Lễ hội đập trống giữa đại ngàn

Giadinh.net - Đúng 16 tháng Giêng (ÂL) hàng năm, người Ma Coong giữa đại ngàn Trường Sơn tưng bừng trong ngày hội dân gian đặc sắc của mình - lễ hội đập trống. Đây là đêm giao hoà giữa thiên nhiên núi rừng với người trần thế.

15.5845

Rộn rã tiếng trống rền vang - Đây cũng là đêm hội vui nhất trong năm của người Ma Coong. Mọi người chếnh choáng trong men say rượu cần, cuồng nhiệt hết mình với những điệu nhảy, lời ca nồng nàn của con người Trường Sơn.

Ngược dòng truyền thuyết

Tiết trời se lạnh về đêm không ngăn nổi dòng người lũ lượt kéo về dự hội. Không chỉ ở miền tây Quảng Bình mà cả các vùng xa xôi, cả bên nước bạn Lào cũng hoà vui không khí. Vào ngày này chỉ trừ những người ốm đau, già yếu, còn lại đều náo nức đi hội. Với trai gái đến tuổi trưởng thành, đây là dịp làm quen, hò hẹn, tìm bạn tình, rồi sau đó kết duyên thành vợ, thành chồng. Người Ma Coong đến với lễ hội đã phải đi từ lúc gà vừa gáy sáng. Có người ở Lào đã lội bộ suốt cả ngày trời để đến kịp trước khi vào hành lễ.

Ông Lê Hùng Phi – Giám đốc Sở VH - TT Quảng Bình:

Lễ hội đập trống của người Ma Coong mang nhiều bản sắc văn hoá tiêu biểu của dân tộc miền tây Quảng Bình.

Đây là vốn quý mà chúng ta phải giữ gìn để mùa lễ hội sau và mãi mãi không mất đi.

Bản Cà Roòng (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), mảnh đất linh thiêng của người Ma Coong - một tộc người thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều là nơi diễn ra lễ hội. Người Ma Coong hiện có 287 hộ, 1.552 khẩu, cư trú thành từng bản làng nhỏ, rải rác từ biên giới Việt - Lào đến giáp xã Tân Trạch. Người Ma Coong lưu giữ nhiều phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc...

Xuất xứ lễ hội đập trống cũng rất ly kỳ. Theo truyền thuyết, từ xa xưa, ở bản của người Ma Coong xuất hiện một con khỉ già. Trong tay khỉ già có một cái trống thần. Vào mùa thu hoạch, khỉ già đánh trống thần, bao nhiêu lúa, ngô, của cải dân bản đều chạy về nhà khỉ già. Đời sống người Ma Coong vì thế triền miên đói khổ. Chủ đất người Ma Coong nghĩ kế, bàn mưu... Chọn đúng tối 16 tháng Giêng, trăng sáng vằng vặc, khỉ già quá no, ngủ say như chết, chủ làng sai người bí mật vào hang đá, lấy trộm trống thần mang về, đốt lửa, lập bàn thờ cúng Giàng và nổi trống. Con khỉ già đã phải rời xa vùng đất này và từ đó người Ma Coong làm ăn được mùa, con cháu không còn đau ốm nữa. Lễ hội đập trống của người Ma Coong có từ khi đó.

“Tục đập trống đêm 16 tháng giêng thành một hoạt động tâm linh theo suốt hành trình tồn tại của người Ma Coong trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Chủ đất không chỉ xin Giàng no đủ, được mùa, trong đêm 16 này, chủ đất còn xin Giàng cho người Ma Coong được một đêm tình yêu” - bên ly rượu thiêng (nước đầu của rượu cần), anh Đinh Xon - Trưởng bản Cà Roòng 1 (con trai của già làng Đinh Keo, người chủ tế mấy năm trước đây của lễ hội) kể lại tích xưa với lòng hân hoan.

Ngất ngây trong men say rượu cần.

Tỉ mẩn trống hội, giản đơn lễ vật!

