Lớp học bơi của các bé còn ẵm ngửa

15.6013

Con vừa rụng rốn, chị Vân bắt đầu thả bé vào bể nước sâu hơn 1 m tại nhà để con quẫy đạp. Hiện tại, cậu nhóc 5 tháng tuổi của chị ra bể bơi là vẫy vùng thích thú.

Chị Đỗ Ngọc Vân (Võng Thị, Tây Hồ, Hà Nội) có hai bé, một 5 tuổi, một 5 tháng tuổi. Người mẹ cho biết, ngay từ khi có bé đầu chị đã quan tâm và tìm hiểu về phương pháp dạy bơi cho trẻ sơ sinh. Ngày đó đang du học tại Trung Quốc, thấy nhiều phụ huynh cho con tập bơi bằng cách dùng phao đỡ cổ rồi thả xuống bể cho đạp chân, chị cũng áp dụng với con ngay từ khi bé bắt đầu rụng rốn. Cách này giúp bé đầu lòng của chị không sợ nước, rất thoải mái, nhưng bé chỉ tự tin xuống nước khi đeo phao. Phát hiện điểm hạn chế này, với bé thứ hai, sau thời gian đầu áp dụng cách thả bé vào bể có đeo phao cổ, chị tập cho bé bơi không cần phao.

Lúc con được gần 4 tháng, chị Vân rủ một số bạn bè, người quen có con nhỏ để cùng cho các bé tập bơi, mời một chuyên gia hướng dẫn bơi lội cho trẻ sơ sinh tới dạy. Ban đầu, các mẹ được thầy gửi tài liệu trước về phương pháp dạy bơi này và hướng dẫn những cách luyện tại nhà để bé không sợ nước... Những buổi đầu ra bể, trẻ xuống nước trong thời gian ngắn, chủ yếu là làm quen nước cùng các trò chơi với bóng, vòi sen tưới... Hiện tại, sau 5 buổi học, cũng như một số bạn cùng lớp bơi, con chị Vân rất thích thú khi xuống nước, vùng vẫy tay chân, khi mẹ thả tay dưới bể là có thể tự nổi lên và không tỏ ra sợ hãi.

"Tác dụng có thể thấy ngay lập tức là khi xuống nước con được vận động toàn cơ thể, vui đùa, hớn hở hẳn. Còn sau mỗi lần đi bơi về là tối con ngủ rất ngon giấc", chị Vân nói.

Bé Bông thích thú dưới bể bơi. Ảnh: MT.

Được gọi đùa là "bà mẹ anh hùng" khi buổi bơi nào cũng một nách đưa hai con, một bé 7 tháng tuổi, một bé gần 3 tuổi, ra bể, chị Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị ở nhà chăm con khi chồng thường xuyên đi công tác nên hầu như dành trọn thời gian cho bọn trẻ. Bé thứ hai tên Bông được chị luyện tắm nước lạnh từ vài tháng trước. Ở nhà, chị tự thả con vào thùng nước sâu 85 cm, nhúng chìm bé để kích thích phản xạ ngưng thở tự nổi lên của con.

"Nhiều mẹ nghe điều này thường bảo mình liều quá nhưng trước khi thực hành mình đã đọc nhiều tài liệu, hỏi thầy dạy bơi rất kỹ, đồng thời quan sát từng phản ứng nhỏ của con", chị Hà cho biết.

Buổi đầu tiên ra bể lớn, cô nhóc nhà chị còn lạ lẫm, tỏ vẻ sợ hãi, chưa thoải mái, sau rồi bé rất thích. Hiện tại bé có thể nín thở lâu trong nước và di chuyển nhẹ nhàng trong bể.

"Những buổi đầu ngâm nước lạnh con cũng hắt hơi sổ mũi, mẹ không can thiệp gì, để vài hôm là khỏi. Mùa hè mỗi ngày cháu đều tắm nước lạnh 30 phút, quẫy đạp thoải mái. Tắm xong thì tráng người bằng nước ấm. Mỗi buổi đi bơi về mẹ lau tai bằng bông, thấy vẫn khô ráo", chị Hà chia sẻ kinh nghiệm.

