Lợi ích từ mô hình điều trị 2.0

SKĐS - Điện Biên là một tỉnh miền núi, đi lại khó khăn... và đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS của người bệnh.

0

Điện Biên là một tỉnh miền núi, đi lại khó khăn... và đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS của người bệnh. Từ năm 2011, với việc triển khai thí điểm mô hình điều trị 2.0 đã tạo điều kiện thuận lợi và kéo gần người dân hơn đến với các dịch vụ điều trị này.

Điểm nóng về HIV/AIDS

Báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, Điện Biên là tỉnh trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS. Dịch HIV/AIDS trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng nghèo đói, thất nghiệp, tăng số trẻ em mồ côi, làm suy giảm chất lượng dân số của tỉnh Điện Biên. Đây cũng là tỉnh hiện dẫn đầu cả nước về tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS/100.000 dân. Hiện, 100% huyện, thị, thành phố, 107/130 xã, phường trong tỉnh đã có người nhiễm HIV/AIDS...

Lấy máu xét nghiệm HIV tại trạm y tế xã tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại cho người dân.

Ông Hoàng Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên chia sẻ, nhức nhối nhất ở đây vẫn là tình trạng mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy. Vì thế, người nghiện chích ma túy ngày càng gia tăng và tiêm chích ma túy vẫn là nguyên nhân chính làm lây nhiễm HIV/AIDS ở Điện Biên...

Triển khai mô hình điều trị 2.0

Từ năm 2011, tỉnh Điện Biên đã triển khai thí điểm mô hình điều trị 2.0 tại 12 trạm y tế thuộc huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng và TP.Điện Biên Phủ; triển khai toàn diện công tác phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con tại 22 xã của huyện Điện Biên.

Người nhiễm HIV có thể đến ký lĩnh thuốc điều trị ARV tại trạm y tế.

Ông Hoàng Xuân Chiến cho biết, với mô hình điều trị này sẽ phân cấp và lồng ghép dịch vụ HIV xuống y tế xã. Việc tư vấn xét nghiệm HIV và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS được thực hiện tại tuyến xã/phường, chẩn đoán sớm bằng 03 loại test nhanh, tối ưu hóa phác đồ điều trị (sử dụng thuốc TDF 1 viên/ngày), huy động sự tham gia của cộng đồng trong giới thiệu, chuyển tiếp khách hàng, giảm mất dấu và giảm chi phí. Kết quả, từ tháng 8/2011 đến tháng 10/2014 đã xét nghiệm sàng lọc cho 9.685  trường hợp (trong đó 950 trường hợp tiêm chích ma túy, 6.756 phụ nữ mang thai, còn lại là các đối tượng khác). Có 99 trường hợp dương tính với HIV (chiếm 1,02%).

Về chăm sóc điều trị, thực hiện theo nguyên tắc điều trị sớm bằng thuốc ARV, không căn cứ kết quả xét nghiệm tế bào CD4 và điều trị mở rộng để dự phòng, nên đến tháng 10/2014 đã triển khai được 32/40 xã thuộc các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông. Các phòng khám ngoại trú đã chuyển 314 bệnh nhân về tuyến xã để tiếp tục theo dõi, điều trị ARV. Bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, không mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Là một trong những người được tham gia chương trình điều trị 2.0, chị Lò Thị Hoa (32 tuổi) ở bản Đắng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng cho biết, nhờ các dịch vụ xét nghiệm, điều trị... chuyển về xã nên chị đi lại gần hơn trước rất nhiều, tiết kiệm được chi phí và thời gian. Ngoài ruộng vườn, đồng áng, chị còn kết hợp chăn nuôi gà, vịt, lợn, bò... Các khoản thu nhập từ việc tăng gia sản xuất đó không chỉ giúp cho mẹ con chị cải thiện cuộc sống, học hành mà họ còn cất được ngôi nhà sàn khang trang, bề thế... nằm ngay đầu bản. Sức khỏe được cải thiện nên hàng tuần chị còn cơm nắm đi bộ hàng chục cây số ra huyện để gặp gỡ, chia sẻ và giúp đỡ chị em cùng cảnh ngộ...

Nói về lợi ích của chương trình điều trị 2.0, ông Hoàng Xuân Chiến khẳng định: nhờ các dịch vụ triển khai đến gần dân nên giảm được các chi phí liên quan đến xét nghiệm HIV và điều trị cho bệnh nhân;  tăng cường xét nghiệm HIV cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao và phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, nhờ xét nghiệm HIV tại chỗ nên bệnh nhân nhận được kết quả nhanh hơn, được ĐT sớm, có số lượng tế bào CD4 cao hơn, hạn chế đến mức thấp nhất các nhiễm trùng cơ hội. Hệ thống y tế cơ sở trong phòng chống HIV/AIDS cũng được nâng cao năng lực, góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS...

   Thủy Xuân

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]