Lột quần áo, giẫm đạp lên người để... chữa bệnh

Trước hiện tượng người phụ nữ tại Thái Nguyên nhận có 'năng lượng siêu nhiên' chữa bệnh bằng cách bắt người bệnh lột trần, nằm xếp hàng rồi giẫm đạp… lên người bệnh, chuyên gia về đông y khẳng định trong y học cổ truyền không có kiểu chữa bệnh kỳ quái này.

15.5892

Chỉ được cấp tẩm quất nhưng chữa bệnh trá hình?

Thời gian gần đây, mạng xã hội, một số cơ quan truyền thông đăng tải hình ảnh người phụ nữ chữa bệnh kiểu… kỳ cục tại thị xã Sông Công, Thái Nguyên. Một loạt bệnh nhân được cởi trần, nằm hàng dài để người phụ nữ này giẫm lên lưng, truyền năng lượng siêu nhiên để chữa bách bệnh.

Trên facebook ngày 12/9 một bạn trẻ chia sẻ hình ảnh chữa bệnh, với hàng dài người nằm xếp hàng, cởi quần áo để một người phụ nữ giẫm lên người, lên chỗ đau… truyền năng lượng khiến cộng đồng mạng xôn xao về thực hư của thông tin này.

Hình ảnh từng hàng người cởi trần, xếp hàng để được giẫm đạp... chữa bệnh gây xôn xao mạng xã hội.

Dòng trạng thái này chia sẻ, vì nghe danh 'cô Phú Bồ Tát' chữa bệnh cứu người, khỏi 100% các ca ung thư bệnh viện trả về và đặc biệt là chữa bệnh không mất tiền, không bắt bệnh nhân trả bất cứ lệ phí khám chữa bệnh nào nên đã lặn lội đến để mục sở thị và bắt gặp những hình ảnh trên.

Khoảng 500-600 người xếp hàng la liệt trong 1 buổi sáng để mong đến lượt chữa bệnh. Cảnh chữa bệnh là hàng đoàn người xếp hàng nằm lần lượt để cô giẫm lên người, mỗi hàng tối đa 3 lần giẫm để truyền năng lượng từ người cô sang bệnh nhân với tác dụng chữa bệnh…

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Hải, Phó giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, cho biết, liên quan đến kiểu chữa bệnh kỳ lạ này, trước đây Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu tạm ngừng hoạt động khám chữa bệnh này. Hiện nay cơ sở này chỉ giấy phép hoạt động kinh doanh tẩm quất, kèm thêm dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân gần đây thì vẫn có nhưng hoạt động khám chữa bệnh trá hình. Vì thế, ngày 14/9, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu UBND thị xã Sông Công tăng cường tăng cường công tác kiểm tra.

Đánh giá về vấn đề này, theo PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền Bộ Y tế cho biết đây không phải là vấn đề mới mà đã tồn tại ở thị xã Sông Công, Thái Nguyên nhiều năm trước đó. Bộ Y tế đã từng có đoàn công tác, nhiều buổi làm việc với Sở Y tế Thái Nguyên về hiện tượng này. Thậm chí Cục khoa học đào tạo nêu ý kiến để chứng minh thuyết phục phương pháp này có hay không có hiệu quả thì đã đề xuất Sở Y tế Thái Nguyên có một đề tài nghiên cứu đánh giá về phương pháp này. Nếu tỉnh triển khai đề tài Bộ sẵn sàng hỗ trợ các chuyên gia tham gia đề tài đánh giá này.

Còn quan điểm của Bộ Y tế là trong dân gian có những phương pháp có thể có tác dụng, nhưng tác dụng với cái gì, với bệnh nào, với giai đoạn nào, chống chỉ định cái gì, tác dụng phụ gì… thì phải trả lời bằng nghiên cứu. Tất cả những điều này đều cần phải có bằng chứng khoa học chứ không thể nói linh tinh được là nó có tác dụng hay không có tác dụng.

Còn về nguyên tắc, mọi phương pháp chữa bệnh đều phải đảm bảo an toàn, hiệu quả. Việc giám sát các hoạt động khám chữa bệnh ở địa phương trước hết thuộc về chính quyền, cơ quan quản lý y tế địa phương, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động về khám chữa bệnh trên địa bàn và mọi hình thức khám chữa bệnh đều phải có cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới có thể khám chữa, không thể tùy tiện khám chui.

