Lupus ban đỏ - Hiểm họa cho thận của bạn!

Bệnh lupus ban đỏ là bệnh tự miễn gây tổn thương nhiều cơ quan, trong đó viêm cầu thận chiếm tỉ lệ 60-75% bệnh nhân lupus ban đỏ.

15.5817

Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam, với tỷ lệ so sánh là 9 nữ/1nam.

Bệnh lupus ban đỏ gây ra viêm cầu thận lupus

Cho đến nay người ta đã biết lupus ban đỏ là bệnh tự miễn và viêm cầu thận lupus là một hậu quả do nó gây ra. Các yếu tố có vai trò trong việc phát bệnh và kéo dài bệnh gồm: di truyền, rối loạn nội tiết, nhiễm khuẩn nhất là nhiễm virut, suy giảm miễn dịch của cơ thể.
 
Bệnh lupus ban đỏ gây tổn thương ở nhiều cơ quan nên cũng có nhiều triệu chứng của các cơ quan đó như: da, khớp, thận, huyết, tim, não.
 
Bệnh lupus ban đỏ diễn biến kịch phát nặng dần từng đợt, nặng nhất là khi có suy thận, hội chứng thận hư, tràn dịch màng ngoài tim, viêm cơ tim cấp, thiếu máu trầm trọng, tổn thương não cấp.
 
Riêng ở thận chủ yếu là tổn thương cầu thận nên mới gọi là viêm cầu thận lupus. Các công trình nghiên cứu đã cho thấy viêm cầu thận lupus là bệnh tự miễn giống như lupus ban đỏ.
 
Bởi vì trong bệnh lupus ban đỏ tìm thấy các kháng thể kháng ADN tự nhiên, kháng thể kháng ADN đã phân giải, kháng thể kháng nucleoprotein, kháng thể kháng yếu tố màng tế bào, kháng hồng cầu, kháng bạch cầu, kháng tiểu cầu...; còn trong bệnh viêm cầu thận lupus, cũng tìm thấy các phức hợp miễn dịch lưu hành trong máu hoặc hình thành tại chỗ như phức hợp miễn dịch phát động quá trình viêm tại cầu thận làm dày màng đáy, tăng sinh tế bào, xơ hóa cầu thận, tổn thương ống thận, kẽ thận…

Phát hiện sớm viêm cầu thận lupus có ý nghĩa đặc biệt

Viêm cầu thận lupus có ý nghĩa đặc biệt để tiên lượng bệnh lupus ban đỏ, vì suy thận cấp nặng trong những đợt kịch phát của bệnh lupus ban đỏ, bệnh nhân có thể tử vong. Bệnh lupus ban đỏ càng lâu, gây suy thận càng nặng và dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu hay ghép thận thì bệnh nhân mới sống được.
 
 Do đó việc chẩn đoán và điều trị tích cực viêm cầu thận lupus là rất quan trọng đối với sự sống còn của bệnh nhân. Muốn thế cần phải biết phát hiện sớm viêm cầu thận lupus để điều trị kịp thời.
Ở một bệnh nhân lupus ban đỏ, khi khởi phát viêm cầu thận, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, kèm theo một hay nhiều triệu chứng ban đỏ, đau khớp, rụng tóc...
 
Thời kỳ viêm cầu thận lupus toàn phát, bệnh có các đợt kịch phát nối tiếp nhau, đợt sau diễn tiến nặng hơn đợt trước hoặc có thêm những tổn thương ở các cơ quan khác.
 
Theo Hội Khớp học Hoa Kỳ đưa ra năm 1982, viêm cầu thận lupus được chuẩn hóa với 11 triệu chứng là: ban đỏ cánh bướm ở má; ban dạng đĩa; tăng cảm thụ với ánh sáng; loét niêm mạc miệng họng; viêm khớp nhưng không tổn thương; viêm tràn dịch màng phổi và/hoặc màng tim; tổn thương ở thận: có protein niệu thường xuyên và/hoặc có trụ niệu; biểu hiện thần kinh, tâm thần: co giật không rõ nguyên nhân, rối loạn tâm thần không rõ nguyên nhân; huyết học: thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm lympho bào; rối loạn miễn dịch: có tế bào LE, có kháng thể kháng AND tự nhiên, có kháng thể kháng Sm hoặc các tự kháng thể khác, có phản ứng giang mai (+) giả trên 6 tháng; kháng thể kháng nhân dương tính.
 
Ở một bệnh nhân lupus ban đỏ, khi có 4/11 triệu chứng nói trên, trong đó có tiêu chuẩn tổn thương ở thận, thì được chẩn đoán là viêm cầu thận lupus.
 
Ở Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra kinh nghiệm chẩn đoán viêm cầu thận lupus là: có biểu hiện viêm không đặc hiệu như sốt kéo dài không rõ nguyên nhân nhiễm khuẩn, đặc biệt là lao; tốc độ máu lắng tăng; globulin máu tăng; triệu chứng ở thận: phải có protein niệu dương tính với nồng độ 0,2 g/24giờ trở lên, có thể có kèm theo hồng cầu niệu, trụ niệu.
 
Bệnh viêm cầu thận lupus cần phân biệt với các bệnh: lao, bệnh cầu thận do các nguyên nhân khác, đặc biệt là với viêm cầu thận mạn có suy thận.


 Tiêu bản tổn thương viêm cầu thận lupus

Điều trị tích cực và duy trì điều trị

Điều trị viêm cầu thận lupus phải đồng thời với điều trị lupus ban đỏ. Cần điều trị tích cực trong những đợt kịch phát, phối hợp với những đợt điều trị duy trì, hạn chế tổn thương thận, đồng thời điều trị những tổn thương các cơ quan khác ngoài thận. Thuốc dùng là các thuốc ức chế miễn dịch như: corticosteroid, azathioprin, cyclophosphamid...
 
Khi dùng các thuốc này, để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc, phải kiểm tra công thức máu 1-2 tuần/lần, để điều chỉnh liều, soi bàng quang để phát hiện và xử lý những tổn thương ác tính. Lọc huyết tương khi có đợt tiến triển cấp tính nặng.
 
Việc lựa chọn và phối hợp thuốc cần được xem xét kỹ lưỡng dựa vào các triệu chứng lâm sàng, tổn thương mô học thận và các rối loạn huyết thanh.

Điều trị các tổn thương ngoài thận của bệnh lupus ban đỏ như viêm tràn dịch đa màng, viêm phổi do lupus, biểu hiện thần kinh tâm thần: dùng corticosteroid liều thấp và các thuốc kháng viêm không steroid. Viêm đau khớp thường giảm nhanh khi dùng thuốc kháng viêm không steroid, như aspirin liều thấp.        

Theo ThS Trần Tất Thắng - Sức khỏe & Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]