Lý do đi học của các bà vợ

Chán cảnh suốt ngày đầu tắt mặt tối việc gia đình, Minh đăng ký học thêm lớp tại chức để có chút thời gian rảnh cho bản thân. Đến lớp, Minh chỉ ngồi bàn cuối tụ tập buôn chuyện và tự hào: "Em đi cho vui, chứ học kiểu này làm gì có kiến thức. Đi học còn có cớ để tụ tập".

15.6037

Là giáo viên của một trường mầm non quận Đống Đa, do yêu cầu của nhà trường, Thảo cùng mấy chị đồng nghiệp được cử đi học lớp đại học tại chức buổi tối. Nhận được thông báo, Thảo mừng lắm, vừa được cái bằng lại không tốn học phí.

Cầm giấy thông báo về khoe với chồng, Thảo không nhận được một lời động viên. Trái lại, Hùng, chồng Thảo, tỏ ra bực tức: “Em dạy mẫu giáo, cần học lắm làm gì? Ở nhà mình anh lo là đủ rồi. Em đi học, ai đón con, ai lo cơm nước cho gia đình?”.

 

Thảo dỗ dành: “Mọi người làm được thì em cũng làm được. Em sẽ nhờ bà ngoại chăm con. Việc gia đình em sẽ cố gắng làm vào lúc rảnh”.

 

Hùng cáu tiết: “Lương giáo viên mầm non ba cọc ba đồng, chưa đủ mua sữa cho con. Học có lên hiệu trưởng không mà ham. Không học hành gì hết!”.

 

Tưởng chồng nóng giận nhất thời, Thảo chờ Hùng nguôi rồi nhẹ nhàng dỗ. Nào ngờ, hôm sau đi làm về, thấy tập hồ sơ tuyển sinh đã bị xé tan. Nhìn đồng nghiệp rục rịch đi nộp hồ sơ, Thảo tiếc nuối: “Con em còn bé quá…”.

 

Từ khi vợ đi học thêm văn bằng hai ngoại ngữ, vợ chồng Tuấn Lan đã nhiều lần lục đục. Tan tầm, Lan vội vàng ăn tạm cái bánh mỳ, rồi đi xe từ Hoàng Hoa Thám sang Thanh Xuân để học. Công việc cơ quan, nội trợ gia đình cộng thêm việc học tuần ba buổi khiến Lan lúc nào cũng mệt mỏi. 

 

Bữa tối ngày nào cũng bắt đầu lúc 9 giờ. Để không phải lo nhiều việc gia đình, Lan đã nhờ một chị họ hàng ở quê lên đỡ, thế mà nhiều lúc vẫn không biết xoay sở thế nào với vai trò vừa làm vợ, vừa làm mẹ, vừa đi học.

 

Ông bà nội mỗi lần sang thăm cháu thấy nhà vắng tanh lại phàn nàn: “Vợ đi đằng vợ, chồng đi đằng chồng. Con gái học hành nhiều làm gì. Ai lại để thằng bé ở nhà thế này…”. 

 

Có những tối Tuấn thèm “yêu”, Lan lại từ chối: “Em mệt lắm. Mai em thi rồi”. Tuấn càng bực mình: “Em bỏ quách cái lớp đó đi. Suốt ngày chỉ học không quan tâm đến chồng con gì cả”. Những ngày nghỉ cuối tuần, Tuấn muốn cả nhà đi chơi thì Lan lại bận học bù, học cuốn chiếu. 

 

Vợ chồng cùng đi học

 

Trong khi chồng đang chuẩn bị bảo vệ luận văn tiến sĩ, Ngát cũng học thạc sĩ. Ngát tâm sự: “Người phụ nữ cũng cần nâng cao trình độ học vấn để khẳng định vị trí của mình. Nhưng vừa làm vợ, làm mẹ, rồi công việc, học hành, không đơn giản.

 

Vợ chồng đều đi học có cái mừng, cái tủi. Mừng vì chồng cũng hiểu mình, tạo điều kiện cho mình. Tủi ở chỗ không đủ thời gian chăm lo cho gia đình. Bọn mình phải tạm gác chuyện sinh thêm đứa thứ hai trong khi ông bà lúc nào cũng giục”. 

