Mang thai hộ, cứ tưởng ngon ăn...

(NLĐO)- Sếp tôi nói mang thai hộ hay mang thai cho mình thì cơ quan BHXH có thanh toán thêm đồng nào đâu mà quy định này nọ cho mệt!

0

Hôm bữa đọc báo, thấy có một bài viết với tiêu đề hấp dẫn “Nhiều ưu đãi đối với lao động nữ mang thai hộ”. Mới đọc tiêu đề, tưởng ngon ăn, tôi nói với mấy chị bạn đang ế như mình trong phòng: “Hay là tụi mình nghiên cứu kỹ coi có gì hay ho không để thực hiện. Gì chứ được ưu đãi là thích rồi”.

Vậy là tranh thủ lúc sếp đi họp, mấy chị em chụm đầu lại đọc kỹ bài báo nói về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc. Theo đó, cơ quan được phân công dự thảo là Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) đã đề xuất cụ thể, chi tiết về chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.

 

 

“Ủa, có gì đâu mà bảo là ưu đãi? Cái này trong quy định hiện hành có rồi, vẽ ra chi cho phức tạp vậy?”- chị Khai Minh, 36 tuổi, lớn tuổi nhất trong đám chúng tôi nhăn nhó. Chị chỉ ra: dự thảo quy định lao động nữ mang thai hộ đang tham gia BHXH bắt buộc, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền 10 ngày, 20 ngày, 40 ngày, 50 ngày tùy độ tuổi của thai.

Cũng theo dự thảo, lao động nữ mang thai hộ khi sinh con mà có đủ điều kiện đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản kể từ ngày nghỉ việc trước khi sinh cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật BHXH.

Dự thảo còn nêu nhiều vấn đề nhưng tựu trung chỉ là những quy định chung cho lao động nữ khi có bầu, sinh con. Tất nhiên, phải là lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc, có thời gian đóng BHXH thỏa mãn các điều kiện theo quy định chứ không phải tất cả phụ nữ mang thai hộ. Chị Ngọc Nữ hậm hực: “Vậy có gì đâu phải quy định lòng thòng như vậy? Mang thai hộ chỉ là khái niệm để phân biệt giữa những chủ thể trong quan hệ mượn và cho mượn tử cung thôi chứ đâu phải giữa người cho mượn tử cung với cơ quan BHXH, với nhà nước? Vì tôi cho mượn tử cung hay tôi mang thai cho tôi thì cơ quan BHXH vẫn thanh toán bấy nhiêu chế độ thôi mà?”.

 

Ảnh minh họa (Petrotimes)

 

Nghe mọi người bàn cãi, tôi thắc mắc: “Vậy theo các chị thì cái cần quy định là cái gì?”. Im lặng hồi lâu rồi các chị mỗi người một câu, góp ý như vầy: Nên quy định lao động nữ mang thai hộ không đóng BHXH nhưng người nhờ mang thai hộ có đóng thì sẽ được hoán đổi chế độ từ người này sang người kia. Nếu là cán bộ, công chức mà mang thai hộ thì không tính là một lần sinh con để xem xét thi đua, đề bạt hoặc kỷ luật khi họ mang thai và sinh con lần thứ ba, thứ tư... Cũng nên quy định rõ mỗi chị em chỉ được mang thai hộ tối đa bao nhiêu lần để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và bé cũng như việc thực hiện chế độ, chính sách về BHXH.

Mọi người đang rôm rả góp ý thì em Yến Lan, nhỏ tuổi nhất trong hội ế đưa tay xin phát biểu: “Em có thắc mắc. Trong trường hợp người vợ không có trứng do bị bệnh tật bẩm sinh thì có thể “xin trứng” của người mang thai hộ hay không và khi đó thì việc thụ thai có nhất thiết phải thụ tinh nhân tạo hay là thực hiện... bằng đường tự nhiên?”. Chưa ai kịp trả lời câu hỏi lắc léo ấy thì anh trưởng phòng bước vào. Anh đã nghe đầu đuôi mọi chuyện và gầm lên: “Mấy bà rảnh ghê hén? Làm việc không làm đi lo chuyện trời ơi, đất hỡi; tôi hạ thi đua hết bây giờ”.

Tôi len lén nhìn anh trưởng phòng, thấy vẻ mặt anh chẳng có gì là giận dữ nên mạnh dạn: “Sếp cũng nên nghiên cứu cái này vì trong phòng mình có nhiều chị em quá lứa, lỡ thì nhưng sức khỏe rất tốt, có thể cho mượn... cái đó để giúp giữ hạnh phúc cho những cặp vợ chồng hiếm muộn...”.

Tôi chưa nói hết ý thì anh trưởng phòng nạt: “Tôi coi kỹ rồi. Vớ vẩn. Mấy vị này cũng rảnh ghê, cái cần quy định thì lại không quy định, cái quy định thì nó đã có sẵn rồi. Mà mấy bà mang thai hộ hay mang thai cho mình thì cuối cùng cũng đẻ thôi chớ có khác gì đâu? Chỉ cần đưa vô nội quy, quy chế của đơn vị là được rồi, mắc gì phải cho vô nghị định cho to tát vậy? Thôi, đi làm việc đi. Tào lao quá!”.

Tôi không biết sếp nói cái gì tào lao nhưng tôi thấy những điều mà nãy giờ chúng tôi đề cập thì đúng là tào lao thiệt!

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]