Loay hoay mãi với “bệnh lạ”

Địa phương nóng lòng cung cấp nước sạch cho dân nhưng phải chờ Bộ Y tế xác định nguyên nhân gây “bệnh lạ” có phải do nước suối, nước ngầm nhiễm độc hay không. Việc di dời dân cũng phải chờ bộ tuyên bố có “bó tay” với bệnh này hay chưa…

0

Trong hai ngày 13 và 14-6, một đoàn công tác của Bộ Y tế do TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, dẫn đầu đã về thị sát vùng tâm điểm “bệnh lạ” Ba Điền ở huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi.

Khao khát nước sạch

Hàng trăm hộ dân Ba Điền vui mừng ra mặt khi nghe phong thanh lần này, đoàn công tác của Bộ Y tế về sẽ giải quyết vấn đề nước sạch cho họ sử dụng. Tuy nhiên, người dân Ba Điền lại một phen thất vọng khi đoàn rút đi mà họ vẫn phải dùng nguồn nước ngầm và nước suối từ núi cao đổ về. Trước đó, trong hội thảo về “bệnh lạ” ở Ba Điền do Bộ Y tế tổ chức tại Đà Nẵng, các ý kiến đều nghiêng về khả năng nguồn nước này bị nhiễm asen và dioxin.


Người dân Ba Điền phải dùng nguồn nước suối, nước ngầm bị nghi nhiễm độc
Già làng Phạm Văn Đang, ngụ thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, rầu rĩ: “Nghe nói sắp được dùng nước sạch, bà con ai cũng háo hức vì hy vọng sẽ ngăn được “bệnh lạ”. Đoàn nào về cũng bảo nên cung cấp nước sạch cho dân, thế mà đến giờ, bà con vẫn phải dùng nước suối. Thôi thì con ma nó bắt ai thì người đó chịu!”.

Theo TS Nguyễn Quốc Anh, người nào đã được các cơ sở y tế chữa trị và được cho là bớt bệnh, nếu ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng thì “bệnh lạ” không tái phát. “Dù được chữa khỏi nhưng ăn uống thiếu chất dinh dưỡng hay môi trường xung quanh ô nhiễm thì bệnh cũng dễ tái phát hơn. Nguồn nước nghi có độc tố asen và dioxin cũng nên thay bằng nước sạch bảo đảm vệ sinh” - TS Quốc Anh đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Thuộc, Giám đốc Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường Quảng Ngãi, cũng cho biết qua khảo sát đã xác định nguồn nước người dân Ba Điền sử dụng không hợp vệ sinh, không bảo đảm cho sức khỏe và nên có phương án thay thế. “Chúng tôi rất muốn cung cấp nước sạch cho dân nhưng phải chờ kết luận cuối cùng của Bộ Y tế xác định xem nguồn nước suối có phải là nguyên nhân gây “bệnh lạ” hay không thì mới đầu tư xây dựng được” - ông Thuộc nói.

Theo ông Thuộc, trung tâm đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi phương án giải quyết nước sạch khẩn cấp cho dân vùng “bệnh lạ” và được đồng ý cung cấp bình lọc nước cho bà con. “Đây chỉ là giải pháp tình thế. Thật ra, bình lọc nước không thể lọc được asen” - ông Thuộc băn khoăn.

Di dời dân: Giải pháp cuối cùng

Ngành y tế Quảng Ngãi đang căng sức chữa trị cho người dân bị “bệnh lạ” nhưng vẫn chưa có dấu hiệu gì tích cực. Ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Ba Điền, rầu rĩ: “Ngành y tế nên quyết đoán, nếu không tìm ra được nguyên nhân thì mời các tổ chức nước ngoài vào. Dân chết nhiều lắm rồi. Tôi là chủ tịch xã, nhìn bà con như vậy xót lắm”. Ông Phạm Văn Néo, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho rằng chừng nào Bộ Y tế vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây ra “bệnh lạ” thì người dân địa phương vẫn còn hoang mang, lo sợ.  

Theo ông Néo, việc di dời dân vùng “bệnh lạ” đi nơi khác như một số ý kiến đề xuất gần đây là rất khó. “Cả ngàn người chứ đâu phải vài người, đâu phải là chuyện bê tảng đá từ nơi này sang nơi khác? Di dời dân là cả một quá trình khó khăn, từ bảo đảm an sinh sau di dời, cấp đất tái định cư và sản xuất, đến duy trì tập tục sinh hoạt…” - ông Néo trăn trở.

Ông Néo cho rằng việc di dời dân vùng “bệnh lạ” chỉ là tình thế cuối cùng. “Tuy nhiên, một khi ngành y tế “bó tay” với “bệnh lạ” thì phải di dời dân ngay. Khó mấy cũng phải di dời!” - ông Néo quả quyết.

Mắc thêm “bệnh lạ” mới

Người dân mắc “bệnh lạ” ở Ba Tơ ngày càng tăng với hơn 250 trường hợp, trong đó 23 ca đã tử vong. Đồng thời, ở vùng dịch Ba Điền và các xã lân cận, người dân đang mắc thêm một chứng mới là đau ngực, khó thở, nôn ói mỗi khi ăn và tê cứng chân tay… Tuy nhiên, ngành y tế không xác nhận đây là “bệnh lạ” vì không có biểu hiện dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, dù xét nghiệm lâm sàng những ca bệnh mới cho thấy men gan đều tăng.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]