Lựa chọn thực phẩm thông minh cho ngày Tết

Chuyện ăn uống ngày Tết bây giờ không chỉ là ăn ngon mà còn phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và không bị tăng cân.

15.5958

Chính vì thế, việc chọn thực phẩm gì trong những ngày Tết quả không đơn giản đối với nhiều gia đình.

Theo lời khuyên của các nhà dinh dưỡng, dù bạn định thể hiện tài nội trợ của mình ở cấp độ nào đi nữa, thì một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng vẫn là điều phải quan tâm hàng đầu. Trong đó, lượng rau quả và ngũ cốc bằng nhau, còn chất đạm (sữa, thịt, cá, trứng...) chỉ bằng một nửa nhóm thực phẩm trên.

Thịt

Đây là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết. Tuy nhiên, những người bị tăng huyết áp, mỡ máu cao, tim mạch, đái tháo đường, béo phì... nên hạn chế dùng thịt, vì loại thực phẩm này rất giàu lipid. Trong các loại thịt nên ưu tiên thịt bò vì chúng vừa giàu dinh dưỡng vừa có hàm lượng chất béo thấp, hơn thế lại rất dễ chế biến. Theo quan niệm của người Việt, ngày Tết không thể thiếu thịt gà, nhưng để đảm bảo sức khỏe chỉ nên sử dụng thịt gà có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch.

Hải sản

Là thực phẩm ngon miệng, dễ tiêu, lại không gây béo... đây là lý do vì sao một vài năm nay hải sản trở thành món “ruột” của nhiều gia đình trong dịp Tết. Trong các loại hải sản thì cá, tôm và cua (ghẹ) được ưa thích nhất, đặc biệt là cá. Cá có giá trị dinh dưỡng cao nhờ chứa các acid amin thiết yếu được cơ thể sử dụng hoàn toàn cho việc tăng trưởng và đổi mới các tế bào. Một yếu tố thiết yếu nữa của cá là chất sắt rất dễ được đồng hóa trong cơ thể.

Các loại “cá gầy” (dưới 3% lipid) hoặc “nửa béo” (3-6% lipid) không mang vào cơ thể quá 80-120kcalo/100g. Ngay cả “cá béo” (6-10% lipid vẫn còn kém hơn thịt nửa nạc, nửa mỡ) cũng ít khi vượt quá 130-150kcalo/100g. Ngoài sắt, cá còn cung cấp một lượng đáng kể các khoáng chất: photpho, kẽm, đồng, canxi. Ngoài ra còn có các nguyên tố vi lượng như fluor, selen, coban, mangan cùng một kho vitamin.

Tuy nhiên, chế biến hải sản cần đun chín, vì trong hải sản thường có các loại ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, giun xoắn, toxoplasmose, sán lá gan... ký sinh. Nếu ăn phải các thực phẩm nhiễm các ký sinh trùng này sẽ bị đau quặn bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy sau vài giờ.

Nguy hiểm hơn, một số người tuy nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng rõ rệt, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng mới phát hiện ra thì rất khó chữa trị.

Rau, quả

Đây là thực phẩm vô cùng cần thiết trong ngày Tết. Sở dĩ như vậy là do rau, quả rất giàu vitamin C. Trong những ngày Tết mới thấy hết giá trị của loại vitamin này, nhất là khi các món ăn giàu chất đạm khiến bạn chán ngán thì rau xanh và quả tươi khiến bạn cảm thấy ngon miệng hơn. Vitamin C có nhiều trong cam, quýt, xoài, dứa… và rau xanh như cải xoong, súp lơ, cà rốt, củ cải, bắp cải…

Cách chế biến trái cây dưới dạng nước ép hay sinh tố cũng làm cho bữa cơm Tết nhà bạn hấp dẫn hơn. Một số loại trái cây không chỉ ngon miệng mà còn rất tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn muốn tăng năng lượng bạn nên uống sinh tố cà rốt, táo, dưa hấu; muốn đào thải chất độc nên sử dụng sinh tố thập cẩm gồm cà chua, lê và lá bạc hà rồi hòa cùng nước chanh; muốn nhanh tiêu, không đầy bụng hãy ăn dứa và đu đủ.

Không chỉ giàu vitamin C, rau quả tươi còn cung cấp thêm chất xơ cần thiết giúp ruột hoạt động tốt, ngăn cản chứng táo bón, ngăn cản sự hấp thu chất béo và cholesterol, ổn định đường huyết...

Gia vị

Tuy chỉ đóng vai phụ, nhưng nếu thiếu gia vị món ăn sẽ kém hấp dẫn. Trong các loại gia vị thì hạt tiêu, gừng, hành, tỏi... vừa đóng vai trò không thể thay thế, lại còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Chẳng hạn, gừng giúp giải cảm nắng, gió. Gừng tươi có tác dụng diệt khuẩn và gây nóng, ra mồ hôi, ngoài giải cảm còn có tác dụng tốt khi điều trị các bệnh như đường ruột, dạ dày, viêm khớp. Tỏi chống chứng mỡ nhiều trong máu. Tỏi có tác dụng diệt khuẩn, có hợp chất lưu huỳnh, ức chế cholesterol và trung hòa mỡ.

Rượu, bia

Tết không thể thiếu chén rượu mừng xuân, nhưng không vì vui mà uống nhiều, vì uống rượu thường xuyên có hại tới gan, dạ dày và nhiều cơ quan khác. Bạn có thể thay thế rượu, bia bằng các thức uống bổ dưỡng khác như sinh tố.

Theo BS. Phương Hà - Sức khỏe & Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]