Lời khuyên vàng cho mẹ bầu quý 2

Hãy chuẩn bị đón nhận sự kiện hồi hộp nhất trong quý 2 thai kỳ: Thai bắt đầu cựa quậy trong bụng bạn.

0

Ba tháng này chắc chắn sẽ là giai đoạn bạn khỏe khoắn và hoạt động nhiều nhất. Hãy chuẩn bị đón nhận sự kiện hồi hộp nhất: Thai bắt đầu cựa quậy trong bụng bạn. Những cảm giác khó chịu, ốm nghén của ba tháng đầu đã hết.

Bây giờ bạn thấy trong người khỏe khoắn, dễ chịu. Bạn tràn trề sức lực đến độ sẵn sàng làm những việc lớn như viết nốt luận án tiến sĩ, giúp đồng nghiệp thảo báo cáo cuối năm hay đãi chồng một bữa toàn món ngon… Hãy thoải mái làm, đừng ngại gì cả. Đừng quên bật các bản nhạc êm dịu trong khi làm việc. Các chuyên gia tâm lý khẳng định rằng, nghe nhạc cổ điển giúp dễ thư giãn và có cảm giác thoải mái, vui vẻ.

Kiến thức về sức khỏe

Bệnh tiểu đường thai kỳ: Căn bệnh này gắn liền với sự bắt đầu hoạt động của nhau thai. Đến tháng thứ 4, nhau thai bắt đầu sản xuất ra những hoóc môn ngăn chặn không cho chất insulin thâm nhập vào cơ thể. Vì thế, lượng đường trong máu tăng lên, gây rối loạn các quá trình trao đổi chất. Cần làm xét nghiệm máu đều đặn để kiểm soát tình hình.

Táo bón: Thường xảy ra do cơ ruột yếu đi. Muốn tránh táo bón, bạn cần ăn nhiều chất xơ và uống đủ nước.

Rubella: Còn gọi là bệnh sởi Đức. Đó là một loại bệnh do virus lây theo đường nước bọt trong không khí. Bệnh này rất nguy hiểm đối với thai nhi. Nếu hồi bé bạn chưa bị bệnh này thì trong khi có bầu bạn nên tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh này.

Mặc dù các bác sĩ cho rằng, không phải bất kì tiếp xúc nào với người ốm cũng có thể khiến bạn bị lây, nhưng cẩn thận vẫn hơn.

Bệnh Listerious: Là một căn bệnh do vi trùng Listeria monocytogenes gây ra. Vi trùng có thể xâm nhập qua niêm mạc đường ruột, và điều này nguy hiểm đối với thai phụ vì có thể gây ra đẻ non. Không nên ăn các loại thịt sống hoặc tái, rửa rau và hoa quả thật kĩ trước khi ăn.

Bệnh viêm âm đạo do nấm Candila: Thường là căn bệnh mà các bà mẹ tương lai hay mắc. Trong thời kỳ mang thai, môi trường trong âm đạo thay đổi khiến cho loại nấm Candila có cơ hội sinh sôi. Để phòng bệnh, bạn nên giữ gìn, vệ sinh “vùng kín”, không mặc đồ ẩm ướt.


Chế độ ăn uống trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng. (ảnh minh họa)

Cảm giác của bạn

Từ khoảng tuần thứ 17: Dạ con sẽ có dạng hình cầu. Bụng bạn bây giờ phồng lên trên nhiều hơn là to ra về chiều rộng. Đôi khi bạn có thể bị đau lưng, đặc biệt là khi bạn ngồi dậy hoặc khi bạn đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế.

Từ khoảng tuần 19: Bạn sẽ cảm thấy bé bắt đầu cựa quậy.

Từ tuần thứ 20: Dạ con của bạn sẽ tăng thêm 1 cm mỗi tuần. Bác sĩ sẽ đo kích thước dạ con mỗi lần bạn khám định kì. Nhớ khám thai đều đặn và làm các xét nghiệm cần thiết.

Lưu ý: Nếu dạ con cao lên hơn 28 cm, bạn cần đi siêu âm, vì có thể bạn sinh đôi hoặc hạn thai không chính xác.

