Lễ hội Chùa Hương: Ban tổ chức không kịp trở tay

Giadinh.net - Ngay từ sáng sớm mùng 1 Tết Nguyên đán, du khách thập phương đã đổ đến chùa Hương với số lượng vượt trội mọi năm. Ngày khai hội 6/1 và ngày 7/1 âm lịch, lượng khách bất ngờ tăng lên gấp 3 lần so với các lần khai hội trước khiến Ban tổ chức (BTC) lâm vào cảnh bối rối.

15.6037

Tắc đường tại khu vực cổng chính.

 
“Vỡ trận”
 
Khác với những mùa lễ hội trước, sáng ngày khai hội, đường dẫn vào bến đò hoàn toàn không thấy sự xuất hiện của các chủ đò chèo kéo khách. Ngỡ rằng đã có sự cải tổ của nhà tổ chức khiến dịch vụ đò – khâu bị nhiều người kêu ca nhất mọi năm – đã trở nên nghiêm chỉnh, nhưng đơn giản, đây chỉ là do lượng khách tới lễ chùa trong ngày khai hội tăng bất ngờ.
 
Theo BTC, hầu hết các dịp khai hội hàng năm đều có lượng khách đông hơn ngày thường nhưng số lượng cũng chỉ dừng lại khoảng 1,5 vạn đến 2 vạn lượt khách. Còn năm nay, ước tính lượng khách tham dự trong ngày khai hội lên đến 5  -  6 vạn người.
 
Đến gần trưa, vẫn còn khá nhiều du khách chưa lên được đò.
 
Từ 4 - 5h sáng mùng 6/1 âm lịch, các con đường dẫn vào bến đò đã xảy ra tình trạng ách tắc. Lượng khách quá lớn nên hầu như không còn đò nào trống. Các đò của BTC cũng trong tình trạng đầy khách. Đến khoảng 8h thì BTC đã phải “chạy trốn” vì còn khá nhiều khách trong diện được mời vẫn chưa xuống được đò.
 
Một thành viên BTC tuyên bố với các khách mời: “Không thể lo được nữa. Mời các vị tự lo chuyện đi đò vào!” và sau đó không thấy bóng dáng của thành viên BTC nào nữa.
 
Trong khi đó, tại khu vực bến đò chỉ còn lác đác vài chiếc đò. Các chủ đò đều hiểu rõ khách đang rơi vào thế bí nên tha hồ hét giá. Một chuyến đò lớn (tải trọng 12 người) ban đầu được đưa ra giá 800.000 đồng, nhưng càng về trưa càng có nhiều khách nên chủ đò đổi ý, thu mỗi khách 50.000 đồng và chiếc đò này chở đến 33 khách.
 
Cũng do số lượng khách quá đông nên giao thông đường thủy trên suối Yến bị ách tắc tại khu vực cầu Hội. Tình trạng này xảy ra nhiều giờ đồng hồ nên nhiều đò đã phải đi gấp đôi đoạn đường vào bến chính bằng cách cho đò vòng qua lối lên chùa Long Vân. Một số đò khác tìm cách “thoát” khỏi đoạn tắc một cách “sáng tạo” bằng cách... vác đò qua rìa cầu Hội đi ngược làn đường. Khu vực này trở thành điểm nóng suốt từ sáng sớm và tình trạng ách tắc càng trở nên nghiêm trọng hơn đến tận trưa.
 
Nhiều khách chậm chân lên được đến Thiên Trù thì đã xế trưa. Khu vực này hầu như không còn chỗ trống nào. Nhiều gia đình phải len vào tận khu lăng mộ để nghỉ ngơi, ăn trưa.
 

Tắc đường tại khu vực cầu Hội.

 
Khu vực ga cáp treo cũng rơi vào tình trạng quá tải, hỗn loạn khi hàng ngàn người chen lấn để mua vé và xếp hàng vào ga. Tại cửa vào nhà ga, các nhân viên soát vé phải đứng lên tường để cố sức kiểm soát dòng người ép chặt. Đây chính là cơ hội để các “phe vé” hoạt động tích cực. Hàng chục “phe vé” ngang nhiên chào mời khách trong khi có khá nhiều người mặc sắc phục cảnh sát đứng ngay gần đó.
 
Các “phe vé” đều bán chênh lệch từ 5.000 đến 10.000 đồng/vé. Nhiều người đã mua vé nhưng do phải chờ đợi lâu đành chọn phương án đi bộ. Lúc này, các “phe” sẽ mua lại vé bằng một nửa giá trị ghi trên vé.

Nhưng việc đi bộ cũng không thuận lợi khi đường lên động chính bị tắc dài tới 2km trước cửa động. Trước tình trạng này, có khá nhiều khách đã phải bỏ cuộc quay ra vì càng về chiều, tình trạng tắc nghẽn càng trầm trọng hơn. Có nhiều người không vào được động, cũng không thể quay trở ra nên đành phải thay đổi kế hoạch thời gian trở về.

