Lựa chọn cách ngủ thông minh

15.5701

Các nghiên cứu khoa học gần đây lại khẳng định ngủ nhiều gây ra không ít ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe. Thậm chí các nghiên cứu mới này còn cho rằng, những người thường ngủ quá 8 tiếng/ngày có nguy cơ giảm tuổi thọ.

Liều lượng lý tưởng: 7 tiếng/ngày

2 nhà bác học Thomas Edison và Nikola Tesla thì quả quyết rằng, những người ngủ quá 8 tiếng mỗi ngày là những người bị bệnh và không có đầu óc sáng tạo. Các nghiên cứu khoa học mới đây đã khẳng định quả quyết của 2 nhà bác học trên là đúng.

Ảnh minh họa.

GS.Daniel Kripke thuộc Đại học California, San Diego (Mỹ) là một trong những người tiên phong tiến hành các nghiên cứu về hậu quả của việc ngủ nhiều. Ông đã bỏ rất nhiều công sức để tiến hành khảo cứu 1.100.000 người ở lứa tuổi từ 30 -120 nhằm tìm ra mối liên hệ nhân quả giữa thời gian ngủ và tuổi thọ con người. Các kết quả nghiên cứu cho thấy: mỗi ngày chỉ cần ngủ 6,5 tiếng đồng hồ là đủ để duy trì cơ thể có một sức khỏe tốt. Liều ngủ phù hợp nhất cho những ai muốn sống lâu là 7 tiếng/ngày. Và những người ngủ “quá liều”- 8 tiếng/ngày trở lên có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người ngủ “đủ liều” – 7 tiếng/ngày là 12 lần.

Nhóm nghiên cứu của Đại học California do GS.Daniel Kripke đứng đầu cũng nhận thấy rằng, chứng ngủ nhiều có liên quan đến hiện tượng có tên “ngừng thở trong khi ngủ”, đây là biểu hiện đầu tiên của bệnh lý. Hiện tượng “ngừng thở trong khi ngủ” thường diễn ra theo chu kỳ và kéo dài khoảng vài chục giây. Nguyên nhân do những phản ứng của hệ thần kinh: ở nhiều người, giấc ngủ sâu sẽ gây ra hiện tượng ngừng thở chốc lát, lúc đó cơ thể sẽ phản ứng tự vệ bằng cách tạo ra giấc ngủ không sâu, để các cơ có đủ độ căng, chống lại hiện tượng ngừng thở chốc lát.

Kết quả là giấc ngủ không sâu sẽ làm kéo dài thời gian ngủ, thậm chí đến 10 tiếng/ngày. Sau khi thức dậy, những người này vẫn cảm thấy thiếu ngủ. “Việc phát hiện ra cơ chế này đã giải thích thỏa đáng hiện tượng ngủ nhiều tai hại ở nhiều người từ đó cho thấy một giấc ngủ vừa đủ là điều chúng ta cần quan tâm”, GS.Daniel Kripke kết luận.

Tai họa của ngủ “quá liều”

Theo các kết quả khảo cứu được công bố trên tạp chí Psychosomatic Medicine số mới nhất, chứng ngủ quá liều và mất ngủ chỉ là một – nó là biểu hiện ở hai dạng trái ngược nhau của hội chứng rối loạn giấc ngủ. Vì thế chúng đều nguy hiểm như nhau.

Một cuộc điều tra mà đối tượng là những người thường xuyên ngủ nhiều (trên 8 tiếng/ngày) đã đi đến kết luận: Đa phần trong số họ đều gặp phải những rắc rối về mặt tâm lý, ví như họ rất dễ nổi cáu, hay có những cái nhìn và quan điểm bi quan về cuộc sống và những người xung quanh. Theo giải thích của các nhà khoa học, đó là vì thời gian ngủ quá nhiều đã ảnh hưởng tới các chất dẫn truyền thần kinh ở não, khiến cơ thể dễ trở thành “nạn nhân” của những căn bệnh như suy nhược thần kinh, trầm cảm, stress…

“Tất cả mọi người đều cho rằng, để làm tan mệt mỏi, tốt nhất nên đi ngủ. Thật ra, quan niệm tăng thời gian ngủ nhằm có được sức khỏe tốt hoàn toàn sai lầm. Họ không nhận ra rằng ngủ quá nhiều cũng gây tác hại khôn lường. Ngủ quá nhiều có thể dẫn tới lười biếng, cơ thể suy yếu, mệt mỏi, tinh thần kém minh mẫn, thậm chí làm giảm trí lực” – bác sĩ Charles Bae, nhà thần kinh học thuộc Trung tâm Nghiên cứu chứng rối loạn giấc ngủ Cleveland ở Ohio, Mỹ cho biết.

Ngủ quá nhiều có thể làm gia tăng độ đông đặc của máu dễ dẫn đến chứng đột quỵ.

Không chỉ dừng lại ở đó, các bằng chứng còn cho thấy, hơn 50% trong số những người ngủ “quá liều” là đối tượng “tấn công” của các chứng bệnh nguy hiểm như hipersomnia, đột quỵ, tim mạch, nội tiết… Đó là do thời gian ngủ quá nhiều đã tạo điều kiện cho những phản ứng viêm nhiễm trong cơ thể gia tăng. Đồng thời, với người ngủ quá nhiều, các bó cơ bỏ qua giai đoạn quan trọng là vận động để làm giãn cơ, gia tăng khả năng lưu thông máu tới các cơ. Sau một giấc ngủ quá dài trở dậy, cơ thể thường cảm thấy chân nhũn ra, lưng đau nhức, toàn thân bất lực, dễ có nguy cơ cao mắc một số bệnh như béo phì, đau đầu.

Các nghiên cứu của GS. Eve Van Cauter thuộc Đại học Chicago  (Mỹ) còn chỉ ra rằng, thiếu ngủ sẽ dẫn đến những biến đổi trong việc chuyển hóa glucoza – một trong những nguyên nhân gây bệnh tiểu đường. Cụ thể: những người ngủ không đủ 6 tiếng/ngày, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp 2 lần. Nhưng nếu thời gian ngủ quá 8 tiếng/ngày, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn tới 3 lần.

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Đại học Y khoa Stanford (Mỹ) còn cho thấy, những giấc ngủ quá dài có thể làm rối loạn sự cân bằng hormon, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Đồng thời, những người ngủ trung bình trên 10 tiếng/ngày, dù nam hay nữ, đều có tỷ lệ tử vong cao do thời gian ngủ quá nhiều làm gia tăng độ đông đặc của máu, dễ dẫn đến các bệnh liên quan tới hệ thống máu lên não, trong đó có hiện tượng đột quỵ, trúng gió.

Thế mới thấy, ngủ quá nhiều hay quá ít cũng đều có nguy cơ rủi ro. Quan trọng là cách “ngủ thông minh”, tỉnh táo để tự khép mình vào thói quen ngủ hợp lý, lành mạnh. Điều đó không dễ dàng nhưng hãy nhắc nhở bản thân mình rằng: bạn có thể rút ngắn tuổi thọ của chính mình nếu cứ triền miên ngủ quên hết giờ giấc.

BACSI.com (Theo Suckhoedoisong)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]