Mặc đồ giặt khô dễ bị ung thư

Hóa chất dùng để giặt khô là chất độc hại có khả năng ăn mòn, có thể gây kích ứng da, mắt, hô hấp, có thể gây tử vong cho người dùng.

15.5422

Chị Huê đang giặt khăn chải bàn bằng hóa chất.

Chuyện trong hiệu giặt khô

Chị Nguyễn Thị Huê năm nay 30 tuổi đang làm việc ở một tiệm giặt khô phường Thịnh Liệt, Q Hoàng Mai, Hà Nội được 3 năm. Chị đến với công việc này qua lời giới thiệu của một người bạn cùng quê Bắc Giang.

Ngay từ đầu vào làm ở tiệm giặt, chị Huê đã được giao đứng khâu lọc đồ quá bẩn cho vào ngâm trong hỗn hợp nước và chất tẩy mạnh. Sau 40 phút ngâm trong hóa chất, chị phải vớt đồ ra và chải thô bằng tay những chỗ vẫn còn bẩn trước khi cho vào máy.

Ngày đầu làm việc, vì chưa quen với mùi hóa chất, chị Huê bị ngất. Lúc đó chị đang ngồi cắm cúi giặt tắm khăn trải bàn thì bị choáng, chóng mặt, buồn nôn, thở khó… Chị định đứng lên nghỉ ngơi thì người lảo đảo rồi ngã lăn xuống nên nhà ngất lịm. Chị em trong xưởng phải bế chị chạy ra ngoài hít thở không khí.

Bữa cơm trưa hôm đó chị không thể ăn được, vì cứ ăn vào là bị nôn ra. Sang ngày thứ 2, chị không bị ngất nữa nhưng người cứ choáng váng, đầu thì đau và cũng không ăn được cơm. Thấy chị lo lắng, các bạn đồng nghiệp an ủi: "đấy là chuyện thường ngày của xưởng giặt".

Kho chứa đồ đã được giặt xong chuẩn bị trả lại cho khách.

Làm được 1 tuần thì chị Huê bắt đầu quen và chị cũng được biết khâu mình đang đứng chính là khâu "khoai" nhất của cửa hàng vì phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất nhiều nhất. Biết rằng làm trong môi trường này càng lâu, sức khỏe càng bị ảnh hưởng, nhưng vì chỉ học hết lớp 9, chẳng có nghề nghiệp trong tay, không người thân quen trên thành phố nên chị đành nhắm mắt mà làm, có gì thì tính tiếp.

Sang tuần thứ 2, chị Huê bắt đầu bị dị ứng da tay. Chị cho biết dù đã có găng tay bảo vệ, nhưng chẳng ăn thua vì găng hay bị thủng, nước giặt hay tràn vào nên găng tay chẳng có mấy tác dụng.

Chị Huê cho biết: "Thấy tay bị vậy, tôi cũng chịu khó dùng thuốc rồi đi khám, nhưng chỉ hết được vài hôm. Sau đâu cũng vào đấy nên chán cứ kệ. Mà đừng tưởng chỉ người mới chưa quen việc thì bị ngất. Làm được hơn 1 năm rồi mà tôi vẫn cứ bị ngất đó thôi. Lần ngất mới đây nhất của tôi là vào 2 tháng trước. Vì mùi hóa chất trong xưởng nặng quá".

Phụ nữ làm trong tiệm giặt bị ngất có thể cho là vì sức khỏe kém. Nhưng đến đàn ông thanh niên làm ở trong tiệm giặt cũng thấy choáng vì mùi hóa chất. Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Nam làm cùng tiệm giặt với chị Huê. Anh Nam năm nay 33 tuổi mới vào làm ở tiệm giặt hơn bốn tháng.

Anh Nam chia sẻ: "Ở quê quen làm các việc đồng áng, hôm nào làm nhiều cũng thấy mệt nhưng chưa bao giờ bị ngất hay say nắng. Thế mà ngày đầu tiên làm trong xưởng giặt phải đứng máy liên tục trong ba tiếng tôi đã bị choáng và nôn thốc nôn tháo".

Dù luôn ý thức hóa chất được dùng trong giặt khô rất độc, nhưng chị Huê, anh Nam cũng như các nhân viên làm việc trong tiệm giặt khô đều không biết tên của các loại hóa chất đó. Chủ tiệm cứ mang về từng thùng từng thùng hóa chất rồi chỉ nhân viên cách pha chế tỷ lệ với nước. Các thùng đó thường không có nhãn mác, nếu có thì cũng là chữ nước ngoài nên họ không đọc được.

Độc vì đâu?

