Lợi hại và phân loại viêm theo giải phẫu bệnh

0

Lợi hại viêm

Quá trình viêm thường tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể như: (i) khu trú và tách biệt vùng tổn thương, nhờ vậy bảo vệ các mô lành kế cận (ii) hình thành nhiều yếu tố dịch thể, enzym v.v.. để trung hòa hủy diệt các tác nhân gây bệnh chống lại tình trạng nhiễm khuẩn (iii) chuẩn bị môi trường để tái tạo, sửa chữa, hàn gắn tổn thương.

Quá trình viêm cũng có thể gây nhiều nguy hại cho cơ thể như: (i) tạo ra nhiều triệu chứng (như sưng, nóng, đỏ, đau v.v..) (ii) hủy hoại mô, có thể làm rách vỡ tạng (viêm mủ hoại tử ruột thừa, áp xe gan v.v..), gây lỗ dò ... để lại nhiều di chứng (viêm khớp, viêm não). (iii) tạo hậu quả xấu do sửa chữa hóa xơ quá mức (sẹo lồi, cứng khớp, dính màng tim, màng phổi...).

Phân loại viêm

Phân loại viêm theo đặc điểm mô tế bào

Dựa vào những đặc điểm mô và tế bào của các giai đoạn viêm, có thể phân loạii viêm như sau:

Viêm xuất dịch

Do hiện tượng xuất dịch (phù viêm) tại (i) mô liên kết: phù thanh quản cấp, phù Quincke. (ii) khoang thanh mạc: tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn dịch bao khớp. (iii) niêm mạc: thường kèm tăng chế tiết nhầy của các tuyến niêm mạc (viêm long đường hô hấp trên, họng mũi, viêm long ruột non, ruột già...).

Viêm sung huyết

Do giãn mạch tạm thời (động và tĩnh mạch), có thể biểu hiện dưới dạng hồng ban do nắng, ngoại ban (exanthema), tổn thương do nhiễm khuẩn.

Viêm chảy máu

Do hồng cầu thoát mạch và tràn ngập mô liên kết. Nguyên nhân do (i) độc tố vi khuẩn, virut, rối loạn thần kinh thực vật gây tổn thương nội mô. Thí dụ : chảy máu ở da, niêm mạc, tạng, viêm cầu thận chảy máu, viêm hốc phổi chảy máu (trong bệnh cúm), viêm chảy máu (trong bệnh sởi, đậu mùa, thủy đậu), purpura (do nhiễm khuẩn, do dị ứng), viêm ruột thừa cấp. (ii) huyết ứ tĩnh mạch, đặc biệt khi có kèm huyết khối, có thể gây nhồi huyết. Thí dụ: chảy máu niêm mạc trong viêm túi mật cấp.

Viêm tơ huyết

Gồm dịch xuất, huyết tương và tơ huyết. Ví dụ: (a) màng giả (trong bệnh bạch hầu) rất dai, dính ở niêm mạc họng thanh quản, khó bóc tách, gồm tơ huyết kèm hoại tử niêm mạc. (b) giai đoạn "gan hóa đỏ" (trong viêm phổi thùy cấp) : các hốc phổi chứa đầy hồng cầu và tơ huyết, tạo nên hình thái đại thể đỏ sẫm, rắn cứng và có vùng mờ đục trên phim X quang. (c) viêm tơ huyết trên các thanh mạc (viêm màng phổi, màng tim, tạo hình ảnh lưỡi mèo...), viêm tơ huyết bạch cầu (trong viêm phúc mạc khu trú quanh ruột thừa).

Viêm huyết khối

Do viêm vách mạch, viêm nội tâm mạc. Ví dụ: (i) viêm động mạch huyết khối do nhiễm khuẩn cấp (trong bệnh thương hàn). (ii) huyết khối tắc tĩnh mạch do nhiễm khuẩn máu (trong viêm tụy cấp, gây tắc tĩnh mạch, viêm xương chũm gây huyết khối tắc tĩnh mạch xoang bên) (iii) viêm nội tâm mạc loét sùi.

Viêm mủ

Do ứ đọng bạch cầu nhân múi hoại tử và giải phóng nhiều enzym hủy hoại tế bào và mô liên kết vùng viêm. Ví dụ: viêm mủ màng phổi, viêm mủ ruột thừa...

