Mắc bệnh đỏ da toàn thân do thuốc

SKĐS - Ðỏ da toàn thân (ÐDTT) còn gọi là viêm da tróc vảy toàn thân, là tình trạng toàn thể da bệnh nhân đỏ khắp người...

0

Ðỏ da toàn thân (ÐDTT) còn gọi là viêm da tróc vảy toàn thân, là tình trạng toàn thể da bệnh nhân đỏ khắp người, đỏ như con tôm luộc từ đầu đến chân. Phù nề toàn thân, tiết dịch hoặc đỏ da bong vảy khô và rụng lông tóc. Bệnh do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên do dùng thuốc bừa bãi mà mắc bệnh ÐDTT là điều mà mọi người cần lưu ý.

Ðặc điểm của bệnh

Bệnh có thể bắt đầu với những mảng đỏ, sưng phù, lan rộng nhanh chóng, cho đến khi toàn bộ da bị tổn thương. Khởi đầu có kèm theo các triệu chứng nhiễm độc của toàn thân. Da trở nên đỏ phù, có tiết dịch, tróc vảy da rất rõ sau vài ngày, vảy da khô hoặc ướt, mịn và khô nhỏ, có khi là mảng lớn. Mảng lớn thường gặp ở lòng bàn tay, bàn chân, da đầu thường có vảy dày kết hợp với chất bã nhờn và những sản phẩm của nhiễm khuẩn thứ phát. Kết mạc mắt và niêm mạc đường hô hấp cũng bị ảnh hưởng. Nhiễm khuẩn thứ phát do vi khuẩn sinh mủ thường làm cho diễn biến bệnh nặng hơn. Khi đó người bệnh sẽ thấy những dấu hiệu cơ năng như: ngứa, rét run, sốt, làm bệnh nhân khó chịu, xuất hiện nhiều mụn nước và mụn mủ toàn thân.

Tổn thương do viêm da tróc vảy toàn thân.

Vì sao mắc bệnh?

Bệnh ĐDTT tiên phát hay gặp trong bệnh willson-brocq: bệnh nhân xuất hiện đỏ da lan dần toàn thân kèm theo xuất hiện hạch ngoại vi.

ĐDTT thứ phát: Sau những bệnh da có từ trước như vảy nến, Liken phẳng, chàm cấp, vảy nến đỏ nang lông, Pemphigus dạng vảy lá; sau một bệnh nhiễm khuẩn, chủ yếu do liên cầu; do bệnh máu ác tính: leucemie, u sùi dạng nấm (mycosid fongoid), biểu mô bào lưới, hodgkin; ĐDTT bẩm sinh; ĐDTT do thuốc hay gặp nhất so với các nguyên nhân khác.

ĐDTT do thuốc là một trong những biểu hiện lâm sàng của dị ứng nhiễm độc da với các thể: hồng ban đa dạng, hội chứng Steven Johnson, hội chứng Lyell, hồng ban cố định nhiễm sắc. ĐDTT do thuốc được xem như một bệnh da cấp cứu. Thường do dùng dài ngày, liều cao, hay gặp trong quá trình điều trị bằng các thuốc kháng sinh: penicillin, streptomycin, sulfamide chậm, clorocid, quinine; thuốc an thần: gacdenan, bacbiturate; thuốc hạ nhiệt giảm đau: pyramidon; thủy ngân, asen, cà độc dược, mã tiền... những thuốc này hay gây dị ứng ở những bệnh nhân có cơ địa mẫn cảm.

Biểu hiện của ĐDTT do thuốc: Xuất hiện đột ngột sau khi dùng thuốc dưới các dạng tiêm, uống, xông hoặc bôi, bệnh nhân thấy sốt cao kèm theo rét run, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, cơ thể mệt mỏi uể oải, ngứa da. Sau 1-2 ngày bệnh đến giai đoạn toàn phát: bệnh nhân tiếp tục ngứa khắp người, ở đầu chi và mi mắt ngứa nhiều hơn, da đỏ và loang rộng khắp cơ thể. Có thể bong vảy da ở vùng da mỏng, vảy bong như vảy phấn. Đồng thời với tổn thương da còn xuất hiện các triệu chứng: nổi hạch nhiều nơi, hạch to, di động và đau; gan to, có biểu hiện rối loạn chức năng; phù, tiểu ít, có albunin niệu, hồng cầu, bạch cầu và trụ niệu; trường hợp nặng có thể vô niệu; urê huyết cao, rối loạn điện giải. Thời kỳ lui bệnh, thường khoảng từ ngày thứ 10 trở đi, nếu được điều trị tốt, bệnh nhân đỡ hoặc hết sốt, da bớt đỏ dần và trở nên sẫm màu. Tuy tổn thương da thuyên giảm nhưng lại xuất hiện các rối loạn chức năng của các cơ quan như: rối loạn dự trữ kiềm, toan hóa máu, urê huyết cao, rối loạn điện giải, rối loạn chức năng gan, thận. Nhiều tai biến dẫn đến cấp cứu nội khoa cũng hay xảy ra ở thời kỳ này.

Chữa bệnh ÐDTT

Nguyên tắc điều trị là tùy theo nguyên nhân và mức độ của bệnh mà có cách điều trị thích hợp. Thận trọng trong việc dùng thuốc tại chỗ và toàn thân. Người bệnh nặng phải được điều trị ở những nơi có hệ thống cấp cứu kịp thời. Kết hợp cả điều trị toàn thân và điều trị tại chỗ. Với toàn thân cần truyền dịch, truyền đạm, dinh dưỡng thích hợp. Dùng vitamin C liều cao, kháng sinh và corticoid kèm theo tùy theo từng trường hợp. Khi dùng thuốc điều trị tại chỗ cần lưu ý thận trọng vì trên nền da người bệnh đã bị viêm nhiễm, mất sức đề kháng nên dễ gây phản ứng, dị ứng tùy theo giai đoạn của tổn thương, cấp, bán cấp và mạn tính mà có thuốc bôi cho thích hợp.

Làm gì để phòng bệnh?

Nên kiểm tra sức khỏe ít nhất 1 lần/năm để phát hiện bệnh sớm, tránh mọi yếu tố như thuốc, hóa chất có thể gây tổn thương da. Vệ sinh da tốt theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Khi mắc bệnh ngoài da cần phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa, không được tự động bôi thuốc dù bệnh rất nhẹ. Không dùng thuốc bừa bãi kể cả thuốc tại chỗ và toàn thân khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trong gia đình có người bị dị ứng do thuốc thì các thành viên khác nên cẩn thận khi phải dùng thuốc chữa bệnh. Khi dùng thuốc nên ghi nhận những thuốc đã dùng và theo dõi trong vài ngày sau để phát hiện những biểu hiện bệnh ở da.

Bệnh ÐDTT hay gặp nhất là nguyên nhân do thuốc, thường chiếm 2-3% bệnh nhân nhập viện. Việc sử dụng thuốc bừa bãi là một trong những nguyên nhân dẫn đến ÐDTT do thuốc. Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ. Ða số các trường hợp bệnh phản ứng nhẹ, thường kèm ngứa, triệu chứng giảm sau ngưng thuốc. Tuy nhiên cũng có trường hợp nặng đe dọa tính mạng bệnh nhân và khó tiên lượng.

BS. Nguyễn Hoa

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]