Khoảng từ tuần thứ 22 trở đi: Lượng hồng cầu sẽ bị giảm tự nhiên ở mức độ lớn nhất. Khi sức khỏe của thai phụ bình thường, lượng hồng cầu sẽ tự trở về mức bình thường.

5 lời khuyên cho bà bầu

Hãy đi khám răng: Trong khi mang thai, phần lợi trở nên nhạy cảm hơn, nhưng từ tuần thứ 13 trở đi có thể chữa răng được rồi. Nhớ báo cho bác sĩ biết là bạn đang mang thai.

Vào những tháng đầu của thai kỳ: Các vết giãn da có thể xuất hiện ở vùng ngực, sau đó khi bạn dần lên cân, da ở vùng mông và bụng cũng bị giãn ra thành các vết màu trắng. Sau khi sinh, những vết giãn da này sẽ khó mà hết hẳn được, vì thế phòng giãn da bằng cách bôi kem là hiệu quả nhất.

Để tránh tình trạng đau lưng: Bạn nên tích cực vận động, đặc biệt là đi bơi. Có thể dùng đai nâng bụng dành cho các bà bầu. Nằm nghiêng và làm ấm vùng lưng đau bằng chăn ấm. Nhờ chồng xoa bóp nhẹ nhàng dọc theo cột sống cũng là một cách giảm đau tốt.

Khích lệ chồng bạn chuyện trò với em bé. Từ tuần thứ 20 trở đi thai nhi đã biết nghe.

Trong khi mang bầu, có những đêm bạn nằm mơ thấy những giấc mơ nặng nề. Để tránh những cảm xúc tiêu cực, hãy bật nhạc êm dịu và uống một cốc sữa pha mật ong trước khi đi ngủ.

Lớp học thể dục

Bài tập dành cho đùi: Đứng thẳng, tay trái bám vào một điểm tựa. Chân phải làm những động tác đưa đẩy ra phía trước và phía sau. Làm như thế với chân trái. Sau đó quay người một góc 180 độ và lặp lại các động tác vừa rồi.

Bài tập củng cố dáng đi: Đứng thẳng, hai chân dang rộng, vai giữ thẳng. Nghiêng người về bên phải, tay phải hạ xuống dọc theo đùi, tay trái nâng lên đầu. Thở chậm rãi. Lặp lại động tác 2 – 3 lần đối với cả hai tay.

Bài tập củng cố phần cơ ngực: Quỳ gối, hai tay chống trên nền nhà. Thở ra, cúi đầu và ưỡn lưng thẳng (hình dung rằng bạn đang phải bò qua chướng ngại vật nào đó). Hít vào, ngẩng đầu lên và trở về vị trí ban đầu. Cố gắng cong phần thắt lưng lại.

Bé đang lớn

Bắt đầu vào quý 2 của thai kỳ, thức ăn hằng ngày của bạn sẽ có nhiều chất dinh dưỡng hơn vì em bé đang trong giai đoạn phát triển nhanh, các cơ quan nội tạng của thai nhi bắt đầu hoạt động. Vì vậy, trong thực đơn hàng ngày của bạn cần có sự gia tăng của vitamin và khoáng chất. Từ nay trở đi bạn tăng cân nhanh hơn: Khoảng 300 – 450 g mỗi tuần là mức tăng cân lý tưởng. Sự tăng cân giúp bác sĩ có nhiều thông tin bổ ích về sự phát triển của em bé.

Đây là lúc bạn nên thử những món ăn ngon và bổ. Bây giờ bạn sẽ tự trải nghiệm một điều rằng, có những lúc bạn sẽ thích ăn những món mà trước đây, hồi chưa có bầu khó lòng tưởng tượng nổi. Đừng cố gắng chống cự lại cơ thể mình. Đó là tín hiệu cơ thể báo cho bạn biết những chất gì đang cần được bổ sung. Cần đi khám bác sĩ để nhận được những lời khuyên hợp lý.

