Mẹ tắt sữa, bác sĩ mắt thâm quầng

Ngày 18/10, tạ BV Nhi Đồng 2, TP.HCM, không khí cực kỳ ngột ngạt bởi sự đông đúc, quá tải. Những phòng bệnh chật cứng người, phải khó khăn lắm mới len vào được.

0

Nhiều bệnh nhi phải ra nằm ngoài trời - Ảnh: T.Dương


Hành lang bệnh viện được tận dụng tối đa để kê giường bệnh. Ở trong phòng cũng như ngoài hành lang đều có ba, bốn bé nằm chung một giường. Không chịu nổi sự ngột ngạt, nhiều người bế con ra ngoài sân mắc võng và trải chiếu để nằm. Khoảng sân có mái che giữa hai dãy nhà ở khoa hô hấp san sát những chiếc võng xếp. Các bà mẹ ôm con thiếp đi trên võng được một lúc lại giật mình tỉnh giấc vì con khóc.

Bệnh nhi không ngủ được

Bệnh hô hấp, sơ sinh, tiêu hóa tăng cao

Theo thống kê của phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, tuần qua (từ ngày 8 đến 14/10) bệnh viện có tổng cộng 30.638 lượt bệnh nhi tới khám. Từ đầu tuần này, bệnh nhi tới khám và nội trú tiếp tục tăng cao. Ngày 15/10, bệnh viện có tới 1.972 bệnh nhi nội trú và 7.307 lượt bệnh nhi tới khám. Ngày 17-10 có 1.935 bệnh nhi nội trú và 6.298 lượt bệnh nhi tới khám. Trong khi đó bệnh viện chỉ có 1.400 giường bệnh. Các bệnh tăng cao chủ yếu là hô hấp, sơ sinh và tiêu hóa.

Trong hành lang của khoa hô hấp tiếng trẻ con khóc inh ỏi, nhiều bà mẹ mệt mỏi ngồi bệt xuống đất tựa đầu vào thành giường ngủ gật. Chị Tuyết Mai (ngụ Bình Dương) cho biết chị mới sinh con được hơn một tháng, sức khỏe và thể trạng còn rất yếu nhưng con ốm mà bệnh viện lại hạn chế người nuôi bệnh vì quá đông nên chị phải cố gắng chăm con hơn một tuần nay. Đêm cũng như ngày, chị và những người mẹ đang chăm con ở đây chỉ được ngồi dưới đất tựa đầu lên giường bệnh chợp mắt một lúc. Vì quá mệt mỏi nên mấy ngày nay chị Mai bị tắt luôn sữa, ăn gì cũng không có sữa cho con bú. "Không chỉ mình tui mất sữa đâu, mấy chị em mới sinh ở đây cũng vậy. Thiếu ngủ mệt mỏi lắm. Vợ ở trong chăm con, chồng ra gốc cây ngồi đợi, có gì thì gọi điện thoại chứ vào đây chật chội không có lối đi" - chị Mai cho biết.

Tại hành lang, sân, gốc cây me khoa điều trị nội trú tiêu hóa của bệnh viện cũng la liệt các giường gấp, võng... với người nằm người ngồi, kèm theo tiếng trẻ khóc. Anh Dương Văn Hưng (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) vừa quạt cho con là bé Dương Thành Trung vừa xoa lưng cho bé, nói: "Cháu bị tiêu chảy, vừa nhập viện sáng nay. Dù có giường, có phòng (ghi trong hồ sơ) nhưng vợ chồng tui vẫn phải thuê giường gấp để đưa bé ra đây nằm. Giường số 59 phòng số 4 có đến bốn trẻ, mỗi trẻ lại có hai người lớn chăm sóc nên quá nóng".

Tương tự, không đủ giường bệnh, nhiều bệnh nhi của BV Nhi Đồng 1, TP.HCM cũng phải nằm ghép hoặc nằm ngoài hành lang. Ngày 18/10, ở những đoạn xoay của chân cầu thang đi lên khoa hô hấp (lầu 3), các bậc cha mẹ đều tận dụng trải hai chiếc chiếu đủ cho hai gia đình chăm sóc con. Người đi nếu không khéo nghiêng người sẽ giẫm phải chiếu của bệnh nhi. Đang ngồi dỗ cháu ngoại mới hơn 1 tháng tuổi vừa khóc ré ở hành lang, bà Huỳnh Thị Hồng (ngụ Bình Long, Bình Phước) kể cháu gái bà bị viêm phổi nằm viện chín ngày thì tới sáu ngày phải nằm hành lang. Hằng ngày, gia đình phải canh giờ đưa cháu lên khoa chích thuốc vào ba buổi sáng, trưa, tối, còn lại cháu bà đều nằm ở hành lang.

