Nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống rất khó khăn, cần được sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng.

Vượt qua con đường đá nhỏ, chúng tôi tìm đến nhà ông Huỳnh Ngọc Điệp và bà Huỳnh Thị Kim Cúc, ông bà nội của bé Khoa và Mi, hai trong số các bé bị ảnh hưởng HIV có hoàn cảnh khó khăn của xã.

Thiếu thốn đủ bề

Sóng gió đổ xuống ngôi nhà bé nhỏ này khi cha của Khoa và Mi bắt đầu đi vào con đường nghiện ngập. Bao nhiêu tiền kiếm được từ nghề chạy xe ôm anh đều nướng vào ma túy. Bà Cúc kể: “Cả cha mẹ của bé Mi đều bị nhiễm HIV. Cha nó mấy năm trước đánh nhau với người ta bị bắt. Mẹ nó từ khi sinh nó ra cũng đi đâu mất biệt, mấy năm trước có về thăm con một lần, tới nay không thấy tăm hơi. Tụi nó bỏ con lại cho hai ông bà già này nuôi. Mà tôi thì già rồi, lúc trước có đi dán vàng mã nhưng mấy năm nay người ta hạn chế làm vàng mã nên tôi cũng mất việc. Cả nhà bốn miệng ăn dựa hết vào mấy đồng ổng kiếm được. Ổng cũng 63 tuổi rồi, đi làm ngày cũng đâu được bao nhiêu”.

“Nếu lỡ tôi có bề nào, không biết tụi nó sống ra sao”. Trong ảnh: Bé Mi và ông nội. Ảnh: MT

Ông Điệp hằng ngày đi bán dạo đồ dùng học sinh xung quanh Chợ Lớn, chợ Kim Biên. Ông lớn tuổi lại bị cụt tay, buôn bán không được mau lẹ như người ta nên ngày chỉ kiếm được chừng 60.000-70.000 đồng mua gạo. Cái tay bị cụt là do ngày xưa trong một lần đi buôn củi ở Long Khánh, ông gặp tai nạn. Bây giờ gặp lúc trái gió trở trời vết thương đau nhức không chịu nổi. “Tôi già mà còn cụt tay, ngoài đi bán bút mực dạo thì còn biết làm gì để kiếm tiền nuôi vợ, nuôi cháu? Bữa nào bán được nhiều tiền thì mua vài con cá hấp hay miếng thịt cho tụi nó ăn, còn không thì cơm rau qua ngày. Khổ lắm nhưng phải ráng. Nói không sợ xui chứ nếu tôi có bề gì, ba bà cháu không biết sống ra sao” - ông Điệp chia sẻ.

Cũng đáng thương không kém là gia cảnh của bé Tống Hồ Ngọc Trâm, 10 tuổi. Cha của Trâm bị nhiễm HIV mất lúc bé mới một tuổi, mẹ bỏ đi lấy chồng khác. Trâm sống cùng ông bà nội. Bà Nguyễn Túy Dung, bà nội của Trâm, trước kia bán hàng rong trước cổng trường, mấy năm trước bà bị tai biến nên không làm được việc nặng. Cuộc sống của cả ba người dựa vào số tiền ít ỏi từ nghề làm phụ hồ của ông nội Trâm năm nay đã gần 60 tuổi. “Còn sống ngày nào thì ráng làm nuôi cháu ngày đó chứ biết sao. Già thì già chứ đâu có bỏ cháu mình được. Nó không có cha mẹ như những đứa trẻ khác, bây giờ mình bỏ nó nữa thì cuộc đời nó biết ra sao. Vợ chồng tôi chừng nào chết thì chịu chứ bây giờ phải ráng làm nuôi nó ăn học, không sau này nó đi vào con đường tội lỗi của cha nó thì tôi chết cũng không nhắm mắt” - bà Dung vừa nói vừa lau nước mắt.

Cần sự quan tâm của xã hội

Được biết hiện trên địa bàn xã Bình Chánh có 52 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV nhưng chỉ hơn chục em được xét hỗ trợ theo Nghị định 67 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội với mức 240.000 đồng/tháng. Chị Đặng Thị Ánh Tú, một cán bộ của xã, chia sẻ: “Đa phần những gia đình có trẻ bị ảnh hưởng HIV đều có hoàn cảnh khó khăn. Khoảng mấy năm trước còn có nhiều tổ chức, đoàn thể giúp đỡ nhưng bây giờ càng ngày càng ít người giúp. Nếu chỉ trông chờ vào số tiền 240.000 đồng đó thì làm sao mà đủ. Hơn nữa, chỉ khoảng 1/3 trẻ được xét vào diện được hỗ trợ mà thôi”.

Theo ông Võ Lê Phi Vũ, Phó Chủ tịch xã Bình Chánh thì tình trạng người dân ở xã bị nhiễm HIV tồn tại đã lâu, một phần do dân nhập cư đến, một phần do thanh niên trong xã thiếu hiểu biết, không có việc làm nên tìm đến ma túy dẫn tới nhiễm HIV. “Địa bàn xã Bình Chánh nằm sát quốc lộ 1A nên hoạt động kinh doanh, mua bán có từ lâu, đời sống kinh tế có phần cải thiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội cũng kéo theo nhiều tệ nạn. Đa số trẻ em bị ảnh hưởng HIV trong địa bàn xã là có cha, mẹ hoặc cả cha mẹ dính đến tệ nạn xã hội. Cũng có nhiều trường hợp người chồng đi làm ăn xa mắc bệnh nhưng không biết, về lây cho vợ con” - ông Vũ cho biết.

Trong số 52 trẻ này, có nhiều em mất cha hoặc mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Hơn nữa, do sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng còn cao nên việc hòa nhập của các em với xã hội, môi trường giáo dục còn gặp nhiều khó khăn. Các em đang phải gánh chịu hậu quả do chính các bậc làm cha làm mẹ gây nên, vì vậy càng cần nhiều hơn nữa sự cảm thông, giúp đỡ từ xã hội.

Bé Khoa năm nay bảy tuổi, hết hè là lên lớp 2. Sắp tới, bé Mi vào mẫu giáo, tôi không biết kiếm đâu ra tiền để nó được đi học với người ta. Mà đi học tôi cũng lo. Lúc trước mấy đứa nhỏ trong xóm đâu có cho hai anh em nó chơi chung, cứ bảo tụi nó là “con của virus”. Nhiều lần thằng Khoa khóc chạy về hỏi tôi: “Con của virus là gì hả bà?”. Con Mi thì không thấy nhắc nhưng thằng Khoa lâu lâu cứ hỏi tại sao cha mẹ nó không về. “Cha mẹ bỏ hai anh em tụi con rồi phải không bà?”... Những lúc như vậy tôi chỉ biết ôm cháu mà khóc.

Bà HUỲNH THỊ KIM CÚC, bà nội của hai bé Khoa và Mi

MAI THANH


Video đang được xem nhiều