Chiều trước khi diễn ra lễ hội, nhóm trai tráng trong bản khuân chiếc trống cũ ra giữa sân. Công việc chuẩn bị cho lễ hội bắt đầu… Những sợi mây rừng được cho vào những chiếc nồi đồng luộc trên những bếp lửa rừng rực... Tấm da trâu được phơi khô, cất và bảo quản kỹ, thận trọng, nâng niu mang ra. Công đoạn làm mặt trống được già làng giám sát và hướng dẫn một cách tỉ mỉ. Từng tí, từng tí một, những sợi mây óng chuốt, luộc chín, tỉ mẩn luồn vào tấm da trâu mải miết…

Công đoạn làm mặt trống được già làng giám sát và hướng dẫn một cách tỉ mỉ.  Tang trống phải được làm từ cây gỗ Chi - cúp (một loại cây rỗng ruột), nó phải được giữ gìn năm này sang năm khác, nó chỉ được thay khi không còn dùng được còn da trâu phải là trâu khỏe, có 2-3 năm tuổi, được căng vào tang trống vào đúng ngày lễ hội...

Khoảng 3 giờ miệt mài như thế, mặt trống được căng đều. Già làng thẩm âm bằng một hồi đánh khẽ… Anh Đinh Xoài, Chủ tịch Mặt trận xã cho biết: “Tang trống phải được làm từ cây gỗ Chi - cúp (một loại cây rỗng ruột), nó phải được giữ gìn năm này sang năm khác, nó chỉ được thay khi không còn dùng được còn da trâu phải là trâu khỏe, có 2-3 năm tuổi, được căng vào tang trống vào đúng ngày lễ hội”.

Anh Đinh Xon cho biết, theo tục của người Ma Coong thì sau khi chủ tế của làng mất thì người được nhận trách nhiệm làm chủ tế là người đứng đầu dòng họ. Năm nay, người chủ tế là anh Đinh Cửu, con chú của Đinh Xon nhưng sinh trước mấy ngày.

Mâm cỗ cúng Giàng rất đơn giản, gồm có rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác. Mỗi bản có một mâm và trong lễ cúng 18 bản phải đủ 18 mâm cỗ như thế. Cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm, đây là khúc ngăn của con suối Aky. 3 giờ sáng ngày 16, Đinh Xon được dân bản tín nhiệm là người thả lưới lấy cá cúng Giàng tại khúc suối cấm Aky. Đàn ông thì lo phần chuẩn bị hội còn đàn bà thì chuẩn bị thức ăn để tiếp đón bà con từ các bản khác đến.

Trăng 16 đã lấp ló đầu non. Đồ cúng tế và trống thiêng đã ngự trên đài tế. Một chiếc dùi trống “gia bảo” làm từ gốc cây mây, già làng cầm chắc và mặt trống rung lên một hồi dài. Cả ngàn người và núi rừng như vỡ oà ra trong tiếng trống mở đầu ấy. Tiếng reo hò dậy núi. Tiếng hú, hét đập vào vách đá rền vang như sấm. Từng tốp, nam phụ lão ấu, trai thanh nữ tú, miền xuôi, miền núi, các tộc người, lúc này đây không phân biệt là Kinh hay Rục, là Mày hay A rem, là Ma Coong hay Khùa... Tất cả vai khoác vai cùng vung dùi đánh trống. Tiếng chiêng, tiếng thanh la và bao loại âm thanh cộng hưởng dậy trời, rung đất.

Hàng trăm người chờ đến lượt vào đánh trống luôn vít cong cần rượu. Rượu cần bao lần thay ché. Đống lửa cũng bao lần thêm củi. Bao tốp người thay nhau vào đánh trống. Đến khi tất cả đã mệt nhoài và tiếng trống cũng nhòe đi cùng sương núi... Bình rượu cần nghiêng, điệu nhảy nghiêng, cả núi rừng nghiêng còn tiếng trống thì vang mãi vọng qua vách núi xuyên qua những lớp rừng già.

Đêm hội với niềm vui dài bất tận. Mọi hờn giận, ân oán... được giũ bỏ hết! Tất cả tha thứ cho nhau và cùng ước nguyện: Mọi người đều mạnh khỏe, mùa màng no đủ, bội thu. Cũng từ đêm hội này nhiều đôi lứa đã ước hẹn, chọn ngày mời bố mẹ, già làng đến nhà cô gái đặt lễ trầu cau... Và sau mùa lễ hội.

Xuân Hoài

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]