Mách nhỏ khi bạn sử dụng kính áp tròng

SKĐS - Bất cứ ai đều có thể bị nhiễm trùng mắt và những người đeo kính áp tròng có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

15.6013

Bất cứ ai đều có thể bị nhiễm trùng mắt và những người đeo kính áp tròng có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

Nhiễm trùng mắt do vi khuẩn, nấm hoặc virus có thể gây đỏ, ngứa và giảm thị lực. Tuy nhiên, nhiễm trùng mắt không chỉ gây phiền toái mà một số loại nhiễm trùng có thể gây tổn thương mắt rất nhanh nếu không được điều trị.

Báo cáo năm 2014 của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy mỗi năm có khoảng 1 triệu người Mỹ phải đến các cơ sở y tế do nhiễm trùng mắt liên quan đến kính áp tròng. Nếu đeo kính áp tròng, bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng mắt rất cao vì mắt kính làm giảm lượng ôxy chuyển tới giác mạc.

Vi khuẩn có thể trú ẩn ở mắt kính nếu bạn không xử lý, đeo hoặc bảo quản đúng cách. Dưới đây là một số biện pháp vệ sinh hiệu quả khi bạn đeo kính áp tròng:

Không chạm vào mắt kính khi chưa rửa tay. Bạn phải rửa tay bằng xà phòng và nước, sau đó sấy khô trước khi đeo kính. Thay dung dịch bảo quản hàng ngày. Tránh đổ dung dịch mới vào dung dịch cũ. Phải bỏ dung dịch cũ trước khi thêm dung dịch mới. Phải bảo quản mắt kính trong hộp kín, sạch. Không dùng lưỡi hoặc nước bọt để vệ sinh mắt kính vì có thể gây nhiễm trùng mắt. Bôi trơn mắt bằng thuốc nhỏ mắt không chứa chất bảo quản hoặc thuốc nhỏ dùng cho người đeo kính áp tròng. Nếu nhỏ thuốc hơn 6 lần/ngày, bạn phải đến cơ sở y tế để kiểm tra. Tháo mắt kính vào buổi tối ngay cả khi bạn đeo kính áp tròng sử dụng 1 lần. Đi khám mắt tối thiểu 1 lần/năm. Hãy thận trọng trước khi đeo kính. Nếu mắt bạn không nhìn thấy hoặc cảm thấy không bình thường, hãy tháo mắt kính ra khỏi mắt. Nếu hiện tượng này tái diễn thường xuyên, bạn hãy tới cơ sở y tế khám mắt để tránh tổn thương giác mạc và ảnh hưởng thị lực.

Một số dấu hiệu nhiễm khuẩn bao gồm đỏ, đau, nhạy cảm với ánh sáng, thị lực mờ, mắt có nhiều dử và cảm thấy cộm như có vật lạ trong mắt. Nếu bạn nghi ngờ bị nhiễm trùng mắt, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bạn nên tháo kính áp tròng và đeo kính thường; mang theo kính áp tròng, hộp bảo quản và các chai dung dịch đang sử dụng khi đến cơ sở y tế khám.

Nước mắt nhân tạo có thể hỗ trợ cho mắt khi bạn cần chăm sóc y tế. Nước mắt nhân tạo sẽ giúp mắt bạn cảm thấy khá hơn, nhưng chúng không thể làm hết nhiễm khuẩn. Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng mắt có thể điều trị dứt điểm bằng thuốc dùng tại chỗ và thuốc uống. Tuy nhiên, nếu giác mạc bị tổn thương thì phải phẫu thuật mắt.

BS Tuyết Mai

Theo MSN/Univadis

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]