Mách mẹ bầu cách đánh bật 7 triệu chứng khó chịu nơi công sở

Trong giai đoạn này, cơ thể bạn lúc nào cũng mệt mỏi và đau nhức, nhưng bạn lại luôn phải giải quyết công việc trên máy vi tính. Điều này càng khiến bạn khó chịu, dễ nổi nóng với ngay chính đồng nghiệp của mình. Với mỗi triệu chứng khó chịu, bạn đều có thể khắc phục bằng các giải pháp khác nhau. Hãy tham khảo những lưu ý sau để biết mình nên làm gì nhé.

0

ỐM NGHÉN

Trong ba tháng đầu thai kỳ, 70% phụ nữ thường bị buồn nôn và nôn. Lý do là sự thay đổi hormone nhanh làm các cơ trong dạ dày, ruột co lại hoặc việc ăn quá no, quá đói sẽ dẫn đến buồn nôn. 

Cách khắc phục: Bạn chia thành 5 bữa/ngày (3 bữa chính và 2 bữa phụ). Hãy trữ sẵn bánh quy, trái cây sấy khô, ô mai và mứt quất (tắc). Uống trà gừng vào buổi sáng và tối. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, có mùi tanh như hải sản trong ba tháng đầu. Luôn giữ túi đựng chất nôn, phòng khi bạn không ra nhà vệ sinh kịp.

Bạn có thể uống trà gừng vào buổi sáng và tối để giảm cảm giác buồn nôn.

Ợ NÓNG

Sự thay đổi của hormone khiến dịch dạ dày trào lên thực quản gây ra tình trạng ợ nóng.

Cách khắc phục: Uống nhiều nước, tránh ăn thực phẩm chua, nhiều dầu mỡ, cay nóng, cà phê, trà và bia rượu. Bạn cũng không nên ăn quá no khiến cơ thể không tiêu hóa kịp.

ĐAU LƯNG

Nguyên nhân do tử cung to ra hướng xuống dưới và về phía trước, làm giãn dây chằng đồng thời tác động liên tục vào sống lưng.

Cách khắc phục: 

- Giữ lưng thẳng khi ngồi và sử dụng ghế có điểm tựa để giảm tác động vào cột sống.

- Trong giờ làm, bạn thỉnh thoảng đứng lên đi lại nhẹ nhàng và thay đổi tư thế ngồi.

- Tốt nhất bàn phím nên vừa tầm để bạn không phải điều tiết mắt nhiều hay ngồi khom lưng.

Trong giờ làm, thỉnh thoảng bạn nên đứng lên và đi lại.

ĐAU CHÂN

Chân phù nề dẫn tới rối loạn chuyển hóa, ứ đọng axit lactic gây ra đau chân. Sự phù nề ở chân là do thai to lên, chèn vào mạch máu, nhất là tĩnh mạch nên máu khó lưu thông.

Cách khắc phục:

- Thỉnh thoảng bạn đứng lên đi lại để giãn cơ, kéo căng cơ và massage vùng cơ ở chân. 

- Lót ghế nhỏ hoặc gối giúp kê chân lên cao, đảm bảo tư thế ngồi thoải mái.

- Chọn giày đế thấp, mềm mại, đàn hồi tốt để tăng độ vững chắc cho cơ thể khi đi lại. Đồng thời, bạn chọn giày vải thay vì giày da.

- Khi phải đứng lâu hoặc đi nhiều, thỉnh thoảng bạn nên ngồi xuống một chiếc ghế êm, rộng để máu dễ lưu thông và giúp giảm đau, phù nề.

MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC DỄ MẮC BỆNH

Trong văn phòng, máy lạnh thường được bật liên tục, môi trường kín ít lưu thông không khí nên bạn dễ bị bệnh.

Cách khắc phục: Cứ khoảng 2 giờ, vào giữa buổi làm, bạn ra ngoài đi loanh quanh để hít thở khí trời, không ngồi gần máy lạnh và không để máy lạnh chĩa thẳng vào người. Bạn chăm súc miệng bằng nước muối nhạt vào buổi tối trước khi đi ngủ để phòng bệnh.

Bạn nên chọn vị trí ngồi cách xa máy lạnh.

THAY ĐỔI SẮC TỐ DA

Da sẽ bị thay đổi sắc tố trong thời gian mang thai. Do nội tiết tố thay đổi, chuyển hóa tăng nên bạn sẽ bị nám, mụn trên da.

Cách khắc phục: Bạn đắp mặt nạ dưa chuột, che chắn cẩn thận khi ra ngoài trời nắng và hạn chế ngồi giữa hướng máy lạnh vì tác động môi trường càng làm cho da dễ bị nám.

KHI NÀO NÊN NGỪNG ĐI LÀM?

Bạn nên ngừng đi làm nếu có những dấu hiệu sau:

- Có nguy cơ sinh non. Nếu bạn mang đa thai, khả năng sinh non khá lớn, bạn đừng cố gắng làm việc.

- Huyết áp cao hoặc có nguy cơ tiền sản giật.

- Có dấu hiệu suy cổ tử cung hoặc trước đây từng sẩy thai. 

- Thai nhi phát triển không bình thường.

Bạn nên nghỉ phép một tháng trước khi sinh vì đây là thời gian quan trọng để thai nhi phát triển toàn diện. Ngoài ra, đây là giai đoạn bạn nặng nề, di chuyển khó khăn và khó ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]