Kiểu khám bệnh… kỳ quái!

Về hiện tượng khám chữa bệnh bằng cách… giẫm đạp, là một chuyên gia về đông y, thầy thuốc Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khẳng định trong đông y không có kiểu khám bệnh giẫm lên người để truyền năng lượng. “Từ trước đến nay trong đông y, y học cổ truyền không có kiểu chữa bệnh này. Bản thân  tôi cũng không tin chuyện chữa bệnh hiệu quả bằng truyền năng lượng", lương y Nguyễn Xuân Hướng nói.

Lương y Nguyễn Xuân Hướng cũng bày tỏ, người Việt khi có bệnh thì luôn có tâm lý “vái tứ phương”, dù nghe thông tin nào, có tia hi vọng là đều cố gắng chữa trị. Nhưng vái thì cũng phải vái đúng, không thể vái lung tung, nghe đồn thổi rồi ùn ùn kéo đến xếp hàng, chờ… giẫm đạp để chữa bệnh như thế. “Tôi hoàn toàn không tin khả năng chữa bệnh kỳ lạ này”, lương y Nguyễn Xuân Hướng khẳng định.

Cũng như với bệnh ung thư, không ít thầy lang ở nhiều vùng được đồn thổi chữa khỏi ung thư, nhiều người bệnh vượt hàng trăm cây số để bốc thuốc,  thế nhưng BS Hướng khẳng định, đến giờ trong đông y không ai chữa khỏi được ung thư.

“Tôi cũng từng chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân với tâm lý mắc ung thư, đi khám chưa đầy đủ nghĩ đến ung thư thì đã chắc mẩm mình bị ung thư nhưng thực ra không phải. Vì thế, tôi có chữa khỏi được ca ung thư nhưng vì chẩn đoán nhầm là ung thư”, BS Hướng vui vẻ chia sẻ.

Là một bác sĩ đông y nhiều năm nay, ông chia sẻ người dân phải có cái nhìn tỉnh táo trước nhiều hiện tượng của xã hội. Chữa bệnh cũng phải có cơ sở chứ không phải cứ có năng lượng siêu nhiên, rồi nghe đồn thổi đông y chữa được bệnh nhân ung thư đã bị bệnh viện trả về… Ngay như Trung Quốc họ đã bỏ nhiều năm nghiên cứu nhưng đến giờ vẫn còn là nghiên cứu, chưa có một tuyên bố nào nói đông y chữa khỏi bệnh ung thư. Thuốc đông y chỉ có tác dụng giúp người khỏe hơn kéo dài thời gian sống hơn cho bệnh ung thư nhưng không thể chữa khỏi.

Khi nói về hiện tượng này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bức xúc: “Không ai chữa bệnh cho trẻ con bằng cách giẫm đạp lên bụng trẻ như thế, giẫm đạp lên người bệnh như thế không phải là cách chữa bệnh. Chính quyền nơi sở tại cần vào cuộc ngay để chấm dứt cách chữa bệnh phản khoa học này”, PGS Dũng khẳng định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó năm 2010 khi dư luận rộ lên tin đồn về hiện tượng chữa khỏi bách bệnh nhờ giẫm đạp ở thị xã Sông Công, Thái Nguyên, một đoàn công tác của Bộ Y tế, do lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh làm trưởng đoàn đã trực tiếp đến địa phương để tìm hiểu.

Sau quá trình làm việc, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kết luận người phụ nữ này không được đào tạo về y khoa, không có bất cứ chứng nhận, chứng chỉ, bằng cấp về đào tạo y khoa; không có giấy chứng nhận lương y; không có giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền cũng như không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh… nên không đủ tiêu chuẩn thực hiện việc khám chữa bệnh dưới bất cứ hình thức nào, vì thế đoàn công tác đã yêu cầu đình chỉ phương pháp khám chữa bệnh này.

Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng khẳng định trong danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế chưa từng có kỹ thuật, phương pháp nào là trị bệnh bằng cách giẫm lên lưng người bệnh. Vì thế, chính quyền, cơ quan quản lý y tế địa phương cần có biện pháp chấn chỉnh ngay hoạt động chữa bệnh không phép nói trên, nhằm tránh gây hậu quả cho người bệnh.

Theo Dân Trí

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]