Lời khuyên cho người làm mẹ

Các bé không thể nhận thức được việc nào là đúng, việc nào là sai cho đến khi bé trên 2 tuổi và những thay đổi theo hướng tích cực sẽ xuất hiện khi bé lớn dần lên. Bạn có thể dễ dàng kiểm soát được sự phát triển của bé nếu như bạn biết cách cư xử đúng trong những hành động chưa đúng của bé.

0

Khi bé nghịch ngợm quá mức

Bất cứ khi nào có bạn đến chơi, bé 2 tuổi của bạn lại bắt đầu có những hành động khó có thể chấp nhận: huyênh hoang, đánh nhau hoặc tranh giành đồ chơi ầm ĩ.

- Lời khuyên: Trẻ con rất bốc đồng và dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ đang diễn ra xung quanh chúng. Chính vì thế bạn cần phải giữ bình tĩnh khi tách từng bé ra và nhắc nhở cả hai cần phải chơi chung. Bạn có thể hướng chúng vào những trò chơi khác như tô màu, vẽ tranh hoặc chơi ô chữ có hình minh họa. Để tránh tình trạng này lặp lại, trước khi khách đến hãy nhắc bé: "Sẽ không có việc cãi cọ hay đánh nhau với bạn trong ngày hôm nay. Nếu con để mẹ nhìn thấy, con sẽ không được chơi chung với bạn nữa". Nếu con bạn chấp hành nghiêm túc, đừng quên khen ngợi bé đúng lúc nhé!

Khi bé ăn nói không đúng

Bé bắt đầu nói trống không hoặc gọi anh (chị) là "ngu xuẩn", "dốt nát" - những từ mà bé nghe lén được trong những câu chuyện của người lớn.

- Lời khuyên: Thực tế là rất nhiều em ở trường mẫu giáo thường sử dụng những từ ngữ mang nội dung xấu vì chúng cho rằng đó là biểu hiện của sự độc lập, người lớn. Vì vậy cách ứng xử khôn ngoan nhất của bạn trong tình huống này là không được phản ứng quá mạnh mẽ. Nếu bạn phản ứng, con bạn sẽ nhận ra rằng những từ đó có một giá trị nhất định và bé sẽ sử dụng lại mỗi khi muốn thu hút sự chú ý. Bạn nên kiên nhẫn giải thích cho bé hiểu rằng đó là một việc không tốt cho dù, những người bạn của bé đều nói những ngôn từ này: "Con hãy nhớ lại lúc bạn gọi con là ngu ngốc, con đã tức giận, đúng không? Chị của con chắc chắn cũng cảm thấy như vậy khi bị con gọi bằng những từ thiếu tôn trọng". Sau đó, hãy nhẹ nhàng khuyên bảo bé phải xin lỗi anh (chị) vì những câu nói không đúng đó.

Khi bé không nghe lời

Bé đã biết rằng không được phép nghịch cái ấm pha trà của mẹ, nhưng vẫn lấy ra để chơi đồ hàng. Khi bạn hỏi thì bé giải thích rằng: "Bạn ấy nói sẽ không chơi với con nếu con không có đồ chơi đẹp".

- Lời khuyên: Khi 5 tuổi, bé đã nhận thức được những điều bạn dạy, những gì bé được phép làm và không được phép làm. Tuy nhiên, bạn bè trong giai đoạn này cũng thật quan trọng với bé. Ý nghĩ "Mình không được phép lấy cái ấm của mẹ" đã nhanh chóng bị lấn át bởi cảm xúc nhất thời "Mình muốn bạn ấy chơi với mình". Thay vì nổi cáu và phạt bé phải chơi một mình, bạn có thể nhắc nhở: "Cái ấm trà không phải đồ chơi của con nhưng con có thể sử dụng cái ấm nhựa này".

Khi bạn của bé đã về, bạn có thể phân tích cho bé thấy: "Bạn bè không phải là người chỉ huy của con" và "Con cũng không được tự ý làm trái với những gì mẹ đã dặn". Hãy dạy bé cách suy nghĩ thật cẩn thận trước khi hành động (Điều gì sẽ xảy ra? Nó có an toàn không? Liệu nó có gây rắc rối gì không?...) và nói cho bé biết cảm giác của bạn khi bé không vâng lời. Đừng quên hướng dẫn cho bé cách từ chối.

Khi bé nói dối

Bé làm vỡ cái lọ hoa nhưng sợ mẹ mắng nên không dám nói thật và đổ lỗi cho con miu. Khi má hỏi thì bé cứ nói dối vòng quanh nhưng nhất định không chịu nhận lỗi.

- Lời khuyên: Dù có biết chắc chắn là bé sơ ý làm vỡ lọ hoa thì bạn cũng đừng vội la mắng, quát tháo bé bởi nếu làm như thế bé sẽ cảm thấy sợ. Hãy nhẹ nhàng khuyên bảo bé và nói với bé rằng việc nói đúng sự thật là rất quan trọng. Nếu như bạn phản ứng quá dữ dội hay làm ngơ qua chuyện này thì đều khiến bé nhận thức không đúng về hành động của mình. Bạn đừng quên căn dặn bé khi làm việc gì hãy cẩn thận hơn vì những mảnh vỡ của lọ hoa rất có thể làm chảy máu tay (chân) của bé.

Theo Thị trường @ Tiêu dùng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]