Đôi khi bạn có thể rất thèm ăn món này hoặc chán một món khác. Nếu bạn bỗng nhiên ghê miệng mỗi khi nhìn thấy rượu bia, cà phê và sô cô la, điều này chỉ đáng khen mà thôi. Những thực phẩm này hoàn toàn không cần thiết cho bạn lúc này.

Nhưng nếu bạn sợ uống sữa thì điều này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của em bé. Canxi, cũng như các chất khác rất cần cho bé. Vì thế, cần tìm thực phẩm gì đó có thể thay thế cho sữa như sữa chua chẳng hạn.


Tới tuần thứ 13, thai nhi có trọng lượng khoảng 20 – 28g. (ảnh minh họa)

Thực đơn dành cho hai người

Vào khoảng giữa của thai kỳ, cơ thể bạn bắt đầu tích trữ mỡ. Quá trình này cần thiết cho thai nhi phát triển, để quá trình sinh nở thuận lợi và giúp bạn nuôi con bằng sữa được lâu dài.

Các chuyên gia khuyên nên ăn 5 lần mỗi ngày (ăn thêm một bữa phụ sau bữa trưa). Lượng chất lỏng nên giảm xuống không quá 1,5 lít mỗi ngày.

Nhu cầu về vitamin và khoáng chất tăng hơn 1,5 lần. Nhớ ăn nhiều rau quả. Thời kỳ này canxi đặc biệt cần thiết vì xương của bé đang giai đoạn phát triển. Canxi cũng cần thiết để răng bạn chắc khỏe.

Từ tháng thứ 4 trở đi, i-ốt bắt đầu tích trữ trong tuyến giáp trạng của bé. Vì thế, nên ăn nhiều đồ hải sản, quả kiwi. Mật và gan của bé bắt đầu hoạt động. Hãy ăn các loại thực phẩm giàu axit béo như các loại dầu thực vật (dầu ôliu, dầu đậu nành), dầu cá.

Lưu ý: Em bé đã biết báo cho bạn khi nào bạn cần ăn. Đừng để quá bữa. Nếu không kịp ăn trưa, bạn có thể ăn tạm quả táo hay quả khô. Nhưng không được ăn những món đồ ăn nhanh.

Mầm sống diệu kỳ trong bạn

Tới tuần thứ 13: Thai nhi có kích thước gần bằng nắm đấm của bạn và có trọng lượng khoảng 20 – 28g. Tới cuối quý 2 của thai kỳ, thai nhi đã dài 22 cm, gần bằng chiều dài từ cổ tay tới khuỷu tay. Và trong vòng ba tháng này em bé đã có trọng lượng gần 1 kg.

Sang tuần thứ 16: Nhau thai đã hoàn toàn hình thành. Thai nhi bơi trong vùng nước ối với khoảng không gian khá rộng rãi. Con bạn tha hồ hoạt động: Co người vào hoặc duỗi thẳng thân ra, chân và tay đập nhịp nhàng. Nhờ có các động tác này mà hệ thần kinh của bé được phát triển, các cơ được củng cố.

bạn có thể nhìn thấy con vào lúc này, bạn sẽ thấy bé đang mút tay. Đấy là cách bé tập luyện để sau này bú mẹ. Càng ngày bé càng xinh xẻo hơn, hai mắt trước kia nằm cách xa nhau ở hai bên đầu, bây giờ đã trở về đúng vị trí, và bé học cách đưa mắt về các phía.

Tuần thứ 21: Bé bắt đầu tích trữ mỡ và tròn dần. Gan chuyển hóa bilirubin gián tiếp thành bilirubin trực tiếp rồi đưa ra bên ngoài cơ thể.

Từ tuần thứ 24: Các tế bào phổi bắt đầu tích cực tiết ra chất chống dính màng phổi. Nhưng lượng chất chống dính này tạm thời còn rất ít.

Lưu ý: Thiếu ôxy ảnh hưởng không tốt tới bạn và tới cả bé nữa. Vì thế, nên đi dạo ngoài trời hít thở không khí trong lành ít nhất hai tiếng mỗi ngày.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]