Để tìm hiểu về các hóa chất được dùng trong giặt khô, tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của cô bạn có người quen mở cửa hiệu giặt khô ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Vì quen biết nên bà chủ cửa hiệu giặt khô này khá cởi mở với tôi.

Bà nói: "Mỗi ngày chúng tôi phải giặt rất nhiều đồ nên không thể dùng những loại bột giặt thông thường như ở gia đình được. Chúng tôi có loại hóa chất giặt tẩy riêng".

Bà cho biết thường lên Hàng Hòm lấy chất giặt tẩy về. Một trong những dung môi mà cửa hàng bà hay dùng là Hydrogen peroxide, còn những chất tẩy khác thì bà từ chối nói tên vì: "Ôi, cô biết làm gì, tên nó khó đọc lắm, người trong nghề như chúng tôi còn quên nữa là".

Thùng hóa chất trong hiệu giặt chất cao nhưng không hề có nhãn mác.

Xin phép bà chủ ra phía sau tham quan quy mô xưởng giặt. Theo quan sát của tôi, phía sau cùng của hiệu giặt là nhà kho chứa đồ với các can chứa thuốc tẩy được xếp chồng lên nhau để dùng dần. Phần lớn hoá chất được đựng trong những can nhựa màu xanh với dung tích mỗi can 20 lít.

Trên các thùng không hề có nhãn mác. Hóa chất chứa trong can dạng lỏng, màu trắng khi đổ trực tiếp vào vết dầu ăn trên khăn trắng chúng sủi chút bọt, nhưng không nhiều. Dùng bàn chải chà trực tiếp trên vết dầu khoảng vài phút, vết loang sẽ không còn, chiếc khăn lại trắng như mới.

Tìm hiểu về chất Hydrogen peroxide chúng tôi được biết đây là nước ôxy già có công thức hóa học H2O2, là một chất lỏng trong suốt, nhớt hơn một chút so với nước, có các thuộc tính ôxi hóa mạnh và vì thế là chất tẩy trắng mạnh được sử dụng như là chất tẩy. Đây là hóa chất được khuyến khích dùng. Nhưng nó cũng có những cảnh báo nguy hiểm vì là chất độc hại có khả năng ăn mòn, có thể gây kích ứng da, mắt, hô hấp, có thể gây tử vong cho người dùng.

Đấy chỉ là những thông tin về chất Hydrogen peroxide được các cơ quan chức năng cho phép sử dụng trong giặt khô, còn những loại hóa chất khác mà bà chủ cửa hiệu ở Hoàng Mai từ chối cho biết tên sẽ độc hại như thế nào?

Một mảnh giất nhỏ được dán trên thùng nhưng đã cũ.

Theo tìm hiểu của phóng viên chúng tôi, một trong những chất cấm nhưng có khả năng tẩy trắng cực mạnh nên vẫn được các hiệu giặt khô sử dụng nhiều là PERC (perchloroethylene).

Tại Mỹ đã có tới 80% trong số hơn 35.000 tiệm giặt có sử dụng chất PERC trong quá trình giặt khô. Từ năm 2007, California là bang đầu tiên ở Mỹ thực hiện lệnh cấm dùng chất PERC trong giặt khô vì đây là chất độc thần kinh, chất sinh ung thư không chỉ cho những người trực tiếp tiếp xúc như nhân viên hiệu giặt mà cả những người mặc quần áo giặt khô bằng hóa chất này cũng bị ảnh hưởng.

Tác dụng không tốt thường thấy của PERC là: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, suy nhược hệ thần kinh trung ương, tổn thương gan, thận, giảm trí nhớ thoảng qua, mất định hướng; dị ứng và ngứa mắt, mũi, cuống họng, da khô…

Thay cho lời kết

Với người thành phố giặt khô là chuyện hết sức bình thường và nhiều người còn lấy đó là chuẩn đo sự sang cả.

Nhưng với những người trực tiếp làm việc với các chất này thì: "Thực ra chúng tôi đều biết làm ở các tiệm giặt là độc hại vì suốt ngày phải hít, làm việc trực tiếp với hóa chất. Nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải làm. Nhưng hầu hết những người cùng làm với tôi đều xác định chỉ làm lúc chưa có gia đình thôi, sau này lấy chồng có con thì nhất định phải nghỉ", đây là lời tâm sự thật lòng của chị Nguyễn Thị Huê.

Hạn chế tác hại của giặt khô

- Hạn chế chọn mua loại quần áo chỉ được giặt khô.

- Thay vì giặt khô hãy chọn giặt nước.

- Sau khi lấy quần áo giặt khô về nhà, nên vứt bỏ túi bọc nylon, treo quần áo nơi thoáng khí để các hóa chất còn vương lại bay đi trước khi mặc.


Theo Diệp Hương - Sức khỏe gia đình
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]