Lê Bảo Trung và bí quyết làm phim ngược

"Sự phá cách với tôi thể hiện ở chỗ khi làm phim, tôi hay đi ngược từ Z tới A, biết cái kết phim thì mới nghĩ tiếp. Với cái kết như vậy, thì cái giữa, cái mở đầu sẽ tạo ra... logic của bộ phim", đạo diễn Lê Bảo Trung nói về cách làm phim của anh.

15.5841

Đạo diễn Lê Bảo Trung (ảnh do nghệ sĩ cung cấp).

- "Đẻ mướn" - phim nhựa đầu tay của anh, hết Tết Bính Tuất thu hơn 10 tỷ đồng. Cảm giác của anh thế nào?

- Tôi mừng rơi nước mắt. Vì "con" mình vừa sinh ra đã được nuôi bằng "sữa" của... hàng trăm nghìn khán giả.

- Anh đã làm gì để lấp đầy cái cảm giác trống rỗng sau một "cơn sinh nặng đẻ đau" đứa con tinh thần?

- Đầu tháng 2 tôi lên đường chọn cảnh cho phim mới.

- Anh đã sửa cái kết phim theo lời góp ý của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Vì sao anh lại quyết định thay đổi?

- Khi làm phim, đạo diễn vẫn là vua phim trường. Quyền tự quyết của ông đạo diễn quyết định một nửa thành công của bộ phim. Đúng là cái kết phim theo ý tôi nó day dứt, đau đớn hơn. Nhưng thay đổi một cái kết phim chưa chắc đã là đánh mất chính kiến. Tôi đã lắng nghe góp ý của bác sĩ Phượng.

- Anh nghĩ sao nếu vì điều đó, khán giả sẽ nói anh chỉ là người "đẻ mướn" cho chính nhà sản xuất phim?

- Trước khi nhà sản xuất mướn mình làm phim, họ đã biết mình là ai, tài "sinh đẻ" của mình tới đâu.

- Nhìn lũ lượt khán giả đi xem phim mình, anh thấy thế nào?

- Bắt tay vào làm phim, tôi đã mường tượng ra cảnh này. Sự mường tượng này càng kích thích tôi làm phim.

- 34 tuổi, 5 năm hành nghề làm 5 phim, trong đó cả 4 phim video đều đoạt những giải Bạc tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc, giải của Hội Điện ảnh Việt Nam... Giải thưởng có ý nghĩa thế nào với anh?

- Tôi coi trọng tất cả các giải thưởng. Nhờ 4 giải cho phim video (mà tôi coi như những giải tinh thần) tôi mới được giao cho làm phim nhựa.

- Cách làm phim từ Z tới A của anh sẽ thế nào nếu áp dụng với phim phiêu lưu hành động mạo hiểm?

- Những bộ phim sắp tới của tôi sẽ có nhiều phần là phiêu lưu hành động.

- Những miếng pha trò trong phim của anh không mới, chẳng hạn chi tiết nhân vật va đầu vào cột liên tục, mà khán giả vẫn có người cứ nhổm người ra khỏi ghế mà cười. Anh có bí quyết gì?

- Những miếng pha trò đó không lạ, nhưng hợp lý. Đấy là cái khán giả muốn xem. Khi làm phim, người ta không thể quên hiệu ứng bầu tâm lý. Một người cười (hay khóc) kéo theo cả rạp cười (hay khóc). Hết cười rồi tới khóc. Tôi chịu, không biết làm những bộ phim dở khóc dở cười.

- Đó phải chăng là công thức làm phim ăn khách mà anh tự đúc rút cho mình?

- Không có công thức chung cho tất cả các bộ phim. Mỗi phim có một công thức. Mỗi thời điểm làm phim có một công thức.

- Một đạo diễn nên hợp tác với nhiều hãng phim hay chỉ làm cho một hãng?

- Ai mướn thì tôi "đẻ". Trước mắt làm tiếp một phim nhựa cho Phước Sang và chuẩn bị cho chuyến du học 2 năm ở Bỉ chuyên ngành đạo diễn năm 2007. Tôi là một trong 2 đạo diễn trẻ được Sở Văn hoá Thông tin TP HCM cử đi học.

(Theo Lao Động)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]