Khi hành lang cũng không còn chỗ, thân nhân bệnh nhi đành tự xoay xở đủ cách. Anh Huân (ngụ Đắk Lắk), đang cùng vợ chăm sóc con trai mới được 9 tháng tuổi nằm dưới gốc cây, kể: "Con tui được nhân viên y tế xếp vào phòng bệnh của khoa tiêu hóa nhưng trong đó giường nào cũng 4-5 trẻ, cộng thêm số cha mẹ đi theo chăm sóc làm phòng bệnh luôn ngột ngạt, nóng nực". Trời mưa hoặc tối, vợ chồng anh lại chuyển con lên hành lang nằm.

Nằm hành lang khổ sở nhưng nằm trong phòng cũng gian nan. Chị Thủy (ngụ Q.Tân Bình) đang chăm con gái 4 tuổi vừa mắc bệnh viêm phổi vừa mắc bệnh suyễn ở phòng 308 khoa hô hấp, than thở: "Phòng bệnh ồn ào hơn cái chợ. Nào là tiếng trẻ đua nhau khóc, tiếng bà mẹ dỗ con, tiếng loa phát thanh từ khoa vang ra. Mớ âm thanh hỗn độn này người lớn nghe còn thấy oải nhưng ở phòng bệnh nó kéo dài triền miên. Vào đêm, tiếng khóc của trẻ nghe càng rõ hơn. 3-4 trẻ nằm ghép một giường, chật chội, chúng không ngủ được đạp vào nhau và khóc to hơn".

Bác sĩ mệt nhừ

Không chỉ các bà mẹ mệt mỏi, các bác sĩ làm việc tại các bệnh viện nhi cũng phải làm việc cực kỳ căng thẳng. Giữa căn phòng dày kín bệnh nhi, BS Trần Thị Thu Loan, trưởng khoa hô hấp BV Nhi Đồng 2, thoăn thoắt di chuyển từ giường này qua giường khác khám bệnh. Gương mặt của BS Loan lộ rõ sự mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. "Mọi người trong khoa đều quá mệt, bệnh nhân đông quá nên bác sĩ hầu như không được nghỉ. Chúng tôi chẳng ai dám nghỉ ngày nào, việc nhà đành phải bỏ bê vì công việc nhiều quá" - bác sĩ Loan tâm sự.

Theo BS Trịnh Hữu Tùng - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 2, thường cứ theo chu kỳ, từ đầu tháng 10 trở đi đến hết năm bệnh viện trong tình trạng quá tải. Nhưng năm nay bệnh nhi tăng đột biến. Để giải quyết tình trạng quá tải, bệnh viện phải sử dụng các khoa có bệnh nhi ít như tai mũi họng để nhận bệnh hô hấp. Phải để 3-4 bé nằm chung một giường nên bệnh viện đã tạm thời chuyển khoa dịch vụ hô hấp thành khoa dịch vụ thường vì không thể đảm bảo một bé một giường như tiêu chuẩn mà khoa dịch vụ phải có. Theo tiêu chuẩn, các bé trên 28 ngày tuổi mới được chuyển khỏi khoa sơ sinh nhưng do khoa này quá tải, nên những bé mới 26, 27 ngày tuổi, cân nặng trên 3kg, bệnh không nghiêm trọng thì bệnh viện phải chuyển đi các khoa khác để tiếp tục điều trị.

Còn BS Lê Bích Liên, phó giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết những ngày gần đây, có ngày số trẻ đến khám bệnh tại bệnh viện lên đến gần 7.000 trẻ, đông nhất từ trước đến nay. Trong khi những tháng trước chỉ 5.000-6.000 trẻ. Số trẻ nằm viện điều trị mỗi ngày cũng lên đến gần 2.000 trẻ, trong khi bệnh viện chỉ có 1.400 giường bệnh.

Bệnh viện đã làm mọi cách để giải quyết cho bệnh nhi như tổ chức khám bệnh đến 22g, mở thêm phòng khám, huy động cả ban giám đốc và các trưởng khoa ra ngồi khám bệnh. Hiện mỗi buổi sáng, một bác sĩ phải khám 100-120 bệnh nhi (bắt đầu từ 7g-11g30). Bên cạnh đó, bệnh viện tăng cường cho những bệnh nhi gần bệnh viện điều trị ngoại trú. Với những bệnh nhi ở các tỉnh mà bệnh không quá nặng, bệnh viện đã liên hệ với các bệnh viện tỉnh nhận bệnh nhi về điều trị. Tuy nhiên, chỉ một số bậc cha mẹ đồng ý đưa con về, phần lớn vẫn muốn tiếp tục ở đây điều trị đến khi khỏi bệnh.

AloBacsi.vn
Theo Thùy Dương, Ngọc Nga, Hoàng Hiệp - Tuổi trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]