hàng trăm bệnh có thể lây cho trẻ qua nụ hôn

Người lớn thường có thói quen bày tỏ tình cảm với con trẻ bằng cách hôn. Tuy nhiên, việc hôn vào trán hoặc vào má có thể không sao nhưng nếu hôn vào môi có nguy cơ gây bệnh cho trẻ. Có hàng trăm bệnh có thể lây cho trẻ qua nụ hôn như các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cảnh báo, đừng tưởng chỉ người đang có biểu hiện bệnh rõ rệt mới có khả năng lây bệnh cho bé. Bởi rất nhiều người mang virus gây bệnh nhưng đang trong thời gian ủ bệnh (người lành mang trùng) nhưng vẫn có thể lây bệnh cho trẻ qua nụ hôn. Do đó, bác sĩ khuyến cáo tốt nhất là không nên bày tỏ bằng cách hôn vào miệng trẻ, đặc biệt là với trẻ sơ sinh. Bởi trong miệng của mỗi người có thể có hàng trăm, hàng nghìn vi khuẩn, virus cộng sinh. Với trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu khi có cơ hội các vi khuẩn, virus này lây lan có thể gây bệnh nặng cho trẻ.

PGS.TS Dũng  ví dụ như với bệnh cảmngười lớn, bệnh này rất đơn giản, có thể tự khỏi sau vài ngày mà không cần dùng thuốc. Nhưng với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, bệnh cảm cúm có thể tiến triển nhanh, gây biến chứng nặng nề như viêm phế quản, viêm phổi.

Hoặc có một số bệnh trẻ dễ mắc phải như ho gà, viêm màng não mủ, kiết lỵ, ... trẻ rất dễ lây từ người lớn. Với bệnh ho gà, nhiều người lớn bị ho lâu ngày nhưng chủ quan không đi chữa dứt điểm, cho rằng việc ho là do dị ứng với thời tiết. Nếu chẳng may trẻ nhiễm bệnh qua việc hôn hoặc nói chuyện quá gần, nước bọt của người bệnh bắn vào miệng trẻ. Bệnh ho gà ở trẻ nhỏ cũng rất nguy hiểm.

Hay như bệnh viêm màng não mủ, nhiều người lớn có thời gian ủ bệnh lâu trước khi có các dấu hiệu khởi phát ban đầu như sốt cao, đau đầu, …. Trẻ nhỏ bị viêm màng não mủ rất dễ gây biến chứng ảnh hưởng đến thần kỳ và sự phát triển trí tuệ sau này.

Với người bị mắc các bệnh mạn tính như HIV, viêm gan B, C, việc lây qua việc hôn rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên nếu người bị bệnh có các ổ viêm nhiễm trong khoang miệng như viêm lợi quanh răng hoặc có các ổ viêm ở má thì cũng có nguy cơ cao lây bệnh cho trẻ. Ngoài ra, người bị bệnh Herpes có biểu hiện như nhiệt miệng cũng có thể lây bệnh cho trẻ khi hôn.

Một bệnh nữa rất nguy hiểm có thể lây cho trẻ qua hôn là bệnh lao. Tuy nhiên, có rất nhiều người lớn mang vi khuẩn lao không khởi phát bệnh nên rất dễ lây sang trẻ qua tiếp xúc thân mật. BS Hoàng Thanh Vân, Trưởng khoa Nhi, BV Lao và bệnh phổi trung ương cho biết, có rất nhiều trẻ nhỏ mắc lao do lây nhiễm từ người lớn.

Mới đây, Khoa tiếp nhận trường hợp cháu bé L.V.T, 3 tháng tuổi ở Yên Bái bị lao màng não trong tình trạng khá nặng. Ban đầu bé có biểu hiện sốt, quấy khóc, thở khò khè. Gia đình đưa đi khám tại BV tỉnh chẩn đoán là bé bị viêm phổi và chỉ định tiêm kháng sinh. Tuy nhiên, điều trị 1 tuần, bệnh tình của bé không đỡ mà càng nặng, có dấu hiệu suy hô hấp. Lúc này các bác sĩ mới nghĩ đến bệnh lao và chuyển bé lên BV Lao và bệnh phổi TƯ. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị lao kê, tình trạng bệnh quá nặng, bị suy hô hấp phải thở máy. 

Trẻ dễ nhiễm lao từ người lớn mang bệnh qua nụ hôn (Ảnh bệnh nhi điều trị tại BV Lao và bệnh phổi TƯ. Ảnh M.H)

“Để loại trừ mầm bệnh, các bác sĩ đã hỏi tiểu sử gia đình thì bố mẹ bé khẳng định trong nhà không có ai mắc bệnh lao và chưa từng điều trị bệnh lao. Tuy nhiên, sau khi nói chuyện lâu hơn mẹ bé kể, bố bé đi làm xa, mới về quê chơi, do xa con lâu ngày nên bố rất quấn bé, gần như bế con cả ngày và thường xuyên có thói quen hôn con. Sau khi được tư vấn người bố quyết định làm xét nghiệm và kết quả là bố bé đang mắc lao. Thói quen hôn con vô tình làm cho bé bị lây bệnh nhanh hơn và bệnh diễn biến trở nặng chỉ trong thời gian ngắn”, BS Vân cho biết.

Để đề phòng trẻ nhiễm lao từ người lớn, bác sĩ Vân cho biết phải cách ly với người đang mang bệnh, không nên hôn trẻ vì có thể người lớn đang mang mầm bệnh mà không có biểu hiện. Nếu thấy trẻ có triệu chứng khi lao như ho, sốt kéo dài, sút cân, ra mồ hôi trộm … cha mẹ nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm, hiệu quả.

Tuyệt đối không nhai cơm mớm cho trẻ

Ngoài việc hôn trẻ, PGS.TS Dũng cảnh bảo tuyệt đối không nên nhai cơm mớm cho trẻ. Đây là cách ngày xưa các cụ hay dùng để cho trẻ mới bước vào thời kỳ tập ăn, chức năng nhai chưa hoàn thiện, người lớn thường phải nhai cơm cho nát ra để trẻ dễ nuốt và tiêu hóa. Khi nhai cơm, một loại men có trong nước bọt có tác dụng làm cho cơm có vị ngọt nên có rất nhiều trẻ thích được ăn cơm nhai. Tuy nhiên, việc cho trẻ ăn cơm nhai rất mất vệ sinh, có nguy cơ gây nhiều bệnh cho trẻ. Theo PGS.TS Dũng   với cuộc sống hiện tại có rất nhiều máy móc và cách có thể giúp các mẹ làm cơm nát và mềm trước khi cho trẻ ăn. 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]