Lê Thiết Cương nối lại sự đứt đoạn của một dòng nghệ thuật

Ngôi nhà 39A Lý Quốc Sư là khoảng không gian sống cho nghệ thuật của họa sĩ Lê Thiết Cương. Nơi đây, hằng ngày, anh chàng đa tài này thể hiện những suy tưởng của mình bằng cây cọ với nét vẽ tưởng như đơn giản nhưng hết sức sâu sắc và ý nghĩa.

15.6191

Tranh của Lê Thiết Cương.

Trong không khí tĩnh lặng, họa sĩ ngồi trầm ngâm nói về cái độc đáo của dòng nghệ thuật Lý trên gốm, tự lấy làm lạ rằng không hiểu sao thời ấy, giữa sức ép của những nền nghệ thuật mạnh mẽ như Trung Quốc, Myanmar, Indonesia vẫn nảy ra và tồn tại một dòng Lý cực kỳ độc đáo. Cái lạ nữa là tại sao nó chẳng được phát huy và kế thừa để đến nỗi bây giờ chỉ còn lại một âm vang đứt đoạn.

Nếu xem thật kỹ tranh của Lê Thiết Cương, ta sẽ tìm ra được phần nào câu hỏi đó. Tranh của anh mang một tinh thần lạ lùng, nó là hoà trộn giữa tính chắt lọc của ký ức, sự kiệm lời của thiền sư và cái tối giản của con người văn minh. Như chính họa sĩ quan niệm, đó là sự giản lược đến tối thiểu. Trong không gian của anh, những đoá sen bắt đầu nở lại, những trò chơi dân gian được chơi lại. Thế giới trong tranh Lê Thiết Cương luôn luôn chỉ là những trích đoạn, nhưng là trích đoạn hoàn hảo bởi vì đối tượng được diễn tả chứa đựng toàn bộ lịch sử. Vì thế, con người trong tác phẩm của Lê Thiết Cương dù phần lớn là con người của khái niệm, nghĩa là vô danh, nhưng thực chất rất hữu danh nếu xét nó ở khía cạnh bản sắc.

Càng ngày, tranh của Lê Thiết Cương càng lộ rõ xu hướng hoà nhập giữa cái ngây thơ và sự quái đản để tiến tới một cái đích quan trọng là tính phi thời gian. Đây chính là diện mạo riêng của anh, được sự cân bằng hài hoà giữa cái hiện đại về màu sắc, bố cục, cách xử lý hình với ký ức văn hoá truyền thống.

(Theo Người Đẹp)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]