Lợi ích kép từ du lịch học đường

KTĐT - Trong Tháng Thanh niên 2016, các hãng lữ hành ồ ạt áp dụng nhiều chính sách giá đặc biệt dành cho các trường học, sinh viên, học sinh (HS)… khi đăng ký tour du lịch học đường.

15.5478
Phải nói rằng, loại hình du lịch đang nở rộ này không chỉ trang bị kiến thức cho người trẻ, mà còn đem lại doanh thu cho DN du lịch. 
Chơi mà học
Với mong muốn góp phần vào sự phát triển toàn diện của trẻ, hầu hết các trường phổ thông ở Hà Nội đã liên kết với các điểm đến văn hóa, lịch sử, trang trại học đường, các hãng lữ hành để tổ chức những buổi dã ngoại, giờ học ngoại khóa. Chương trình này mang tới những trải nghiệm thực tế về văn hóa, lịch sử, nông nghiệp, các nghề truyền thống…, từ đó góp phần hoàn thiện những kỹ năng cơ bản của trẻ.
Tiên phong trong triển khai loại hình du lịch này có thể kể đến Công ty My Tour. Có ý tưởng và "khởi động" từ năm 2006, ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc Công ty cho biết: “Mỗi năm, My Tour luôn xây dựng một chủ đề theo từng cấp học để đảm bảo phục vụ tốt nhất, đồng thời mở rộng tour, xây dựng sản phẩm theo ý tưởng của khách hàng. Dịp 26/3 năm nay, chúng tôi triển khai thêm các hoạt động ngoại khóa là các trò chơi dân gian với mức giá ưu đãi và nhiều quà tặng cho khách hàng”. Còn tại Nguyễn Gia Travel, nhân Tháng Thanh niên, đã thiết kế hàng chục tour du lịch học đường, chi phí từ 140.000 – 400.000 đồng/người. Chuyến đi kéo dài một ngày, lồng ghép giữa tham quan, tìm hiểu thông tin, kiến thức ở các điểm đến với nội dung chương trình học ở trường. Đặc biệt, HS còn được tham gia nhiều trò chơi, giúp rèn luyện kỹ năng sống, phương pháp làm việc nhóm, kích thích tính chủ động, tự giác tìm tòi kiến thức tự nhiên và xã hội. Theo chia sẻ từ các hãng lữ hành, hút khách nhất phải kể đến các tour: Lăng Bác - Bảo tàng Quân đội - Hoàng thành Thăng Long; Trang trại giáo dục Era House; Lăng Bác - Thủy cung Times City; Lăng Bác - Bảo tàng Dân tộc học - Công viên Thủ Lệ; Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam - Thành Cổ; Khu di tích K9 - Ao Vua…
Cẩn trọng khi chọn tour
Sau khi trải nghiệm tại trang trại Đồng quê (huyện Ba Vì), Nguyễn Tú Linh - HS trường THCS Marie Curie chia sẻ: “Em rất thích được cấy lúa, bắt cá và xem nhà tranh vách đất. Qua đó, em thấy được sự vất vả của các bác nông dân. Em cảm thấy trân trọng hơn hạt gạo và các loại lương thực, thực phẩm mình ăn hàng ngày”. Còn cô Thanh Hương - trường THCS Yên Hòa (Cầu Giấy) cho rằng: “Ở lứa tuổi 11 - 15, mỗi chuyến dã ngoại mang ý nghĩa rất lớn bởi các em có thể tự lập, đồng thời hiểu biết thêm các kiến thức xã hội. Nhờ những hoạt động tập thể, các em còn bộc lộ được năng khiếu và tăng cường tình đoàn kết”.
Tuy nhiên, mỗi tour du lịch có đến hàng trăm HS tham gia, việc tổ chức để vừa bổ ích, lý thú, vừa đảm bảo an toàn không đơn giản. Thế nên, nhà trường, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn điểm đến cũng như hãng lữ hành. Giám đốc Công ty du lịch Cá hóa rồng chia sẻ kinh nghiệm: Nhà trường nên đến tận trụ sở công ty du lịch muốn liên kết để có cái nhìn tổng quan về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên của công ty. Trước khi ký hợp đồng, phải kiểm tra giấy phép, thậm chí cả thành tích của hãng này trên thương trường. Cuối cùng, kiểm tra kỹ lịch trình tour cụ thể như: Thời gian đi và về, những điểm tham quan cụ thể, di chuyển bằng xe gì, ăn, nghỉ mấy bữa, tiêu chuẩn từng bữa ăn…, nhất là phải có bảo hiểm du lịch. Bản thân những tour du lịch học đường đã có giá rẻ, nên các "thượng đế" cần cảnh giác với tour "giá rẻ giật mình" nhằm tránh vướng cảnh “treo đầu dê, bán thịt chó”.
 “Lợi ích kép” từ du lịch học đường cho thấy đây là hình thức học ngoại khóa bổ ích, tích cực. Tuy nhiên, nhà trường, gia đình và công ty lữ hành cần phối hợp nhịp nhàng để HS, sinh viên có những chuyến đi thực sự ý nghĩa, an toàn, tránh tổ chức theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]