Liều mạng với “thuốc Bắc” bán rong

Sử dụng cò mồi, “nhìn mặt bắt bệnh”, quảng cáo thuốc đặc trị… là những chiêu trò mà các đối tượng đang bán “thuốc Bắc” dạo tại nhiều chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bán cho người qua đường với giá cắt cổ.

15.5953

Những người phụ nữ bán “thuốc Bắc” luôn bịt kín mặt

CôngThương - Dàn kịch kéo khách

Khoảng 9g sáng, tại khu bán hàng tự phát phía sau chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), một phụ nữ bịt kín mặt ngồi bày biện đủ thứ hạt khô, thân cây, rễ cây mà theo giới thiệu là “thảo dược thuốc Bắc”. Các loại thuốc để trong bao bóng, không dán tên thuốc, công dụng, nơi sản xuất. Từng nhóm người túm lại xem và hỏi công dụng trị bệnh của từng loại thảo dược thì được giải thích cặn kẽ loại nào giúp ăn ngon, ngủ sâu, loại nào chữa bệnh trĩ, nhức xương… Song cũng có loại chữa được… bách bệnh.
 
Thấy khách có vẻ tin, họ mời mua với giá trên trời từ 300 đến 500.000đồng/kg cho mỗi loại. Khi có khách tới xem, một lúc sau liền có 2, 3 người phụ nữ bịt mặt trong vai người đi chợ về, hoặc vừa mua thuốc xong kéo khách lại và khuyên: “Mua đi, thuốc ni dễ chi gặp. Bữa trước mua về uống, bệnh khỏi liền, giờ lên mua tiếp để dành”.
 
Tương tự, ở chợ mới trên đường Lê Đình Thám (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu), gian hàng “thuốc Bắc” của một phụ nữ khoảng 50 tuổi trong bộ áo quần dân tộc bày la liệt đủ thứ. Sau đó có khoảng 3,4 phụ nữ cũng “vô tình” gặp rồi kẻ tung người hứng cho hàng “thuốc Bắc”, rủ rê những người khác mua.
 
Chị Nguyễn Thị Tuyết (đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) kể: “Lần nào ngang qua chỗ bán thuốc này cũng được mấy bà kì kèo lại mua, thuyết phục lần sau y như lần trước nên tôi sinh nghi, vả lại đâu có gì đảm bảo mà mua”.
 
Theo ông Phạm Quang Việt, Ban quản lý chợ Hòa Khánh thì những đối tượng bán thuốc trên thường giả vờ là người Miên, Chăm, hoặc người dân tộc mang thuốc từ trên núi xuống bán. Cứ những đợt giao mùa dễ xảy ra các dịch bệnh thì họ xuất hiện, Ban quản lý chợ đã yêu cầu họ không được tới bán và thông báo trên loa để người dân đề phòng.
 
Mất tiền, rước thêm nguy hiểm
 
Mập mờ về nguồn gốc, công dụng của từng loại thuốc nhưng cũng không ít người mua. Sau khi quảng cáo hạt “hạ hỏa” - loại hạt nhỏ như hạt tiêu, màu vàng cháy, nhóm người phụ nữ trên đã thuyết phục được một phụ nữ mua 1kg, với giá “ưu đãi” mở hàng là 250.000 đồng.
 
Được mời gọi nhiệt tình, Giang (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) đã mua gần 100.000 đồng rễ cây bách bộ về dùng thử để…thoát khí nóng trong người, da mặt hồng hào và ăn ngon. Giang kể: “Theo hướng dẫn của bà ấy (người bán) thì về rửa sạch rồi nấu sôi để nguội đem ra uống, nhưng thấy mùi vị khó chịu nên tôi lên mạng tìm hiểu, ai ngờ rễ cây này phải phơi khô rồi mới sắc uống chứ không uống tươi, dùng để trị ho, chữa giun sán. May mà rễ cây này lành tính, chứ uống bậy bạ chết lúc nào chẳng hay”.
 
Nhiều khách bị “dọa” là uống không đủ liều thì một thời gian bệnh tái phát nên dốc hết tiền túi ra mua đến vài kg, giá cả triệu đồng. Ngoài những tên gọi thuốc bắc quen thuộc, nhóm người này còn giới thiệu thêm các loại khác như “củ tiên” chữa bệnh trĩ giá 300.000 đồng/kg, thân cây “nhuận tràng” tốt cho dạ dày giá 400.000 đồng/kg.
 
Nghe giới thiệu hết mà vẫn không có thuốc trị bệnh của mình, một vị khách mua hỏi thì được “lang băm” bốc ngay nắm thuốc vừa quảng cáo đặc trị các bệnh khác và bảo: “Thứ này trị được nhiều bệnh lắm, cứ mua nhiều, uống cho qua Tết là dứt liền”.
 

Theo lương y Trần Hữu Nam - Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Đà Nẵng, muốn bốc thuốc phải qua khám bệnh kĩ càng, không thể “nhìn mặt bắt bệnh” rồi bán thuốc cho người khác. Việc uống thuốc không rõ nguồn gốc, công dụng của nó có thể gây nguy hiểm tới tính mạng bất cứ lúc nào. Tốt nhất nên tìm mua tại những nhà thuốc được cấp phép, có uy tín.

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]