Lời khuyên khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh có tốc độ lây lan nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Những kiến thức bỏ túi dưới đây sẽ rất cần thiết để mẹ có thể đưa ra những quyết định nhanh chóng và sáng suốt khi bé yêu mắc bệnh

15.6033

Chỉ tính riêng trong năm 2015 đã có hơn 11.000 người ở TP.HCM mắc bệnh. Theo các chuyên gia, chu kỳ của bệnh là khoảng 4-5 năm/ lần và do virus dengue gây ra. Vì loại virus này có 4 dạng huyết thanh khác nhau và mỗi người chỉ có thể miễn dịch với dạng mình đã gặp nên về lý thuyết, chúng ta có thể mắc sốt xuất huyết đến 4 lần trong cuộc đời. Sốt xuất huyết ở trẻ em có thể được điều trị tại nhà nhưng bố mẹ cần luôn đề cao cảnh giác để có thể kịp thời đưa bé đến bệnh viện khi có dấu hiệu trở nặng.

Dưới đây là những lời khuyên hữu ích cho bố mẹ và những người lớn trong gia đình khi chăm sóc các bé bị sốt xuất huyết.

Nhận biết các dấu hiệu bệnh

Sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn đều được thể hiện bằng biểu hiện sốt cao, đột ngột và liên tục 2 – 7 ngày, khó hạ sốt, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu. Sau thời gian vài ngày, ở người bệnh sẽ thấy dấu hiệu phát ban, xuất huyết theo nhiều dạng khác nhau như chảy máu cam, đốm xuất huyết dưới da, nôn, đi tiêu ra máu…

Đa số các trường hợp sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu (chưa có biểu hiện xuất huyết) đều được điều trị tại nhà. Nhưng điều này không có nghĩa rằng biến chứng không xảy ra. Chính vì vậy, các bé cần được theo dõi sát sao để kịp thời xử trí trước những biến chứng.

Những bệnh nhi sốt xuất huyết cần được đưa đến bệnh viện để được khám và kê đơn thuốc thích hợp

Khi nào cần thử máu?

Trẻ có thể bị sốt bởi rất nhiều tác nhân, xét nghiệm máu sẽ giúp xác định chính xác nguyên nhân có phải là sốt xuất huyết hay không. Tuy nhiên, xét nghiệm máu chỉ có thể cho kết quả chính xác từ ngày thứ 3 bị sốt. Nhiều bệnh nhi phải trải qua xét nghiệm máu đến 2-3 lần, nguyên nhân có thể đến từ việc bố mẹ nhớ sai số ngày bị sốt của con, hoặc bác sĩ chỉ định để xác định các bệnh khác như nhiễm trùng và sốt rét…

Nếu kết quả cho thấy dung tích hồng cầu (Hct) tăng và lượng tiểu cầu giảm thì có thể kết luận là bé bị sốt xuất huyết.

7 lưu ý đặc biệt khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

– Khi nghi ngờ con bị sốt xuất huyết, cần đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, không tự điều trị tại nhà.

-Bé cần được nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Thức ăn nên ở dạng lỏng để bé dễ nuốt và không bị nôn ói. Nếu bé còn đang bú mẹ, cần tăng số lần cho bú. Sốt xuất huyết làm máu cô đặc, khó lưu thông nên bé cần được uống nhiều nước để tránh bị sốc, bởi tình trạng sốc chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người mắc bệnh.

-Bệnh thường diễn tiến trong 7 ngày, phần lớn tự khỏi, tỉ lệ biến chứng nặng chỉ từ 3%-5%. Người mắc bệnh nhất thiết phải đi khám, nếu xuất hiện các triệu chứng nặng như đau bụng, bứt rứt, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tay chân lạnh… cần đưa ngay đến bệnh viện.

– Cần theo dõi sát sao để kịp xử lý khi trẻ có biểu hiện bị sốc.  Nếu thấy bé đau bụng, ói và tay chân lạnh toát thì cần đưa bé đến bệnh viện cấp cứu ngay. Một biểu hiện khác của tình trạng sốc là bé bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã và không tỉnh táo. Bé cũng có thể giảm hẳn số lần đi tiểu nhưng lại thấy rất khát. Da bầm, môi xám cũng là một biểu hiện của sốc.

– Những nốt đỏ ở da là do một số hồng cầu thoát khỏi thành mạch máu ra bên ngoài tụ dưới da gây nên hiện tượng xuất huyết dưới da. Các dấu hiệu này sẽ biến mất trong 5-7 ngày. Vì vậy không nên chữa trị theo cách dân gian như chà lá trầu lên da hoặc cạo gió, có thể làm tổn thương da của trẻ.

– Khi trẻ mắc bệnh nên cho uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, không nên để trẻ sốt quá cao dễ dẫn đến co giật.

Muỗi vằn là tác nhân truyền bệnh. Do đó, để phòng bệnh, bố mẹ cần cho con ngủ mùng, tránh để các vật dụng đọng nước xung quanh nhà, thả cá trong lu đựng nước để diệt lăng quăng. Nên chủ động liên hệ với các cơ quan y tế ở địa phương để phun thuốc diệt muỗi nếu thấy cần thiết.

Thuốc chống muỗi nào an toàn cho bé? (Phần 1) Người lớn có thể dùng nhiều cách chống muỗi khác nhau, bao gồm các loại bình xịt diệt côn trùng hoặc kem chống muỗi, còn trẻ sơ sinh thì không.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]