Lê Lựu và phong cách sống khác lạ

“Phi đậu phụ bất thành Lê Lựu”, bạn bè đã gán cho ông câu thành ngữ này bởi món ăn dân dã ấy được nhà văn coi là "tín ngưỡng" về ẩm thực. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nhà văn kén ăn. Lê Lựu tuyên bố, ông xơi được tất cả những loài đi bằng bốn chân (trừ bàn ghế) và "chơi" hết những loài có cánh (trừ máy bay).

0

Nhà văn Lê Lựu.

Một người bạn của nhà văn hồ hởi kể: “Phải tận mắt thấy vẻ mặt nhôm nhoam của ông như bông hoa quá lứa xì xụp trong làn khói nghi ngút của bát phở mới thấy hết cảm giác sung sướng của ông”.

Hiếm có người nào căm ghét bản mặt mình như Lê Lựu. Khi có người nói trong "Chân dung và đối thoại" Trần Đăng Khoa bôi nhọ ông, ông cười hề hề mà bảo: "Cái mặt mình như mặt... đất. Càng đổ tro, vãi trấu thì càng tươi tốt". Mỗi lần có điều gì không được như ý, ông lại đem cái mặt mình ra sỉ vả: "Trông mình cứ như gã buôn lậu, bởi vậy mà lần nào ra sân bay cũng bị khám xét rất kỹ". Năm trước, nhà văn cũng từ chối chân Chủ tịch ban giám khảo phim truyện của LHP Việt Nam với lý do: “Cái mặt mình, nó... hãm lắm”.

Dù đi đâu, sống ở chỗ sang trọng hay thôn dã, Lê Lựu vẫn thể hiện bản chất một anh nông dân đặc sệt. Nhà thơ Trần Đăng Khoa tả Lê Lựu đi sang Tây dự hội thảo, mắt trước mắt sau không thấy ai bèn đưa chân lên... mũi ngửi. Có lần đi ăn tiệc, nóng quá, nhà văn cởi cả giầy lẫn tất, đến khi ra về tìm mãi không thấy một chiếc tất, cuối cùng, nó lẫn vào sọt rác, trong đống giấy ăn. Thì ra, lúc nhậu, ông tưởng đó là... khăn lau mồm.

Trong làng văn còn lưu truyền một giai thoại về ông: Một lần, có hai nữ độc giả từ Hải Phòng lên muốn chiêm ngưỡng dung nhan Lê Lựu, thấy có khách đến, nhà văn nháy anh bạn đang ngồi bên cạnh: “Đưa cho tao cái quần”. Nào ngờ, hai cô gái thính tai nghe thấy liền bảo: “Áo quần nào có hề chi”, thấy vậy, ông đọc tiếp: “Ở nhà Lê Lựu mấy khi mặc quần”.

(Theo Công Nghiệp Việt Nam)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]