Video tập bơi cho trẻ nhỏ

Nhỏ tuổi nhất trong nhóm bơi baby là một cậu nhóc 3 tháng tuổi. Buổi đầu xuống bể lúc 2 tháng tuổi, em vẫn chưa cứng cổ, ngật ngưỡng trên vai mẹ và vừa chạm nước là bé rùng mình, khóc ầm lên. Thì ra, ở nhà toàn được tắm nước ấm nên khi bị nhúng xuống nước lạnh, bé không quen nên sợ. Vậy là bố mẹ ở nhà bắt đầu cho con học bơi bằng cách tắm nước lạnh cho bé. Buổi thứ hai bé xuống nước được 10 phút rồi lên ngay.

"Sáng đưa con đi tập bơi mẹ phải nói dối ông bà là cho cháu đi dạo. Các cụ xót, cháu ra ngoài gió chút là lo ốm, nên chắc chắn sẽ phản đối nếu mình nói cho con dầm nước. Trộm vía, mỗi lần đi tập bơi về con ăn khỏe hơn, ngủ tốt hơn nên mẹ cũng vững lòng", mẹ bé cho biết.

Cũng đưa con ra bể học bơi từ lúc bé hơn 2 tháng tuổi, anh Minh Huệ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ban đầu cũng hơi run, sợ con nhiễm nước lạnh rồi ốm. Sau đó, thấy sức khỏe bé vẫn bình thường, con dần dần dạn nước hơn, bố mẹ cũng yên tâm và tiếp tục cho bé tham gia lớp bơi. "Mình chỉ muốn giúp con kích hoạt những phản xạ tự nhiên tự nhiên khi xuống môi trường nước, từ đó có điều kiện phát triển toàn diện và khả năng thích nghi tốt hơn", anh Huệ nói.

Giúp con gái đưa cậu cháu ngoại 5 tháng tuổi ra bể tập bơi, bà Cúc chăm chú theo dõi khi cậu nhóc lướt trên mặt bể cười thích thú nhưng cũng có lúc giật thót người khi thấy cháu bị nhấn chìm hẳn xuống bể nước rồi thả tay cho tự nổi lên. "Cũng xót cháu và lo nhưng không dám nói gì. Từ lúc mới bầu thằng bé, con gái tôi đã nói nhiều về những tác dụng của việc dạy con bơi sớm. Tôi thấy cũng nhiều cái hay cái tốt nên dù lo nhưng vẫn tôn trọng quyết định của con", bà nói.

Theo tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-Bơi, tạo hóa đã cho trẻ sơ sinh biết bơi từ trong bụng mẹ, việc còn lại của người lớn là kích hoạt và duy trì những phản xạ bơi lội này. Ông cho biết, ở nhiều nước, trẻ sơ sinh được học bơi từ lúc 7-10 ngày tuổi, khi cuống rốn vừa rụng. 

Trẻ sơ sinh dưới 18 tháng tuổi, trí óc và thể chất chưa phát triển toàn diện nhưng bù lại, các bé sở hữu hai phản xạ bơi lội bẩm sinh được di truyền từ động vật có vú. Đó là phản xạ tự đóng nắp khí quản khi đầu chìm vào nước và khua chân quạt tay bơi lội trong môi trường nước. Chính vì vậy ta có thể thấy các bé bơi lội vui vẻ, miệng mở, mắt mở không hề sợ nước. Dạy bơi cho trẻ sơ sinh là để kích hoạt 2 phản xạ này.  

Trẻ ở giai đoạn này bơi lội mềm mại, bản năng, chứ không vận dụng hết cơ bắp như người lớn. Bơi lội quan trọng là nín thở và quẫy đạp. Ở nhà, bố mẹ có thể tập cho con bằng những hình thức đơn giản là khi tắm cho trẻ, nhỏ nước từ từ lên đầu, lên mặt, tiếp đó tiến tới tắm sen, tắm trong bồn, thùng, chậu to... để phần đầu - phần quan trọng nhất - được tiếp xúc với nước, để trẻ quen không sợ bị nước rớt vào mặt, mắt.

Vương Linh

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]