Lý do ảm đạm

Trước mắt, những thông tin kết quả kinh doanh quý I, mùa đại hội cổ đông, trong đó các thông tin liên quan đến thâu tóm sáp nhập, kế hoạch phát hành tăng vốn hay xóa lỗ lũy kế… sẽ thu hút được sự quan tâm của NĐT.

0



Nếu như trong tuần qua, thị trường giao dịch yếu với thanh khoản, bình quân đạt khoảng 2.139 tỷ đồng/phiên, thì 3 phiên đầu tuần này, thanh khoản tuy  có cải thiện, nhưng nhóm NH và BĐS - hai nhóm ngành được xem là lực đẩy chính của thị trường trong tháng 1 và 2 - lại không cho thấy có dấu hiệu hưởng ứng.

Kể từ đầu tháng 3 đến hết ngày 17/3, chỉ số giá hai nhóm ngành nói trên đã có dấu hiệu giảm (ngành NH giảm 3%, ngành BĐS giảm 3,5%) và VN-Index cũng đã giảm khoảng 2%. Dường như, kỳ vọng của NĐT đối với triển vọng của các cổ phiếu này đã được phản ánh vào giá khá nhanh.

NĐT có lẽ đang cần có thêm những thông tin thực chất hơn, cụ thể hơn về hoạt động của DN như kế hoạch kinh doanh, chiến lược phát triển mới, tin từ đại hội cổ đông, hoặc kết quả kinh doanh quý I để có cái nhìn rõ hơn về triển vọng của các cổ phiếu này. “Do tạm thời thiếu đi trợ lực từ hai “cỗ máy” NH và BĐS nên thị trường khó có thể bứt phá về mặt điểm số trong thời gian ngắn tới”, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự đoán.

Về những thông tin liên quan, có thể nói việc nhiều thông tin trái chiều xuất hiện trong một thời gian ngắn cũng phần nào khiến NĐT mất phương hướng, tạo nên tâm lý giao dịch thận trọng, e dè và đây được xem là yếu tố chính kéo giảm thanh khoản.

Cụ thể, những thông tin liên quan đến động thái điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất huy động của một số NH từ đầu tháng 3 trở lại đây đã giúp giữ nhịp cho thị trường, tránh xảy ra những phiên lao dốc mạnh. Trong khi ở chiều ngược lại, thông tin về tăng giá xăng, giá điện lại có tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Những phiên đầu tuần này, thông tin Tổng cục Hải quan công bố số liệu xuất nhập khẩu tháng 2 với giá trị nhập siêu lũy kế hai tháng đầu năm lên đến 1,2 tỷ USD, cao hơn hẳn so với số liệu ước tính được Tổng cục Thống kê công bố trước đó là 61 triệu USD cũng tác động không nhỏ đến thị trường. Bên cạnh đó, thị trường còn đón nhận những thông tin khác như áp lực tỷ giá, sự chững lại của nhóm ngành dẫn dắt, thông tin gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu Việt Nam của quỹ ETF VNM…

Theo VDSC, việc thị trường tiếp tục nhận thêm nhiều luồng thông tin đan xen tác động trái chiều như trên dù khiến NĐT khó phân tích tình thế hiện nay, nhưng các thông tin này phần lớn chỉ mang tính tác động ngắn hạn và về mặt tâm lý. Trong khi, thông tin tích cực về giảm lãi suất lại tạo ra nền tảng hỗ trợ mang tính trung hạn, góp phần định hướng dòng tiền.

Còn trước mắt, những thông tin kết quả kinh doanh quý I, mùa đại hội cổ đông, trong đó các thông tin liên quan đến thâu tóm sáp nhập, kế hoạch phát hành tăng vốn hay xóa lỗ lũy kế… sẽ thu hút được sự quan tâm của NĐT.

Trước những luồng thông tin trái chiều trên, diễn biến đáng chú ý chính là động thái bán ròng liên tục 8 phiên liền của khối NĐT nước ngoài (từ phiên ngày 6 - 17/3) trên HoSE. Trong quá khứ, khá nhiều sóng tăng đã được khởi tạo và dẫn dắt bởi dòng tiền ngoại.

Cụ thể, khối này có hai giai đoạn bắt đầu mua ròng giá trị lớn là từ tháng 9/2013 đến tháng 2/2014 và giai đoạn tháng 4 - 6/2014, tương ứng với hai con sóng lớn của VN-Index kéo dài từ cuối năm 2013 đến tháng 4/2014 và giai đoạn từ tháng 5 - 9/2014.

Trong tháng 2/2015, khối ngoại cũng đẩy mạnh mua vào, trong khi bán ra với giá trị thấp. Hoạt động mua ròng dồn dập của khối này cũng là động lực chính giúp hai chỉ số tăng điểm. Theo nhận định của chuyên gia phân tích đến từ CTCK Bảo Việt (BVSC), động thái giao dịch của khối ngoại sẽ tiếp tục là một trong những yếu tố chính chi phối thị trường trong tháng 3 này.

Với việc nền kinh tế Nhật Bản và EU vẫn đang đối diện nhiều khó khăn và khả năng chính sách nới lỏng tiền tệ của NHTW sẽ tiếp tục được duy trì trong năm, cùng với đó là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ không nâng lãi suất trong hai quý đầu năm nay, theo dự đoán của các tổ chức kinh tế thế giới, BVSC kỳ vọng dòng tiền tiếp tục tìm đến thị trường đang phát triển để được hưởng lợi suất cao, qua đó giúp chứng khoán Việt Nam hưởng lợi.

 

Trí Tri

 


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]