Liều thuốc cho 'bệnh' lạm phát chưa phù hợp

Hàng loạt chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong vòng một tuần qua như phát hành tín phiếu bắt buộc, xiết chặt tín dụng, giới hạn trần lãi suất... được các chuyên gia kinh tế đánh giá chưa đủ liều chữa 'bệnh' lạm phát hiện nay.> /

0

Chiều 26/2, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại giới hạn mức lãi suất tiền gửi không quá 12% một năm.

Biện pháp này đưa ra để hạn chế tình trạng các ngân hàng giành giật khách của nhau trong tình thế thiếu vốn huy động, chạy đua tăng lãi suất khiến người dân đổ xô nhau rút tiền từ nhà băng có lãi thấp chuyển sang ngân hàng trả lãi suất cao hơn, gây bất ổn thị trường.

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đã có cuộc họp với đại diện các nhà băng để thông báo quy định mới.  

Trao đổi với VnExpress, một chuyên gia kinh tế là giảng viên Fulbright tại TP HCM nhận định, các chính sách hiện nay của Ngân hàng Nhà nước nhằm kiềm chế lạm phát thực chất là những biện pháp hành chính.

Ông cho rằng, theo thông lệ tài chính quốc tế, các giải pháp truyền thống nhằm ứng cứu thị trường tiền tệ biến động thường được áp dụng là dùng lãi suất, lãi suất chiết khấu... Ở Việt Nam, việc ngân hàng trung ương buộc các nhà băng thương mại mua tín phiếu bắt buộc với thời hạn một năm; hay không được huy động vốn với lãi suất quá 12% một năm, đều không giải quyết gốc lạm phát.

Thậm chí, theo ông, các biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong thời gian qua đã mang lại những hệ quả tiêu cực cho thị trường. Ví dụ khách hàng liên tục rút - gửi tiền tiết kiệm theo biến động lãi suất. Các nhà băng cũng cạnh tranh chạy đua nâng lãi suất một cách không lành mạnh, dẫn đến việc trung ương phải giới hạn trần lãi suất huy động.

"Các chính sách nhà băng rõ ràng chưa đầy đủ, liều lượng chưa phù hợp với căn bệnh tiền tệ, lạm phát hiện nay. Điều này đã gây sốc cho nền kinh tế vĩ mô, có thể nói đã làm chao đảo thị trường tài chính từ sau Tết đến nay", chuyên gia kinh tế này khẳng định.

Thị trường tài chính tiền tệ từ sau Tết đến nay đầy biến động với việc thiếu tiền đồng, lãi suất tiết kiệm tăng cao, chứng khoán giảm liên tục dưới 700 điểm... Ảnh: T.L.

Ông Đinh Sơn Hùng, chuyên gia của Viện Kinh tế TP HCM còn cho rằng, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm này chỉ mang tính tình thế. Tuy nhiên ông không phủ nhận yếu tố tích cực của nó trong việc chống lạm phát hiện nay.

Ông Hùng đề nghị ngân hàng trung ương nên giữ vị trí quan sát viên, xem các nhà băng huy động lãi suất như thế nào. "Nếu đến mức nguy cơ sẽ đổ vỡ các tổ chức tín dụng thì Ngân hàng Nhà nước khi ấy mới cần can thiệp", ông băn khoăn vì cho rằng ngân hàng trung ương đã vội tung chiêu áp quy định trần lãi suất tiết kiệm 12% một năm. Theo ông Hùng, nếu nhà nước áp đặt cho các ngân hàng mức lãi suất cao nhất không quá 12% một năm, sẽ không thu hút được lượng tiền lưu thông trên thị trường. Đến lúc nào đó lạm phát sẽ gia tăng hơn.

Với quan điểm ngược lại, chuyên gia kinh tế Trần Tô Tử đồng ý với những chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát. Song ông lại không ủng hộ việc đưa ra và áp dụng cách "cưỡng chế" này chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Ông nói: "Phải trải quy định ra các thời điểm khác nhau để thị trường không bị "dập" một cách đột ngột".

Ở vị trí là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Hồ Hữu Hạnh tin tưởng vào những biện pháp nhằm bình ổn thị trường tiền tệ đang được áp dụng. Ông cho rằng, cả một giai đoạn chiến lược đã được ngân hàng trung ương vạch ra nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát. Hiện tại quá trình "kéo chân" giá cả, tiền tệ vẫn đang ở giai đoạn đầu, khoảng 3 tháng nữa mới đánh giá được kết quả.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước tạo TP HCM phân tích, nguyên nhân của tình trạng "nóng", "thủng" thị trường tiền tệ hiện nay đã bắt đầu từ 3-4 năm trước. Bội chi ngân sách, đầu tư kém hiệu quả... đã xảy ra thời gian qua. Mỗi năm các chuyên gia ngành đều có khuyến cáo nhưng các nhà làm chính sách lại vô tâm bỏ qua. "Tích tiểu thành đại, kết quả là thị trường tiền tệ có quá nhiều sức ép như hiện nay. Do vậy, phải áp dụng các liều thuốc đắng, mạnh cho thị trường tiền tệ", ông Hạnh nhận xét. Trần giới hạn lãi suất, buộc nhà băng thương mại mua tín phiếu thời hạn một năm... là các liều thuốc "dã tật" ấy, theo ông Hạnh.

Việc tăng giá xăng lên 1.500 đồng và dầu vượt 3.700 đồng vừa qua được nhìn nhận như "đổ dầu vào cơn lửa lạm phát", có thể tác động trở lại những nỗ lực kiềm chế đang tiến hành.

Ông Hùng nêu quan điểm Nhà nước không nên bù lỗ giá xăng dầu mãi, phải để cho người dân quen với giá thị trường. Còn chuyên gia kinh tế Trần Tô Tử cho rằng, xăng dầu có thể tăng giá nhưng chỉ nên "tiệm tiến" từng bước một, tránh cơn chấn động cho nền kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng nhiệm vụ trước tiên của nền kinh tế là chống lạm phát, nay lại tăng giá xăng chẳng khác nào đẩy lạm phát lên cao.

Bạch Hường

 

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]