Theo nhiều người bán hàng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng khách tăng đột biến do năm nay Tết Nguyên đán có kỳ nghỉ khá dài, ngày khai hội lại rơi vào Thứ bảy và ngày hôm sau lại vẫn là ngày nghỉ nên lượng khách đi lễ chùa đông.

Nhộm nhoạm dịch vụ

Trên khắp lộ trình vào các chùa, BTC đều cho lắp đặt panô ghi các quy định, còn hệ thống loa phát thanh thì thường xuyên nhắc nhở chủ phương tiện “phải có phù hiệu” và “nghiêm cấm ép khách trả thêm tiền ngoài vé đò”.
 
Trong khi đó, trên bến đò, không có chủ đò nào đeo phù hiệu và các chủ đò đều thẳng thừng đưa ra các mức giá ngoài vé đò mà không gặp bất cứ trở ngại nào khiến du khách khi nghe phát thanh chỉ biết cười chua chát. Trong điều kiện khách nhiều đò ít như những ngày qua thì ngoài 25.000 đồng tiền vé đò khứ hồi, việc chủ đò lấy thêm từ 25 đến 50.000đ/khách/lượt (vào hoặc ra) là chuyện được xem là đương nhiên. Hành khách nào phàn nàn hoặc không muốn trả thêm khoản “bồi dưỡng” này sẽ được “mời” lên bờ và phải đối mặt với nguy cơ không thể di chuyển. Các khách không mua vé đò của BTC cũng có thể thỏa thuận trực tiếp với chủ đò về giá cả.
 
Một chiếc đò được phép chở 12 người nhưng đã "nhồi nhét" tới 34 người.
 
Không chỉ thu thêm tiền của khách, các chủ đò đều chở gấp nhiều lần trọng tải cho phép. Chiếc đò có số hiệu HS – X8 378 mà chúng tôi lên, được CSGT đường thủy ghi ở cạnh thuyền con số 12, nghĩa là nó chỉ được phép chở tối đa 12 người nhưng trên thực tế, đò này chở tới 34 người (kể cả 2 lái đò). Các đò khác có trọng tải tương tự đều chở từ 25 đến 37 người. Các đò nhỏ chỉ được phép chở 5 người thì chở từ 10 đến 15 người.
 
Điều ngạc nhiên là các đò này tuy chở quá tải nhưng không hề bị xử phạt. Lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên đi lại trên sông nhưng dường như chỉ để... nhìn.
 

Lực lượng thanh tra giao thông...chỉ nhìn các đò chở quá trọng tải.

 
Khách mời của Ban tổ chức năm nay khá nhiều, nếu căn cứ vào lượng xe được gửi riêng trong khuôn viên khách sạn Công đoàn. Xe được để khá lộn xộn, nhưng khi nhận xe, nhiều người ngỡ ngàng vì phải trả 10.000 đ/xe máy. Nhưng đây vẫn là giá “mềm”, nhiều điểm trông xe khác, giá còn cao hơn.
 
Trong khi đó, tại cây cầu đầu tiên đi vào chùa Hương, đã có một biển thông báo: gửi xe máy 2.000 đồng với thời gian tối đa 120 phút một xe vào ban ngày và 3.000 đồng vào ban đêm, cũng với cách quy định thời gian như trên. Nhiều người cho rằng, quy định này mù mờ, khiến các chủ bãi xe có thể làm mưa làm gió.
 
Năm nay là năm đầu tiên chùa Hương thuộc TP Hà Nội, phải chăng vì đây là lĩnh vực mới mẻ đối với thành phố nên Ban tổ chức có phần lúng  túng?
 
Chùa giả, động giả là vấn đề nhức nhối tưởng chừng đã được loại bỏ hoàn toàn tại chùa Hương thì một biến tướng khác của hiện tượng này tái xuất hiện. Trên đường đi vào động Hương Tích, ngay phía trên một ngôi chùa giả đã bị BTC đóng cửa trước đây, lại xuất hiện một công trình với vẻ ngoài khá kỳ quặc với dòng chữ nguệch ngoạc “Suối Tiên”.
 
Trong công trình này, hoàn toàn không có dấu hiệu của một dòng chảy nào ngoài một hõm đá nhỏ có chứa nước. Tại đây, có khá nhiều người đang xì xụp khấn vái và xin nước “lộc”, sau đó thả tiền lên bệ thờ tạm bợ ngay giữa.
 
Tại chiếc bàn ghi “công đức”, một người đàn ông mặc áo nâu luôn mời chào khách để cúng thuê. Mỗi lần người đàn ông này khấn vái chừng 3 phút thì khách phải trả 10.000 đồng. Bù lại, họ sẽ nhận được một chiếc “nhẫn vàng chùa Hương” trị giá khoảng... 200 đồng và một niềm tin vu vơ.
 
Hoàng Phương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]