Lời khuyên hay mẹ có con tự kỷ nên đọc

Để giúp cuộc sống của con trở nên dễ dàng hơn, cha mẹ hãy áp dụng các bí kíp dưới đây.

15.6019

Có rất nhiều điều cha mẹ có thể làm cho con mình để giúp trẻ vượt qua những khó khăn khi mắc chứng tự kỷ, nhưng có một điều cũng rất quan trọng là bạn phải có được những sự hỗ trợ mà bạn cần. Trong khi chăm sóc cho con, các bậc phụ huynh đừng quên quan tâm đến chính bản thân mình, đó không phải là một việc làm ích kỷ mà là một điều hết sức cần thiết. Vì chỉ khi bạn có 1 tâm lý vững vàng, bạn mới trở thành điểm tựa vững chắc nhất cho con mình. Sau đây sẽ là một vài lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ để giúp cuộc sống của con mình trở nên dễ dàng hơn.

Một vài hướng dẫn dành cho phụ huynh về cách điều trị và giúp đỡ trẻ tự kỷ

Nếu bạn nhận thấy ở con mình có biểu hiện của chứng rối loạn phổ tự kỷ, bạn có thể sẽ rất lo lắng và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Bố mẹ nào cũng chỉ muốn thấy con mình khỏe mạnh và hanh phúc, vì vậy, việc biết tin rằng con mình mắc bệnh tự kỷ thật sự là một điều đáng sợ với nhiều người. Nhiều bậc phụ huynh có thể lo lắng vì không biết phải làm gì hay sử dụng phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất. Hoặc nhiều người khi nghe thấy từ ai đó nói rằng tự kỷ là một chứng bệnh không thể chữa khỏi, là tình trạng cả đời, sẽ nghĩ rằng mình không thể làm gì để thay đổi điều đó.

Dù sự thật là tự kỷ không phải là một căn bệnh mà một người có thể chữa khỏi một cách đơn giản, vẫn có rất nhiều phương pháp điều trị có thể giúp trẻ tự kỷ học các kỹ năng mới và vượt qua những khó khăn trong quá trình phát triển. Nhu cầu đặc biệt của các em có thể được đáp ứng bằng các liệu pháp điều chỉnh hành vi tại nhà và các chương trình hỗ trợ tại trường học. Với kế hoạch điều trị đúng đắn, cùng với tình yêu thương và sự hỗ trợ từ cha mẹ, con của bạn có thể học hỏi, lớn lên và phát triển một cách nhanh hơn.

Đừng chờ đến khi có kết quả chẩn đoán

Khi thấy con mình có biểu hiện mắc bệnh tự kỷ hay các chứng chậm phát triển, điều mà cha mẹ cần làm là bắt đầu điều trị ngay lập tức. Tìm kiếm sự giúp đỡ ngay khi bạn nhận thấy có điều gì không ổn từ con mình và đừng chờ đợi xem liệu con bạn có tiến bộ và dần dần khỏi bệnh hay không. Thậm chí đừng nên chờ đợi cho đến khi có kết quả chẩn đoán chính thức mới bắt đầu điều trị. Trẻ mắc chứng tự kỷ càng được chữa trị sớm bao nhiêu thì cơ hội điều trị thành công càng lớn. Những biện pháp can thiệp sớm sẽ là cách hiệu quả nhất để tăng tốc độ phát triển của trẻ và giảm thiểu những ảnh hưởng do bệnh tự kỷ đem lại.

Có rất nhiều điều cha mẹ có thể làm cho con mình để giúp trẻ vượt qua những khó khăn khi mắc chứng tự kỷ. (Ảnh minh họa).

Một vài lời khuyên cho cha mẹ:

Tìm hiểu về bệnh tự kỷ: Bạn càng hiểu biết nhiều về chứng rối loạn phổ tự kỷ thì bạn sẽ càng có được những quyết định đúng đắn cho con mình. Vì thế, bạn nên tự tìm hiểu về những phương pháp điều trị, đặt ra những câu hỏi và tham gia vào tất cả quá trình điều trị.

Cha mẹ hãy là một chuyên gia về con mình: Bạn nên biết điều gì khiến con mình có những hành vi tiêu cực và điều gì có thể khuyến khích những phản ứng tích cực cực ở trẻ. Điều gì khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, khó chịu hay thoái mái và bình tĩnh? Nếu bạn biết rõ những thứ có khả năng tác động đến con mình, bạn sẽ biết cách xử lý các sự cố một cách tốt hơn và có thể tránh được các tình huống không mong muốn.

