Mạc Ngôn trong cách ứng xử với quê hương

Tìm hiểu về Mạc Ngôn, cần đặt ông trong môi trường quê hương. Nhà văn 55 tuổi sinh ra ở Cao Mật, Sơn Đông, Trung Quốc - mảnh đất ông coi là nguồn cảm hứng cho sáng tạo của mình.

15.5907

Thanh Huyền - 

Nơi đây còn là bối cảnh cho phần lớn các tiểu thuyết sống động, kiệt xuất của ông. Để vinh danh người con nổi tiếng của quê hương, các quan chức Cao Mật mới đây đã đãi nhà văn một bữa trưa xa xỉ. Khi 3 món chính được đưa ra, gồm cá, hàu và hải sâm, nhà văn tỏ ra rất ngỡ ngàng. "Tôi không biết Cao Mật cũng có những nhà hàng sang trọng như vậy", ông thốt lên trước sự thích thú của những người "chủ chi".

Nhà văn Mạc Ngôn.

Dù vẫn giữ được những đường nét cơ bản, Mạc Ngôn cho rằng, thành phố Cao Mật hiện đại ngày nay khác xa với cái đô thị nửa quê nửa tỉnh xuất hiện trong tiểu thuyết của ông hồi giữa thế kỷ 20 - khi người nông dân còn cưỡi những con lừa hay lạc đà lặc lè, khốn khổ trên những con đường bụi bặm. Những hình ảnh này có thể còn tìm thấy trong bộ phim Cao lương đỏ của đạo diễn Trương Nghệ Mưu - chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn. Phần lớn tiểu thuyết của Mạc Ngôn, từ tác phẩm được ông coi là kiệt tác của mình - Báu vật của đời (nguyên tác: Phong nhũ phì đồn - 1996) cho đến  Ếch - mới ra mắt cuốn năm 2009, đều dựng nên một thế giới dường như rất xa xăm, xa lạ với khoảng 350 triệu người Trung Quốc sinh ra sau năm 1980. Nhưng chính họ lại là đối tượng độc giả chính đọc tiểu thuyết của ông.

Bằng cách viết về quá khứ, chọn phong cách hiện thực huyền ảo tinh tế và khéo léo, Mạc Ngôn tránh được việc "gây thù chuốc oán" với những nhà kiểm duyệt thận trọng của Trung Quốc. Chẳng hạn như với cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông. Lấy đề tài chính sách một con ở Trung Quốc, Ếch kể câu chuyện của những nhân vật ở lứa tuổi trung niên - lớp người chứng kiến tấn bi kịch của chính sách kế hoạch hóa gia đình kéo dài hơn 30 năm ở Trung Quốc với những cảnh triệt sản, nạo phá thai rùng rợn. Mạc Ngôn cho biết, ông nung nấu ý tưởng viết Ếch từ đầu những năm 1980, nhưng phải đến năm 2009, cuốn tiểu thuyết mới ra mắt. "Tôi trì hoãn việc viết Ếch vì bận quá nhiều việc chứ không phải vì đây là đề tài nhạy cảm", nhà văn giải thích với The Times. "Hơn nữa, cũng không có luật nào cấm tôi viết về chuyện này cả", nhà văn nói thêm.

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông - "Ếch".

Tuy vậy, Eric Abrahamsen, dịch giả văn học Trung Quốc hiện đại, vẫn cho rằng, Mạc Ngôn là người biết lựa thời, ông tìm được lời giải thích hợp cho câu hỏi, cái gì là được và không được phép viết với các nhà văn Trung Quốc. Chẳng có gì là sai trái trong cách lựa thời này cả. Bởi không một nhà văn nào muốn mình bất đồng với chính quyền và từng bị cấm trong quá khứ, Mạc Ngôn không thể không giữ gìn. Nhưng bây giờ, theo Abrahamsen, Mạc Ngôn "biết chính xác đâu là ranh giới và ông không dại gì vượt qua nó". "Việc bàn luận về những hạn chế của chính sách một con giờ đã được chấp nhận ở Trung Quốc. Tôi nghĩ, cuốn sách được xuất bản vì đề tài này đã không còn gây tranh cãi nữa", Abrahamsen nói.

Riêng Mạc Ngôn vẫn cứng rắn cho rằng, ông không bao giờ để nỗi sợ kiểm duyệt làm ảnh hưởng đến việc chọn đề tài. "Quốc gia nào cũng có những hạn chế nhất định đối với các nhà văn. Ở một góc độ nào đó, nó có thể là yếu tố tích cực, giúp nhà văn tập trung vào phương diện nghệ thuật của văn học", Mạc Ngôn nói.

"Một trong những hạn chế của văn học hiện nay là thiếu sự tinh tế. Nhà văn nên giấu kín thông điệp của mình để truyền tải nó vào các nhân vật trong tác phẩm", ông nhận xét.

Dù vì lý do gì, Mạc Ngôn cam đoan rằng, tiểu thuyết của ông cũng sẽ vẫn bám rễ vào mảnh đất Cao Mật quê hương. Cuốn tiểu thuyết sắp tới của ông sẽ tập trung vào câu chuyện những năm 1930 của thành phố này - khi cả đất nước Trung Quốc đang bị chiến tranh xé nát.

Mạc Ngôn cũng rất quan tâm theo dõi các nhà văn đương đại. Nhưng nhà văn thành thực chia sẻ, rằng ông không thích nổi các tác phẩm của họ. "Tôi sẽ không viết kiểu tiểu thuyết như vậy, nhưng tôi hiểu lý do tồn tại của chúng", ông nói. Nhà văn cũng không ngần ngại chia sẻ rằng, trước đây, ông viết văn vì tiền. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã thay đổi. "Bây giờ, tại sao tôi vẫn viết dù chỉ đủ ăn bánh bao? Bởi tôi có chuyện để kể", ông nói.

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]