Mất tiền trị mụn oan, không ngờ bệnh buồng trứng

Bốn năm ròng chị Hiền đến nhiều bác sĩ da liễu để điều trị nhưng mụn trứng cá cứ tái phát liên tục, chi chít trên mặt và lưng.

15.6046

Thân hình hơi béo, chân tay chị Hiền mọc lông khá nhiều, kinh nguyệt khoảng 2-3 tháng mới có một lần. Lần khám mụn gần đây nhất, một vị bác sĩ da liễu tại TPHCM nghi ngờ chị mắc hội chứng buồng trứng đa nang và khuyên đi khám phụ khoa. Kết quả kiểm tra cho thấy chị bị buồng trứng đa nang đúng như dự đoán. Sau một thời gian điều trị với các thuốc nội tiết, mụn bớt hẳn.

Thỉnh thoảng có bệnh nhân điều trị mụn trứng cá rồi phát hiện buồng trứng đa nang. Ảnh minh họa: webmd

BS Nguyễn Trọng Hào, Phó giám đốc BV Da liễu TPHCM cho biết thỉnh thoảng có bệnh nhân điều trị mụn trứng cá rồi phát hiện buồng trứng đa nang. Những trường hợp mụn cần nghĩ đến buồng trứng đa nang là vị trí mụn tập trung chủ yếu ở vùng dưới mặt, cổ, ngực, lưng trên.

Mụn khởi phát muộn hoặc tồn tại dai dẳng ở tuổi trưởng thành, không đáp ứng với điều trị thông thường. Những dấu hiệu khác giúp chẩn đoán là rậm lông (môi trên, cằm, quầng vú, ngực, lưng, vùng bụng dưới), tăng tiết bã nhiều, rụng tóc.

TS Bùi Chí Thương, giảng viên Bộ môn Phụ sản Đại học Y dược TPHCM cho biết, buồng trứng đa nang chỉ tình cờ phát hiện qua siêu âm thì không có ý nghĩa gì. Điều quan trọng là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Đây là một hội chứng bao gồm nhiều triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, cường androgen và hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm. Khi đó buồng trứng sẽ bị rối loạn phóng noãn nên thường gây khó thụ thai. 

Hội chứng này không rõ nguyên nhân, thường gặp trong lứa tuổi sinh đẻ. Đối với người Việt Nam thì rối loạn kinh nguyệt, thường gặp kinh thưa, trên 35 ngày mới có kinh một lần trong hội chứng buồng trứng đa nang chiếm 62-90%. Biểu hiện cường androgen như rậm lông chiếm 20-45%. Mụn trứng cá chiếm 39-50%. Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm (trên 12 nang từ 2-9mm trên một mặt cắt) khoảng 87-95%. Béo phì ít gặp hơn.

Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang tuỳ theo mục đích của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không muốn có thai thì chỉ cần cho thuốc progestin hàng tháng hoặc uống viên thuốc ngừa thai phối hợp mỗi 3-4 tháng một vỉ. Điều này giúp làm tróc niêm mạc tử cung nhằm giảm nguy cơ ung thư niêm mạc tử cung (ưu tiên thuốc chứa progestin loại cyproterone hay drospirenone).

Nếu bệnh nhân muốn có thai thì có thể sử dụng biện pháp không dùng thuốc như giảm cân hoặc dùng thuốc kích thích buồng trứng, nội soi đốt điểm buồng trứng hoặc thụ tinh ống nghiệm...

"Không phải mụn trứng cá thì luôn luôn có hội chứng buồng trứng đa nang. Nếu lỡ điều trị mụn trứng cá mà có thai thì một số thuốc có thể gây dị tật thai", bác sĩ Thương nhấn mạnh. Nếu tình cờ siêu âm phát hiện buồng trứng đa nang thì không cần thiết phải điều trị. Tuy nhiên người ta nhận thấy người hội chứng buồng trứng đa nang có béo phì sẽ nguy cơ bị đái tháo đường type 2 sau này.

Theo BS Nguyễn Trọng Hào, mụn do buồng trứng đa nang sẽ đáp ứng kém với các loại thuốc trị mụn thông thường. Cần điều trị với các loại thuốc nội tiết tố có tính kháng androgen. Nên khám chuyên khoa nội tiết hoặc phụ khoa nếu có mụn trứng cá khởi phát muộn hoặc tồn tại dai dẳng ở tuổi trưởng thành, kèm rậm lông, tăng tiết bã nhiều, rụng tóc.

Theo Lê Phương - VnExpress

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]