Chấp nhận con mình, với tất cả những điều khác biệt của trẻ: Thay vì tập trung vào những điểm khác biệt hay những điều mà con mình không có so với những đứa trẻ bình thường, hãy học cách chấp nhận những điều đó. Học cách làm quen với những điểm khác biệt của trẻ, trân trọng những thành công bé nhỏ mà trẻ đạt được và đừng nên so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Không điều gì có thể giúp trẻ hiệu quả hơn bằng việc chấp nhận và yêu thương con bạn vô điều kiện.

Đừng bao giờ từ bỏ: chúng ta không thể đoán được diễn biến của chứng rối loạn phổ tự kỷ ở một đứa trẻ. Đừng vội vàng kết luận về cuộc sống tương lai của con bạn. Giống như tất cả mọi người, những người mắc bệnh tự kỷ cũng có một quãng đường đời phía trước để lớn lên và phát triển những khả năng của họ.

Lời khuyên thứ nhất: tạo ra một môi trường an toàn và nhất quán

Tìm hiểu tất cả những gì có liên quan đến bệnh tự kỷ và luôn tham gia vào quá trình điều trị sẽ tạo ra những bước tiến để giúp con bạn. Thêm vào đó, những lời khuyên sau đây có thể giúp cuộc sống của bạn và của con mình trở nên dễ dàng hơn:

Luôn nhất quán trong cách dạy trẻ: trẻ mắc bệnh tự kỷ thường phải mất 1 thời gian dài để có thể thích nghi được với những gì chúng vừa được học khi bị chuyển từ một bối cảnh này (ví dụ như tại văn phòng của bác sỹ trị liệu hay tại trường học) sang một bối cảnh khác, kể cả ở nhà. Cụ thể là, chúng có thể sử dụng ngôn ngữ kí hiệu để giao tiếp khi ở trường, nhưng lại không nghĩ đến chuyện sẽ làm tương tự khi ở nhà. Vì vậy tạo ra một môi trường giống nhau cho trẻ sẽ là cách tốt nhất để củng cố những gì chúng học được. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể áp dụng những phương pháp mà bác sỹ trị liệu đã làm với trẻ và tiếp tục thực hiện những điều đó khi ở nhà. Hãy thử tìm hiểu tính khả thi của việc áp dụng một liệu pháp ở nhiều nơi khác nhau để khuyến khích trẻ phát huy những gì đã học được từ hoàn cảnh này sang một hoàn cảnh khác. Một điều quan trọng khác mà cha mẹ cần phải nhớ là nên nhất quán trong cách giao tiếp với trẻ hằng ngày cũng như trong cách bạn phản ứng trước những hành vi không bình thường của trẻ.

Cố định một thời gian biểu: Trẻ tự kỷ thường đạt kế quả tốt nhất khi làm theo một thời gian biểu cố định. Điều này liên quan đến sự nhất quán đã được nhắc đến ở trên. Vì vậy, cha mẹ nên tạo ra một thời gian biểu cho trẻ với các khung giờ không thay đổi cho các bữa ăn, giờ trị liệu, giờ học ở trường và giờ đi ngủ. Cần cố gắng giảm tối đa những sự thay đổi trong thời gian biểu. Nếu có những thay đổi bắt buộc không tránh được, hãy chuẩn bị tinh thần trước cho trẻ.

Tuyên dương những hành vi tốt: Củng cố dương tính (positive reinforcement) có thể mang lại những tiến bộ đối với trẻ tự kỷ, vì vậy cha mẹ nên cố gắng động viên để trẻ tiếp tục phát huy những điều tốt đã làm được. Hãy tuyên dương con khi chúng biết cách ứng xử hay học được 1 kĩ năng mới, và cha mẹ nên chỉ ra một cách cụ thể hành vi nào của chúng đang được khen. Bạn nên nghĩ ra những cách khác nhau để thưởng cho trẻ, ví dụ như tặng con 1 miếng dán hoạt hình hay cho con chơi đồ chơi trẻ thích.

