Loạn sách dành cho thiếu nhi

VOV.VN - Chưa bao giờ, sách cho thiếu nhi lại nhiều và đa dạng như hiện nay, với màu sắc rực rỡ, thể loại phong phú, đủ kích cỡ và hình dáng trẻ em thích thú.

0

“Hình thức bắt mắt, chất lượng in không chê vào đâu được, màu sắc tươi sáng, hình ảnh rõ nét, giấy dày - trắng - bóng, chữ vừa phải – dễ đọc”…đó là nhận xét của chị Hoàng Kim Anh, một phụ huynh ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh khi vừa nói vừa chỉ xấp truyện tranh cô con gái 5 tuổi đang cầm trên tay.

Thế nhưng, khi hỏi chị nội dung của cuốn sách viết gì? Chị lại ngần ngừ rồi thừa nhận, chị không có nhiều thời gian để đọc hết nội dung của tập truyện tranh đó, chỉ xem qua và thấy con gái thích thì chị mua.

“Thỉnh thoảng dẫn con đi nhà sách, chọn mấy truyên tranh, truyện cổ tích cho bé, bé lựa cuốn nào thì tôi mua cho bé cuốn đó, cũng không có nhiều thời gian để xem coi trong cuốn đó như thế nào. Về mặt hình ảnh chỉ coi lướt qua, nhưng có nhiều truyện tôi mua về thính thoảng cũng có những cuốn nội dung và hình ảnh không hay lắm và mang tính phản cảm”, chị Kim Anh nói.

Ảnh minh họa

Không khó gặp những trường hợp như chị Kim Anh, khi trên kệ sách của các nhà sách, như: Thăng Long, Nhân Văn, Nguyễn Văn Cừ, Minh Khai, Phương Nam, Fahasa...tràn ngập sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi.

Sách phổ thông có, sách truyện có, sách tham khảo có, sách trong nước, sách dịch từ các tác phẩm nước ngoài cũng có. Độc giả như lạc vào mê hồn trận khi tìm hiểu nội dung, xuất xứ của các loại sách này. Nếu chỉ lướt qua, độc giả rất dễ bị cuốn hút bởi hình thức nhưng nội dung bên trong khiến những người làm trong ngành giáo dục không khỏi giật mình.

Cô Hoàng Thị Phượng, giáo viên trường tiểu học Bùi Văn Mới, phường Phước Long B, quận 9 nhận xét: “Bên trong câu chuyện giải trí cho học sinh cười nhưng nội dung của nó có một số cái không phù hợp mang tính giáo dục chưa cao, vẽ tranh còn mang tính bạo lực rất nhiều. Có những hình ảnh con nít xem vào sẽ ảnh hưởng tâm lý của trẻ hoặc nhiễm vào đầu những hành động không tốt trong sách.”

Điều đáng buồn là những tác phẩm gọi là có vấn đề về ngôn ngữ, hình ảnh xuất hiện ngày càng nhiều. Phần lớn những ấn phẩm này được dịch từ sách nước ngoài và được xuất bản bởi những nhà xuất bản liên kết. Theo giới chuyên môn, nguyên nhân chính là do khâu biên dịch, biên tập được các nhà sách thực hiện chưa nghiêm túc.

Để tránh những lỗi này, các nhà xuất bản phải làm kỹ càng khâu duyệt nội dung. Tuy nhiên, hiện nay không thiếu các sách lẫn nhà nhà xuất bản vì chạy theo lợi nhuận đã không quan tâm đầu tư đội ngũ này. Bên cạnh đó, các ấn phẩm dành cho trẻ em được một số nhà sách sao chép, chắp vá, thậm chí cố sáng tạo ra thêm thắt một số chi tiết cho khác bản chính của các nhà xuất bản có uy tín để tránh vi phạm bản quyền.

Do vậy, có nhiều tác phẩm ngó qua tưởng dành cho tuổi nhỏ nhưng nội dung thì lại hoàn toàn không dành cho lứa tuổi này. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, trẻ em là một độ tuổi rất nhạy cảm, việc trẻ em tiếp xúc với những loại sản phẩm khác nhau về mặt văn hóa sẽ để lại những tác động mạnh mẽ về mặt tâm lý của trẻ.

Sách không chỉ đem lại kiến thức mà còn góp phần quan trọng trong việc định hướng thẩm mỹ, hình thành giá trị sống và kỹ năng sống. Việc chúng ta không chọn lựa những loại sách phù hợp sẽ để lại những dấu ấn rất tiêu cực trong đời sống tâm lý của trẻ.

Chẳng hạn, trẻ sẽ nhận thức sai lệnh về chuẩn thẩm mỹ, về những giá trị đạo đức, giá trị sống. Sự lệch pha về ngôn ngữ mà trẻ em có thể hoàn toàn bắt chước những trang sách. Hơn nữa, khi tiếp xúc với những quyển sách không phù hợp với độ tuổi trẻ em có nguy cơ già trước tuổi hay bị gọi là “bị đánh cắp tuổi thơ”.

Do vậy, để giúp phụ huynh có thêm kinh nghiệm khi chọn sách cho trẻ, Phó giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Một vài tiêu chí cụ thể như: loại sách phải phù hợp với đặc điểm tâm lý, đảm bảo tính chất truyền thống, hướng tới hình thành giá trị, đem đến cho trẻ bài học nhất định dù có mang tính giải trí đi chăng nữa. Loại sách ấy không được ảnh hưởng xấu đến nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh, cũng như quan hệ của trẻ với gia đình và đặc biệt là những hình ảnh phải phù hợp với sự mong đợi của đứa trẻ.”

Sách là người thầy thứ ba của con sau cha mẹ và thầy cô ở trường. Thế nhưng, giữa “ma trận” sách thiếu nhi như hiện nay, bên cạnh việc xây dựng, khuyến khích thói quen đọc sách và đam mê đọc sách của trẻ thì việc lựa chọn sách có nội dung phù hợp với trẻ là vấn đề phụ huynh cần quan tâm hàng đầu để  sách hay thật sự là người thầy nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]