Viêm loét

Tổn thương mất chất do mô hoại tử bong rời có thể tạo nên vết loét, thường xảy ra ở niêm mạc miệng, dạ dày, ruột, đường sinh dục, tiết niệu hoặc ở da chi dưới của những người bệnh có rối loạn vận mạch. Hình thái vi thể bao gồm thượng mô bề mặt bị mất chất kèm thấm nhập bạch cầu nhân múi, rãn mạch rồi sau đó là tăng sản nguyên sợi bào, với nhiều limphô bào, đại thực bào, tương bào và mô sợi hóa sẹo.

Viêm hoại thư

Có hoại tử mô nhưng ít thấm nhập bạch cầu nhân múi. Ví dụ: (a) viêm hoại thư do vi khuẩn yếm khí, do tụ cầu vàng (mụn mủ hoại tử bao lông), viêm ruột hoại tử do tụ cầu, vi khuẩn perfingens. (b) bệnh thương hàn có hoại tử mảng Peyer vùng hồi tràng gây loét chảy máu và có thể thủng ruột. (c) viêm hoại tử niêm mạc (trong bệnh bạch huyết cấp và bệnh vô bạch cầu).

Phân loại viêm theo thể lâm sàng

Viêm cấp

Quá trình viêm kéo dài vài ngày, ít tuần, gồm nhiều phản ứng huyết quản - huyết chiếm ưu thế kèm thấm nhập nhiều bạch cầu nhân múi. Ví dụ: viêm ruột thừa cấp, viêm phổi thùy.

Viêm cấp có thể tiến triển theo 4 hướng sau:

(a) hồi phục hoàn toàn, khi tác nhân gây viêm bị loại bỏ, vùng tổn thương được tái tạo bình thường như trước

(b) sửa chữa nhờ mô liên kết thay thế vùng thương tổn, khi có hủy hoại nhiều mô chủ, không thể tái tạo mô hòan chỉnh, vì vậy mô liên kết phát triển, dần dần trở thành mô và tạo sẹo.

(c) hình thành ổ áp xe, khi có nhiễm khuẩn tạo mủ, thí dụ : nhiễm khuẩn ở phổi có thể bắt đầu bằng một viêm cấp (phế viêm) rồi do nhiều yếu tố tác động, sẽ dẫn đến hủy hoại mô lan rộng, tạo thành ổ mủ (áp xe) ở phổi

(d) chuyển thành viêm mãn, khi tác nhân gây bệnh hiện diện lâu dài, gây trở ngại khó khăn cho việc hàn gắn sửa chữa.

Viêm bán cấp

Quá trình viêm kéo dài nhiều tuần, vài tháng, gồm phản ứng mô kèm sự hiện diện mô hạt viêm. Thí dụ: viêm loét da.

Viêm mãn

Quá trình viêm kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, gồm phản ứng hàn gắn sửa chữa (không tái tạo mô) kèm tăng sản hóa sợi, hóa xơ. Thí dụ:

(a) nhiễm khuẩn lâu năm : do trực khuẩn Koch (gây lao phổi xơ), vi khuẩn Treponema pallidum (gây gôm giang mai), nấm v.v.. các tác nhân đó có độc tính thấp, thường tạo phản ứng quá mẫn chậm, gây tổn thương dạng nang (vài tác giả gọi tên không đúng là dạng hạt).

(b) nhiễm chất độc (nội tạo hoặc ngoại taọ), Thí dụ như: (i) bệnh silicosis phổi do hít thở nhiễm silica gây viêm mãn (ii) tăng cao thành phần lipid huyết tương nhiều năm tháng có thể gây xơ vữa động mạch (iii) xơ gan do nghiện rượu.

(c) các phản ứng miễn nhiễm chống lại mô của chủ thể tạo nên những bệnh tự miễn (các tự kháng nguyên gây ra nhiều phản ứng liên tiếp) như: viêm khớp dạng thấp, luput hồng ban (iii) hủy hoại mô đòi hỏi sửa chữa nhờ mô liên kết để tạo mô sợi và hóa sẹo (như xơ gan sau viêm gan virut mãn).

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]