 

Động viên vợ đi học

 

Khác với những ông chồng ích kỷ, Thạch (Bảo Việt Bắc Ninh) là người khá tâm lý. Vợ làm ở ngân hàng thường xuyên phải tham gia đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, Thạch không những động viên mà còn chia sẻ, chung vai gách vác việc nhà. Hôm nào vợ đi học, Thạch đều về sớm đón con, rồi chuẩn bị bữa tối. 

 

Hôm đầu vắng mẹ, thằng nhỏ khóc quấy lắm. Thạch không biết xoay sở thế nào, lấy đủ thứ để dỗ con mà nó không nín. Đến lúc vợ về, nhìn hai bố con đang như đánh vật, thấy vừa thương vừa buồn cười. Kiểm tra tã thằng bé, nó tè ra từ lúc nào mà Thạch không hay. 

 

“Từ khi vợ đi học, mình học hỏi thêm nhiều thứ. Trước tan tầm là đi uống bia ở vỉa hè, giờ phải về sớm chăm con. Bạn bè nhiều lúc cũng trêu, nhưng mình tự hào, chăm vợ, con mình chứ ai đâu mà ngại. Cũng phải để cho phụ nữ tiến lên chứ” - Thạch nói.

 

Lợi dụng đi học

 

Chán cảnh suốt ngày đầu tắt mặt tối việc gia đình, Minh đăng ký học thêm lớp tại chức để có chút thời gian rảnh cho bản thân. Đến lớp, Minh chỉ ngồi cuối bàn tụ tập buôn chuyện với mấy chị cùng lớp. Minh tự hào: “Em đi cho vui, chứ học kiểu này làm gì có kiến thức. Đi học còn có cớ để tụ tập”.

 

Trong lớp, Minh quen với một anh làm công ty chứng khoán, vừa phong độ vừa ga lăng. Sau vài lần đi uống café, hai người “bén duyên” lúc nào không biết, rồi họ rủ nhau trốn học sang Gia Lâm “ôn bài”.

 

Thấy vợ khác hẳn, chồng Minh sinh nghi nhờ người theo dõi. Sự việc đổ bể khi anh bắt quả tang vợ mình đang ôm ấp ông bạn cùng lớp trong nhà nghỉ. 

 

Phụ nữ mong muốn được đi học để nâng cao trình độ, vị thế trong gia đình, xã hội là điều chính đáng. Song bởi còn thiên chức làm vợ, làm mẹ, các chị một khi muốn xông pha công việc bên ngoài cần lưu ý những điều sau:

 

Lên kế hoạch cho tương lai

 

Trước khi vợ đi học, vợ chồng cần bàn bạc kế hoạch chuẩn bị từ sớm để không rơi vào tình thế bị động trong việc chăm lo gia đình.

 

Chia sẻ công việc

 

Những lúc vợ đi học, người chồng có thể chia sẻ một số công việc nhà cho vợ như đón con, cắm cơm. Nếu chồng không thu xếp được, người vợ có thể nhờ những người thân trong gia đình giúp đỡ.

 

Dành thời gian cho gia đình

 

Cho dù có bận học đến đâu, người vợ vẫn phải quan tâm đến gia đình. Đừng vì mệt mỏi mà thường xuyên bỏ bữa hay ít khi vào bếp. Những bữa ăn nhanh ở bên ngoài hay cơm hộp không thể thay thế cho bữa cơm gia đình.

 

Quan tâm đến chồng

 

Để được chồng cảm thông, động viên, người vợ cũng nên thường xuyên quan tâm, chăm sóc đến ông xã. Đừng để anh ấy có cảm giác bị bỏ rơi. Phải biết duy trì ngọn lửa trong mối quan hệ vợ chồng.

 

Không quên nhiệm vụ của người mẹ

 

Bạn không thể phó mặc chuyện dạy con cho người giúp việc hay người thân trong nhà. Hàng ngày hãy dành chút thời gian cho con, đơn giản như tắm cho bé, thay đồ, đưa bé đi ngủ. Những lời âu yếm của mẹ sẽ cho trẻ thấy mình còn được quan tâm.

 

Theo Dân Trí

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]