Tạo ra một môi trường an toàn cho trẻ: Cha mẹ nên dành riêng ra một không gian riêng tư trong nhà để con bạn có thể thư giãn và cảm thấy an toàn. Bạn cần phải sắp xếp và tạo ra các ranh giới bằng những cách con bạn có thể hiểu được. Ví dụ như sử dụng đồ vật dễ nhận biết bằng các băng màu đánh dấu giới hạn không gian chơi, hay dán nhãn các đồ vật trong nhà bằng tranh ảnh. Bạn cũng có thể cần đến thiết bị bảo vệ cho nhà của mình, đặc biệt là nếu con của bạn dễ trở nên giận dữ, quấy khóc hoặc có những hành vi tự gây thương tích khác.

Lời khuyên thứ 2: Sử dụng những kênh phi ngôn ngữ để giao tiếp với trẻ

Kết nối với trẻ tự lỷ luôn là một vấn đề khó khăn nhưng cha mẹ không cần thiết phải nói chuyện mới có thể giao tiếp và tạo sự gắn bó với trẻ. Ngay cách bạn nhìn con mình, hay việc bạn vuốt ve đứa trẻ, hoặc trong chính giọng nói và việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể cũng là những cách giao tiếp. Và con bạn cũng đang giao tiếp với bạn dù bé thậm chí không nói một lời nào. Vì vậy, điều các bậc phụ huynh cần là học được thứ ngôn ngữ đặc biệt này.

Hãy chú ý đến những tín hiệu phi ngôn ngữ. Nếu bạn chịu khó quan sát, bạn sẽ nhận ra những tín hiệu phi ngôn ngữ mà trẻ tự kỷ thường dùng để giao tiếp. Hãy chú ý vào những âm thanh mà trẻ tạo ra, biểu hiện trên khuôn mặt và những cử chỉ mà con bạn thường làm khi đứa trẻ cảm thấy mệt, đói hay muốn đòi một thứ gì đó.

Nhận ra điều trẻ mong muốn đằng sau mỗi lần trẻ cáu giận. Khi không được quan tâm hay bị hiểu lầm, trẻ con thường cảm buồn và bực tức, và điều này cũng đúng với trẻ tự kỷ. Khi bạn thầy con mình tỏ ra cáu giận, có nghĩa là vì bạn đã không hiểu được những tín hiệu phi ngôn ngữ của trẻ. Vì thế, khi trẻ tỏ ra tức giận có nghĩa là trẻ đang muốn bộc lộ nỗi bực dọc của mình với bạn và cố gắng thu hút sự chú ý từ bạn.

Dành thời gian vui chơi nhiều hơn. Một đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ thì vẫn chỉ là một đứa trẻ. Đối với cả trẻ tự kỷ và các bậc cha mẹ, cuộc sống có nhiều thứ để quan tâm hơn là chỉ các buổi trị liệu. Các bậc phụ huynh nên sắp xếp thời gian chơi cho trẻ đặc biệt khi chúng tỉnh táo và nhanh nhẹn nhất. Cha mẹ nên tìm ra những cách để cùng chơi với con, mà có thể khiến trẻ thích thú, thoải mái và thoát khỏi sự rụt rè nhút nhát thường thấy. Trẻ tự kỷ thường cảm thấy thoải mái và háo hứng với các hoạt động không liên quan đến học hành hay trị liệu. Có rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho trẻ tự kỷ nếu chúng thật sự cảm thấy vui vẻ khi được chơi cùng bạn mà không bị áp lực về bất cứ điều gì. Các bậc phụ huynh nên nhớ rằng vui chơi chính là một phần quan trọng của việc học tập và vì vậy không nên tạo không khí quá nghiêm túc như đang làm việc.

Chú ý đến sự nhạy cảm về các giác quan của con bạn. Nhiều trẻ em mắc chứng tự kỷ thường rất nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, xúc giác, hương vị, và mùi. Một số trẻ tự kỷ khác lại gặp vấn đề phản xạ kém với các kích thích cảm giác. Cha mẹ nên tìm ra những hình ảnh, âm thanh, mùi vị, chuyển động, và xúc giác nào có thể gây ra phản ứng không tốt hoặc những hành vi gây rối của con bạn và những gì có thể tạo ra một phản ứng tích cực. Bạn cần nắm rõ những gì khiến con bạn cảm thấy căng thẳng, bình tĩnh, khó chịu, hay thoải mái. Nếu bạn hiểu được những gì thường ảnh hưởng đến con mình, bạn sẽ biết cách giải quyết tốt hơn các vấn đề, tránh được những tình huống khó xử và tạo ra những trải nghiệm tích cực hơn cho trẻ.
 
Theo Khám phá
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]