Mách mẹ cách cân đối tiền nhỏ, tiền to

Có con là niềm vui và cả sự đau đầu của bậc cha mẹ. Bên cạnh nỗi bận tâm về sức khỏe, sinh con và nuôi dạy con, một mối quan tâm thường trực là tài chính gia đình và để dành tiền cho con “làm của” về sau. MarryBaby sẽ mách bạn một vài kinh nghiệm quản lý tài chính hiệu quả để bước đầu tạo dựng cuộc sống thịnh vượng

15.5883

Một vài bí quyết phổ biến nhất để tiết kiệm chi tiêu

Giải pháp “cũ người mới ta”
Không nhất thiết phải mua mới mọi thứ. Mẹ có thể tìm đến những địa chỉ chuyên bán hàng dùng rồi hoặc hỏi xin bạn bè những vật dụng họ không còn cần nữa. Nhiều món hàng còn mới đến 99- 100% vì không được dùng đến. Hãy học tập kinh nghiệm này để tránh mua quá tay những thứ không cần thiết. Ngoài ra, tạo được thiện cảm tốt với người bán hàng sẽ giúp mẹ được mua với giá ưu đãi hơn.

Không chỉ mua, mẹ còn có thể bán thanh lý đồ dùng rồi. Lưu ý giữ lại bao bì, hướng dẫn sử dụng, hoá đơn mua hàng… vì chúng sẽ giúp món hàng của mẹ trở nên có giá trị hơn. Hàng cần thanh lý nên được “xả” càng sớm càng tốt, để hàng hoá ở tình trạng còn mới, công năng sử dụng còn nguyên vẹn, hoặc còn “hạn sử dụng”. Hãy chắc chắn quanh mình có một số bà mẹ, bạn mới,… với con cái cùng tuổi con mình để “lưu thông hàng hoá” dễ dàng hơn.

Mua ít và chỉ mua đồ tốt
Để tránh việc ham mua, cái gì cũng mua và làm chính mình ngạc nhiên “ủa mình có món này à”, có một kinh nghiệm tiêu dùng mà ít mẹ để ý. Đó là mua ít, chỉ mua đồ tốt. Mẹo này mới nghe thì có vẻ ngược, nhưng thử làm vài lần, các mẹ sẽ thấy ngay hiệu quả. Ví dụ về quần áo hoặc giày dép thì rõ rệt nhất. Một đôi giày tốt sẽ bền đẹp, dùng được một thời gian vẫn còn đẹp và an toàn, so sánh với những đôi giày kiểu “đẹp mã” thì rất “đau tim” khi đi vì có thể hỏng bất kỳ lúc nào. Áo quần cũng vậy. Những mặt hàng tốt thì mặc được rất lâu mà mình vải vẫn còn mới đẹp, còn các món ít tiền hơn chỉ cần giặt vài lần là xuống nước ngay. Ít đồ đạc còn giúp nhà cửa đẹp đẽ gọn gàng và ít tốn công chăm sóc.

Mua đúng nhu cầu, đúng đối tượng
Có mẹ thích mặc đồ mới liên tục, còn mẹ khác chỉ muốn có một số món thật đẹp mặc được nhiều lần. Bạn cứ mua theo nhu cầu và sở thích của mình, nhưng cần cân nhắc khi mua và biết phối hợp đồ tốt – xấu.

Đặc biệt, khi mua sắm cho con, bạn nên chọn lựa kỹ để đáp ứng mục đích sử dụng khác nhau. Chẳng hạn, áo quần cho trẻ con nên sắm những đồ ít tốn kém vì trẻ rất mau lớn, nhưng vẫn cần có vài món ‘sang chảnh’ để trẻ cảm nhận được tốt/ xấu của chất liệu và kiểu dáng, chi tiết, đường nét. Hơn nữa, trẻ được mặc đồ tốt thì cả cha mẹ lẫn con cái đều cảm thấy hãnh diện, vui sướng.

Đồ chơi cũng vậy. Đồ chơi cho trẻ không cần thiết mua nhiều món, tuyệt đối phải chọn loại tốt và phù hợp độ tuổi. Cha mẹ nên cùng chơi với con, dạy con nhiều cách sử dụng đồ chơi thì một món có thể chơi được rất nhiều kiểu cách khác nhau, kể cả nằm ngoài hướng dẫn của nhà sản xuất. Trao đổi đồ chơi với các bạn của trẻ cũng là ý hay. Khi đi mua đồ chơi cho trẻ có thể dẫn bé theo để mua được món đúng với sở thích của bé, thì cha mẹ sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc. Trẻ vài tháng tuổi đã có thể bộc lộ sự yêu/ ghét rất rõ rệt.

Nuôi con không lo thiếu thốn Việc nuôi con thường không lấp lánh màu hồng như những tưởng tượng của mẹ lúc còn mang thai. Để không lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau, ba mẹ cần chuẩn bị ngân sách một cách kỹ lưỡng. Nếu bạn chưa từng nghĩ tới điều này, đây sẽ là lúc thích hợp để bắt đầu tìm hiểu các kinh nghiệm hữu ích dưới đây

 Đầu tư vào những khoản nên chi
Có rất nhiều khoản chi mà thoạt nhiên mẹ cảm thấy nhiều, nhưng về lâu dài lại là món lợi, ví dụ các khoản bảo hiểm. Khi “hữu sự” mới thấy những khoản chi dùng này tiết kiệm cho chủ nhân biết bao. Hiện nay có rất nhiều loại bảo hiểm sức khoẻ cho mẹ đi sinh, cho bé, kể cả bảo hiểm nhân thọ cho trẻ vừa ra đời. Hãy lập một kế hoạch tài chính dài hơi (15-18 năm) cho con trẻ. Một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giúp các mẹ “bỏ ống” kha khá tiền cho tương lai. Hãy tìm những mặt hàng thuộc nhóm “chi dùng để tiết kiệm”, ví dụ các khoá học dành cho mẹ, các gói chăm sóc sức khoẻ định kỳ dành cho cả gia đình,… song song với việc nâng cao hiểu biết của mình để chống lãng phí.

Cuối cùng, một nguyên tắc ngắn gọn nhưng không kém phần quan trọng là luôn định ra ngân sách và danh mục đồ cần mua. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát “cơn ghiền” mua sắm và để dành được kha khá tiền. Khi đó, bạn có thể rút bớt một phần số tiền mình đã tiết kiệm được để “xả láng” (có kiểm soát) vì cuộc sống luôn cần những giây phút có cảm giác cân bằng.

 

 MarryBaby

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]