Mắt và các bệnh toàn thân

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc suy giảm thị lực và các bệnh về mắt: không khí ô nhiễm, bụi bẩn, môi trường làm việc căng thẳng độc hại.

15.599
 Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc suy giảm thị lực và các bệnh về mắt như việc tiếp cận nhiều với các thiết bị điện tử, không khí ô nhiễm, bụi bẩn, môi trường làm việc căng thẳng độc hại, các bệnh ở toàn thân… khiến cho mắt không còn đủ khả năng tự điều tiết.
 
Rất có thể bạn đang là nạn nhân của một số bệnh về mắt thường gặp như: tăng nhãn áp, đục nhân mắt, bệnh về võng mạc hoặc nặng hơn sẽ bị đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng…

Đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là bệnh đang bị trẻ hóa. Biến chứng của bệnh gây nên nhiều tổn thương ở các cơ quan bộ phận khác nhau như tim mạch, não, thận, mắt, thần kinh ngoại biên, cơ quan vận động… Nguyên nhân là do rối loạn nuôi dưỡng do tắc các vi mạch nhỏ và thoái hóa mô do kém nuôi dưỡng.

Ở mắt, đái tháo đường gián tiếp hoặc trực tiếp gây nên nhiều biến chứng rất nặng nề như bệnh võng mạc đái tháo đường, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc, glôcôm, đục thủy tinh thể… Sau khi bị bệnh đái tháo đường khoảng 5 năm là bắt đầu xuất hiện các biến chứng về mắt.
 
 Điều đặc biệt nguy hiểm là đa số các bệnh nhân đái tháo đường không thấy có bất cứ triệu chứng gì về mắt cho đến khi đột nhiên bị mất thị lực. Khi đó dù có được điều trị rất tích cực và tốn kém thì khả năng bảo tồn được thị lực là rất nhỏ, phần lớn người bệnh sẽ bị mù vĩnh viễn.
 
 Chính vì vậy các bệnh nhân đái tháo đường cần đi khám mắt định kỳ, tốt nhất là 6 tháng 1 lần và được khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, sẽ tránh được những hậu quả trầm trọng do bệnh gây ra.

Tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp mà không điều trị đúng, không kiểm soát được huyết áp sẽ gây  biến chứng ở nhiều bộ phận như: não, tim, thận, võng mạc mắt... Ở mắt tổn thương có thể là: chảy máu trong mắt, tắc nghẽn mạch máu ở mắt, phù gai thị... làm giảm thị lực.
 
Nếu tắc tĩnh mạch võng mạc gây ứ trệ làm các chất trong mạch máu thấm vào võng mạc gây phù nề võng mạc, giảm thị lực. Khi đó bệnh nhân đột ngột bị mờ mắt, thấy hiện tượng ruồi bay với rất nhiều đốm đen bay trước mắt.
 
 Vì khi tắc tĩnh mạch võng mạc sẽ sinh ra những mạch máu mới rất dễ vỡ gây chảy máu ở bên trong mắt tạo nên hiện tượng ruồi bay. Bệnh nhân còn bị đau do tăng nhãn áp. Nếu không điều trị sớm sẽ gây các biến chứng: cườm nước, xuất huyết trong mắt, bong võng mạc, mù mắt.
 
Tuy nhiên, các biến chứng này đều có thể phòng tránh nếu được phát hiện và điều trị sớm. Người có bệnh tăng huyết áp cần khám theo dõi đáy mắt thường xuyên để phòng ngừa các biến chứng và để theo dõi tiến triển các giai đoạn của bệnh này.
 Võng mạc biến chứng ở người bệnh đái tháo đường. 

Sốt xuất huyết

Trong những biến chứng về mắt của bệnh sốt xuất huyết có 2 loại có thể làm bệnh nhân mù đột ngột mà không gây đau nhức mắt, cũng không làm đỏ mắt, đó là:

- Xuất huyết võng mạc: Các mạch máu của võng mạc bị tổn thương, máu thấm lên thành những lớp mỏng che trước võng mạc. Ở những chỗ bị che khuất đó người bệnh không nhìn thấy được mọi vật. Thị lực của mắt  giảm sút.

- Xuất huyết trong dịch kính: Khi một mạch máu trong mắt bị vỡ, máu tràn vào trong buồng dịch kính che khuất các vật ở trước mắt. Lúc này, trước mắt bệnh nhân chỉ còn là bóng tối; giơ bàn tay trước mắt, người bệnh chỉ còn thấy bóng bàn tay mà không phân biệt được các ngón tay.

Trước biến chứng chảy máu ở trong nhãn cầu của bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân nên đến khám ở cơ sở y tế khoa mắt để được điều trị kịp thời, vì việc chữa xuất huyết trong nhãn cầu chỉ có kết quả nếu bệnh nhân đến bệnh viện sớm.

Các bệnh ở hệ thống thần kinh

Một số các bệnh ở hệ thống thần kinh như u tuyến yên, u não, tai biến mạch máu não, các bệnh khác ở sọ não… có thể gây nên các rối loạn về thị lực và thị trường. Bệnh nhân thấy mắt mình có những triệu chứng không ổn, nhìn mờ hoặc hẹp thị trường có khi không cảm nhận được rõ ràng.
 
Đến khám mắt tại các cơ sở chuyên khoa có máy móc tiên tiến, chụp đáy mắt phát hiện các bất thường về thần kinh thị giác, làm thị trường tự động phát hiện các rối loạn khiếm khuyết thị trường sẽ cho phép định hướng đến các tổn thương ở não. Để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân sẽ được yêu cầu chụp CT hoặc MRI sọ não.
 
 Khi phát hiện đúng tổn thương, bệnh nhân sẽ được chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị kịp thời. Trong thực tế, rất nhiều bệnh nhân khám mắt tình cờ phát hiện ra bệnh ở não, tuyến yên. Hoặc bệnh nhân đến khám bệnh vì mờ mắt được phát hiện ra các bệnh lý này.


 Cần đi khám định kỳ để phát hiện sớm các bệnh ở mắt.  

  Basedow

Lồi mắt là dấu hiệu điển hình trong bệnh Basedow, mắt lồi nhiều hay ít không liên quan tới mức độ to hay nhỏ của bướu cổ. Mắt có thể lồi rất nhiều trên những bệnh nhân có bướu cổ nhỏ và ngược lại có thể không lồi hoặc lồi rất ít trên những bệnh nhân bướu cổ to.

Những dấu hiệu thường gặp như: Chói mắt, chảy nước mắt sống, thỉnh thoảng nóng rát hoặc như có bụi bay vào đôi khi cảm thấy khó chớp mắt. Cơ mi trên của mắt co, khiến mắt lồi ra, nhìn thấy cả vùng củng mạc trắng ở phía trên; khe mi mở rộng, cơ vận nhãn và cơ mi co không đồng đều.
 
Mi dưới phù nề, bệnh nhân có thể bị liệt mắt, sung huyết, phù và viêm kết mạc. Khi bị lồi quá mức, mắt sẽ không nhắm kín, mi hở nên giác mạc dễ viêm loét và tổn thương. Tình trạng này để lâu dần sẽ dẫn đến nhiễm trùng mắt.

Những dấu hiệu ở mắt tiến triển độc lập với tiến triển của bệnh, cần phải theo dõi thường kỳ, ngay cả khi đạt được kết quả điều trị, đưa tuyến giáp trở lại hoạt động bình thường.

Theo BS Hồng Hạnh - Sức Khỏe & Đời Sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]